Một ngày nhận 3 thiệp mời, người trẻ bận rộn “chạy deadline” mùa cưới, chi nửa tiền lương đi ăn cỗ

Thảo Anh - Ngày 26/11/2024 14:44 PM (GMT+7)

Một người lương chưa tới 10 triệu đồng/tháng mà phải chi hơn 4 triệu chỉ để đi mừng đám cưới, đó là tình cảnh của rất nhiều bạn trẻ dịp cuối năm này.

Vẫn như thường lệ, bắt đầu từ tháng 11 dương lịch hàng năm là vào mùa cưới. Các đám hỉ liên tục diễn ra khiến nhiều khách mời đi ăn cỗ như “chạy show”. Có những người chưa đầy một tuần đã phải tham dự 4, 5 đám cưới, đám hỏi. Thiệp mời xếp hàng, nhiều người còn phải cân nhắc xem nên đi đám nào và đám nào chỉ “gửi phong bì”. 

Thiệp hồng trao tay, bên cạnh niềm vui chúc mừng hạnh phúc cho đôi uyên ương, nhiều người cũng không khỏi lo lắng bởi áp lực tài chính khi đi ăn cưới. Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, tất nhiên tiền mừng cưới cũng “lên giá”. Thậm chí, khách mời còn phải tìm hiểu về địa điểm tổ chức, xem xét mối quan hệ, hay gia cảnh cô dâu chú rể để mừng sao cho tương xứng. Đối với những người trẻ có thu nhập ở khoảng 10 triệu đồng/tháng, chuyện “bỏ vào phong bì bao nhiêu” thực sự là bài toán đau đầu. 

Một tháng đi ăn cưới, bay luôn nửa tiền lương

Theo chia sẻ của bạn Nguyễn Linh Chi (26 tuổi, Hà Nội), tính hết tháng 11 này, Linh Chi đã đến dự 5 cái đám cưới và gửi phong bì 3 đám. “Cứ vào những ngày cuối tuần, bạn chỉ cần đi khoảng vài trăm mét lại thấy có rạp cưới. Mình đã nhận đến gần chục tấm thiệp mời trong tháng 11 này, đám nào không dự được, mình xin vắng mặt, chỉ gửi tiền mừng. Còn tháng 12 tới, mình đã nhận được 3 thiệp mời chỉ trong 1 ngày rồi”, Linh Chi cho biết.

Nhiều bạn trẻ nhận thiệp mời đám cưới liên tục vào dịp cuối năm

Nhiều bạn trẻ nhận thiệp mời đám cưới liên tục vào dịp cuối năm

Mỗi đám cưới Linh Chi mừng từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ thân thiết và địa điểm tổ chức. Với mức lương chỉ nhỉnh 9 triệu đồng/tháng, tính riêng trong tháng 11 vừa qua, Linh Chi đã tốn hơn nửa tháng lương cho việc mừng cưới. 

Linh Chi cho thêm, các bạn của cô đều đang ở độ tuổi cưới hỏi nên việc một ngày cô phải “chạy show” vài cái đám cưới dịp cuối năm là chuyện bình thường. Hầu hết những người cùng độ tuổi như Linh Chi đều có thu nhập xấp xỉ 10 triệu đồng, nên thường xuyên phải “than ngắn thở dài” khi bước vào mùa cưới với cả xấp thiệp mời. 

Đâu chỉ có tiền mừng, khi tới dự đám cưới, các bạn trẻ cần đầu tư trang phục, phụ kiện để xuất hiện xinh đẹp, chỉn chu, lưu giữ kỷ niệm đẹp bên cô dâu chú rể. Một số đám cưới ở xa còn phát sinh thêm chi phí đi lại, nghỉ ngơi. “Riêng trong năm nay, mình đã phải tốn cả chục triệu để mua váy đi đám cưới. Đối với người trẻ như mình thì không thể mặc lại một bộ đồ trong nhiều đám cưới được, như vậy sẽ bị trùng lặp, không còn đẹp nữa”, Linh Chi chia sẻ thêm.

Dẫu vẫn biết chuyện mừng cưới là “có đi có lại”, thế nhưng thực tế trước mắt vẫn là phải lo tiền mừng bạn trước, còn sau này bạn mừng lại mình bao nhiêu, đó lại là chuyện của tương lai không ai biết trước. Thậm chí, với những người trẻ còn độc thân như Linh Chi, chuyện kết hôn để được “hoàn vốn” còn rất xa vời.

Theo chia sẻ của nhiều bạn trẻ sinh sống và làm việc tại Hà Nội hiện nay, “mức giá” thấp nhất để đi ăn cưới là 500.000 đồng, dành cho những mối quan hệ xã hội, đồng nghiệp, bạn học,... Còn đối với bạn bè thân thiết, ít nhất cũng phải mừng 1 triệu đồng. Đặc biệt, tại các địa điểm tổ chức sang trọng, phong bì mừng cưới phải là tiền triệu, có thể lên tới 5 triệu đồng. Thông thường, nhiều người sẽ chọn cách “gửi phong bì” với chi phí bằng một nửa hoặc 2/3 giá trị phong bì đến ăn cỗ. Tính trung bình trong những tháng cuối năm, một người trẻ tại Hà Nội sẽ phải chi ít nhất 4 triệu đồng cho việc đi ăn cưới. 

Lịch ăn cưới dày đặc, làm sao để cân bằng mọi thứ?

Một tháng nhận hơn chục tấm thiệp mời, nhiều bạn trẻ phải ghi chú vào quyển lịch trên bàn làm việc hay đặt nhắc nhở trên điện thoại để tránh quên. Tuy vậy, chúng ta cũng không thể đi dự tất cả các đám cưới, đám hỏi mà nên cân nhắc thật kỹ xem đám nào nên đi và đám nào nên gửi. 

Thay vì bị cuốn theo áp lực chi tiêu, đã đến lúc các bạn trẻ cần tìm cho mình một cách tham dự cưới đơn giản, phù hợp với khả năng của mình. Theo kinh nghiệm của nhiều bạn trẻ, chúng ta nên lượng thu mà chi sao cho hợp lý. Bên cạnh đó, hãy giảm thiểu các mối quan hệ xã giao hoặc cân nhắc chỉ tới dự những đám cưới thực sự cần thiết, thân thiết. Đối với những đám cưới mang tính chất lễ nghĩa xã giao, chúng ta chỉ cần chúc phúc hoặc mừng tượng trưng. 

Các đám cưới ngày càng được tổ chức đơn giản, chỉ mời bạn bè thân thiết

Các đám cưới ngày càng được tổ chức đơn giản, chỉ mời bạn bè thân thiết

Ngày trọng đại vốn là ngày vui, khách mời tới là để chứng kiến khoảnh khắc thiêng liêng của nhân vật chính và chúc họ trăm năm hạnh phúc. Nếu vì chuyện mừng cưới mà gây áp lực thì đám cưới sẽ không còn đúng ý nghĩa vốn có của nó nữa. Hiện nay cũng có nhiều người trẻ tổ chức đám cưới trong phạm vi nhỏ, họ chỉ mời những người thân quen, gần gũi. Như vậy sẽ đỡ áp lực kinh tế hơn cho cả cô dâu, chú rể và khách mời. 

Giá thuê trọ ở Hà Nội bằng tiền ăn cả nhà, nam thanh niên trả phòng ra vùng ven, chấp nhận đi làm xa 20km
Sau gần một năm thuê căn phòng 25m2 ở trung tâm với giá 4 triệu đồng/tháng, anh Tú đã quyết định tìm phòng mới rẻ hơn một nửa, cách xa công ty gần...

Tin tức Hà Nội

Theo Thảo Anh - Ảnh: NVCC
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Mùa cưới