Làm người khác tổn thương liệu có khiến bản thân cảm thấy vui hơn?

An Chi - Ngày 15/03/2024 00:01 AM (GMT+7)

"Bạo lực mạng" không phải vấn nạn mới trong xã hội, nhưng nó luôn tồn tại và "được làm mới" qua mỗi sự kiện khác nhau. Dưới góc nhìn của chuyên gia xã hội học, "bạo lực mạng" một lần nữa được phân tích sâu hơn khi dựa trên phản ứng của đám đông từ vụ lừa đảo gần đây gây xôn xao.

Những ngày qua, câu chuyện về chiếc bẫy lừa đảo "việc nhẹ lương cao" thông qua việc bán hàng gia công đang gây xôn xao mạng xã hội. Nhiều nạn nhân chỉ vì phút giây lỡ lầm, trao niềm tin vào lời hứa hẹn mà trót sa vào cạm bẫy. Để rồi những gì họ nhận được chỉ là ứng dụng của công ty lừa đảo đã sập cùng văn phòng trơ trọi, tiền cọc lên đến vài trăm triệu đồng cũng "không cánh mà bay". 

Bức xúc với hành vi lừa đảo trắng trợn này, nhiều người đã lên tiếng tố cáo, phơi bày sự thật trên truyền thông. Họ chọn xuất hiện trên sóng truyền hình, đưa tội ác của nhóm lừa đảo ra ánh sáng. Nguồn: VTV24.

Bức xúc với hành vi lừa đảo trắng trợn này, nhiều người đã lên tiếng tố cáo, phơi bày sự thật trên truyền thông. Họ chọn xuất hiện trên sóng truyền hình, đưa tội ác của nhóm lừa đảo ra ánh sáng. Nguồn: VTV24.

Tuy nhiên, thay vì nhận về sự đồng cảm hay cùng lên án nhóm lừa đảo thì những nạn nhân này lại trở thành đối tượng bị công kích trên mạng xã hội. Nhiều bình luận "mắng chửi" họ với lời lẽ cay nghiệt như "tham thì thâm", "này thì mê việc nhẹ lương cao, cho chừa",...

Những lời bình luận như "xát thêm muối" vào vết thương vẫn còn rỉ máu của người bị hại. Nạn nhân ngoài chịu cảnh tiền mất, tật mang, nay còn phải đối mặt với những câu từ lạnh lùng, xéo xắt từ người không quen biết.

Lớp mặt nạ ẩn danh cùng tâm lý "bầy đàn"

Vụ lừa đảo cọc tiền hàng gia công gần đây vẫn có nhiều ý kiến trái chiều, gây tranh cãi. Tuy nhiên, chưa nói đến khía cạnh những người bị lừa có "xứng đáng" bị như vậy hay không. Ở đây, ta nhìn nhận theo phương diện khác: Liệu họ có đáng bị chỉ trích và trở thành mục tiêu của nhóm người sử dụng "bạo lực mạng"?

Chia sẻ quan điểm về tâm lý đổ lỗi cho nạn nhân của không ít người dùng mạng xã hội, Tiến sĩ Nguyễn Nữ Nguyệt Anh - Trưởng khoa Xã hội học (trường Đại học KHXH&NV TP.HCM) cho biết, trong xã hội tồn tại nhiều nhóm người khác nhau. Có người thông cảm vì nạn nhân không biết bản thân sẽ bị lừa, và niềm tin họ trao đi quá lớn.

Dù rằng trên thực tế, một số người tham nên mới dễ tin, dễ bị lừa. Còn những kẻ lừa đảo thường có chiêu trò đánh vào lòng tham. Những ai bị chọn làm mục tiêu của kẻ lừa đảo, nếu biết tiết chế lòng tham sẽ ít có khả năng bị lừa hơn. Nhưng nhiều người dùng mạng xã hội có xu hướng nhìn vào điểm hạn chế này của nạn nhân và từ đó đổ lỗi cho họ.

Lớp mặt nạ ẩn danh đằng sau các tài khoản mạng xã hội khiến nhiều người sẵn sàng tấn công các nạn nhân với tâm lý đổ lỗi. Không chỉ vậy, sự bầy đàn còn được thể hiện triệt để khi không ít tài khoản hùa theo, mạt sát người mình không quen biết chỉ để thoả mãn cái tôi của bản thân. Nguồn ảnh: Sống Đẹp.

Lớp mặt nạ "ẩn danh" đằng sau các tài khoản mạng xã hội khiến nhiều người sẵn sàng "tấn công" các nạn nhân với tâm lý đổ lỗi. Không chỉ vậy, sự "bầy đàn" còn được thể hiện triệt để khi không ít tài khoản hùa theo, mạt sát người mình không quen biết chỉ để thoả mãn cái tôi của bản thân. Nguồn ảnh: Sống Đẹp.

Về phần các nạn nhân, Tiến sĩ Nguyệt Anh cho biết sẽ có những người không thể vượt qua được "bóng ma tâm lý" khi bị công kích, thậm chí có thể nghĩ quẩn. Bạo lực mạng có thể khiến các nạn nhân rơi vào trạng thái tâm lý bất ổn, chìm sâu trong vũng lầy và cuối cùng chọn cách giải quyết tồi tệ nhất.

Nữ Tiến sĩ phân tích thêm: "Có những người dùng trên mạng thường bị tâm lý gọi là 'bầy đàn', hùa theo rồi tạo nên làn sóng mạt sát, tẩy chay. Điều đó khiến những nạn nhân tâm lý yếu, bất ổn dễ trở nên trầm cảm, lo âu và thậm chí nghĩ đến chuyện tự sát. Cho nên có những hành vi được gọi là giết người không dao".

Nếu thế giới ảo quá khắc nghiệt, hãy chữa lành bằng thế giới thực

Đối mặt với những lời lẽ cay nghiệt, các nạn nhân khó có thể tiếp nhận. Và đôi lúc, sự vượt quá giới hạn dễ khiến họ nảy sinh suy nghĩ tiêu cực. Đứng trên khía cạnh là một chuyên gia, Tiến sĩ Nguyệt Anh đã có những chia sẻ về cách chữa lành đối với những nạn nhân của bạo lực mạng.

"Nếu như cảm thấy thế giới ảo đầy rẫy những điều khiến mình lo âu, sợ hãi thì hãy tạm ngưng kết nối với nó một thời gian. Cứ bước ra đời sống thật hoặc tìm những niềm vui khác tận hưởng. Đến khi nào mình thấy tịnh tâm, ổn định và mạnh mẽ hơn thì hãy quay lại thế giới mạng", nữ Tiến sĩ đưa ra phương pháp ổn định tâm lý với những đối tượng cần thoát khỏi nỗi ám ảnh bạo lực mạng.

Các nạn nhân có thể chọn cách tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, thầy cô hay các chuyên gia tâm lý. Ngoài ra, họ có thể tham gia các hoạt động ngoài trời. Việc này có thể kéo nhiều người trở về với những suy nghĩ lành mạnh hơn. Hoặc ít nhất, thời điểm chữa lành đó giúp nạn nhân không phải nghĩ tới lúc bị "bạo lực mạng".

Nạn nhân của bạo lực mạng có thể chọn cách trở về với đời sống thực, hòa mình với thiên nhiên và tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, chuyên gia.

Nạn nhân của bạo lực mạng có thể chọn cách trở về với đời sống thực, hòa mình với thiên nhiên và tìm đến sự hỗ trợ từ người thân, bạn bè, chuyên gia.

Bên cạnh đó, nữ Tiến sĩ cũng đặc biệt lưu ý về phương diện phát triển các kỹ năng giao tiếp xã hội đối với nhóm thanh thiếu niên đang vào thời kỳ xáo trộn về mặt tâm sinh lý. Trong chương trình đào tạo, cần tập trung vào kỹ năng quan trọng là giao tiếp xã hội. Với đối tượng bị bạo lực mạng, ta cũng nên hướng dẫn họ tìm hiểu về vấn đề này. 

Về những người đang trong trạng thái thiếu ổn định vì bị bạo lực mạng, Tiến sĩ Nguyệt Anh đưa ra lời khuyên rằng bản thân họ cũng nên học cách tự chăm sóc, tự vượt qua những khó khăn.

Mặt khác, để giải quyết triệt để hơn, cô cho rằng các cơ quan chức năng, tổ chức có thẩm quyền cần quyết liệt hơn trong việc kiểm soát các nội dung trên mạng xã hội.

"Ở đây mình cũng nên xem xét ở cả khía cạnh của cơ quan chức năng. Mình nên quan tâm việc họ quản lý nội dung trên mạng xã hội ra sao. Vì không thể cứ ở trên nền tảng nào, người ta có thể nói bất cứ thứ gì đều được. Tự do ngôn luận phải ở trong giới hạn chứ không thể muốn phát ngôn sao thì có thể phát ngôn như vậy", nữ Tiến sĩ nói.

Trao yêu thương thay vì "gieo oán"

Cuộc sống là hành trình dài, và luôn có nhiều bất ngờ xảy đến. Đôi lúc, những lỡ lầm của người khác chính là sự cảnh tỉnh với những ai may mắn chưa gặp phải nghịch cảnh. Vậy nên, ta có thể nhìn nhận nó theo góc nhìn tích cực và tôn trọng các nạn nhân hơn, nếu không thể thấu hiểu, cảm thông hay giúp đỡ họ.

Thay vì mạt sát hay chỉ trích ai đó, trao đi yêu thương, sự tử tế là điều không bao giờ thừa. Nguồn ảnh: Luật Đại Nam.

Thay vì mạt sát hay chỉ trích ai đó, trao đi yêu thương, sự tử tế là điều không bao giờ thừa. Nguồn ảnh: Luật Đại Nam.

Về vấn đề bạo lực mạng, Tiến sĩ Nguyệt Anh cho rằng tình trạng này sẽ giảm đi rất nhiều nếu từ đầu những cá nhân có xu hướng này được dạy cách sống nhân văn và học được hành vi giao tiếp chuẩn mực. Bên cạnh đó, cô cũng bày tỏ hãy luôn nhìn nhận nạn nhân bằng sự cảm thông và sẵn sàng hỗ trợ họ khi họ cần:

"Dù sao, con người ta đã được dạy từ trong trứng nước đó là sống luôn có tính nhân văn. Con người khác với các loài động vật khác ở chỗ chúng ta phải có sự cảm thông. Mặc dù có thể một số người cũng vì lòng tham nên mới bị lừa, nhưng dù gì họ cũng đã tiền mất tật mang. Vậy nên sẽ không có gì tốt hơn việc hỗ trợ, động viên và giúp họ khắc phục tình trạng phần nào đó. Hoặc có thể giúp họ phân tích, nhìn ra được bài học xương máu để sau này họ sẽ không lặp lại lỗi lầm như vậy".

Với góc nhìn của chuyên gia nhiều năm nghiên cứu về xã hội học, Tiến sĩ Nguyệt Anh cũng đưa ra chia sẻ chân thành gửi đến những ai đang nằm trong nhóm đi "bạo lực mạng":

"Bản thân mình có thể trở thành nạn nhân bất cứ lúc nào. Vậy nên để tránh việc mình trở thành nạn nhân của những người khác, tốt nhất là đừng gây oán với bất cứ ai. Mỗi người hãy cố gắng trao đi yêu thương thay vì gieo oán. Hãy tự vấn rằng việc làm người ta tổn thương hay thậm chí có ý nghĩ kết thúc cuộc đời có làm mình vui lên hay không. Cho nên, cần phải suy nghĩ chín chắn hơn trước khi đưa ra hành động gây tổn thương người khác".

Hay về nhà tối mình cất điện thoại đi, off Facebook lại?
Sau ngày làm việc mệt mỏi, tôi lướt Facebook tìm chút niềm vui thì tài khoản liên tục báo lỗi, không đăng nhập được.

Chạm

Theo An Chi
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Chạm