Vợ còn khinh tôi ra mặt, bảo đúng là nhà nghèo thì chỉ có thế thôi. Tiền mừng thì ít lại còn đòi ăn sang.
Tôi lấy vợ, đã tính toán chuyện hôn nhân một cách kĩ lưỡng. Vợ tôi vốn là con gái nhà khá giả, còn tôi chỉ là một chàng trai bình thường nhưng có công việc ổn định. Cũng do hợp nhau nhiều thứ, nhất là chuyện học hành, lại ngoại hình tương xứng, được người này, người kia tác hợp nên chúng tôi đến với nhau. Ai cũng mừng cho chúng tôi vì chúng tôi là một cặp được mọi người ca ngợi là hoàn hảo.
Nhưng đúng là yêu nhau thì biết thế nhưng đến ngày gần cưới nhau, mọi thứ lại hoàn toàn khác. Gia đình vợ tôi khá giả nên cách nghĩ khác hẳn. Bố mẹ vợ tương lai nói muốn tổ chức thật to ở khách sạn, nhưng vì nhà trai làm gì có điều kiện nên không muốn tổ chức to như thế. Vả lại, mình không phải ở thành phố, bày vẽ ra sẽ bị người khác chê cười. Đâu cứ phải đám cưới to thì thiên hạ mới khen ngợi, đâu phải cứ to mới tự hào vì nhà mình có tiền. Ở đâu hợp ấy, ở môi trường nào thì quen với môi trường ấy.
Cuối cùng, theo như nhà gái thì nên tính chuyện tổ chức chung trong nhà hàng lớn. Vì như thế, gộp được cả khách của hai bên, nhà trai và nhà gái cùng tới một nơi sẽ đông vui và khâu tổ chức cũng đơn giản hơn. Nhà vợ có điều kiện nên học theo phong cách phố xá, thôi thì tôi cũng đành ưng thuận, phần lớn cũng vì chiều lòng vợ.
Nhà vợ có điều kiện nên học theo phong cách phố xá, thôi thì tôi cũng đành ưng thuận, phần lớn cũng vì chiều lòng vợ. (ảnh minh họa)
Đám cưới diễn ra long trọng, ai cũng ngưỡng mộ vì gia đình chúng tôi có điều kiện, tổ chức rất sang trọng. Họ hàng hai nhà tới rất đông, vợ tôi đon đả chào mời khách hai bên khiến tôi cũng mát mặt.
Thật ra, với cách tổ chức này, bố mẹ vợ hi vọng rằng sẽ thu được khoản lời lớn, vì là có đầu tư thì có lãi. Người ta sẽ thấy mình tổ chức sang mà đi nhiều tiền. Bạn bè của bố mẹ vợ cũng có ông này, bà kia nên không thể không tổ chức to. Đám cưới được mang ra làm hình thức kinh doanh vì tiền bạc.
Một ngày tiếp khách khứa, tôi mệt hết cả người, vậy mà trong đêm tân hôn, vợ vẫn bắt tôi phải đếm tiền phong bì. Cũng chiều theo ý vợ, cả hai cùng đếm. Khi đếm tới phong bì của vợ, toàn là mừng 5 trăm, 1 triệu. Còn khi đếm tới phong bì của bạn tôi, người nhà tôi, toàn là 2 trăm, 3 trăm. Vợ tôi bực tức, tỏ thái độ ra mặt. Nói bạn bè họ hàng nhà tôi không biết điều, đi ăn cỗ to, tổ chức ở nhà hàng sang trọng thế mà mừng được có từng ấy tiền.
Vợ còn khinh tôi ra mặt, bảo đúng là nhà nghèo thì chỉ có thế thôi. Tiền mừng thì ít lại còn đòi ăn sang. Nhưng thú thực, ở quê, người ta đâu có tiền mà đi nhiều, cũng chỉ tầm ấy là vừa. Trước mình cũng có đi họ nhiều đâu, nên người ta cũng chỉ có sao đi vậy, coi như một món quà trả lại mà thôi.
Đêm tân hôn mà chẳng thấy tân hôn, chỉ thấy tiền mới phong bì. Mới lấy nhau mà đã tính toán tiền nong, thật là mệt người. Tôi bực mình, quát tháo vợ, thế là hai vợ chồng cãi nhau. Không phải vì chuyện to lớn gì, chỉ cần việc vợ khinh tôi nghèo, coi thường bạn bè của tôi, tôi đã không muốn nói chuyện với vợ rồi. Bạn bè của vợ sang trọng, mừng nhiều tiền. Nhưng đâu phải có tiền là nói được tình nghĩa bạn bè đâu.
Bây giời cưới xin nhiều, người ta cũng còn rất nhiều những đám cưới khác, đôi khi họ đi ít cũng phải thông cảm cho họ. Cứ đo cho bằng bạn, bằng bè của người khác thì đo làm sao được. Nói ra nói vào, hai vợ chồng cãi nhau to trong đêm động phòng. Thế là chẳng có yêu đương lãng mạn gì cả. Mấy ngày sau chúng tôi cũng không nói chuyện. Đúng là oan gia, tiền ít, tiền nhiều ảnh hưởng tới tình cảm bạn bè, giờ thì ảnh hưởng tới tình cảm vợ chồng. Âu cũng là cái chuyện đám cưới, lúc nào cũng vẫn là vấn đề phong bì, thật mệt mỏi và chán chường. Không hiểu cho nhau thì đúng là chỉ có ức và nghẹn…