Việc xem xét các khoản chi tiêu của bạn hoàn toàn qua lăng kính nhu cầu so với mong muốn thường dẫn bạn đến cảm giác tội lỗi về chi tiêu. Bên cạnh đó, tạo ra một ngân sách cắt bỏ tất cả những gì bạn "muốn" đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để bạn duy trì ngâ
(*) Bài viết là chia sẻ của Natalie Taylor, Trưởng bộ phận Tư vấn Tài chính của Monarch Money. Bà có 17 năm kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch tài chính, 9 năm trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính) và 10 năm diễn thuyết chuyên nghiệp về tài chính cá nhân.
Trong quá trình tư vấn, lập kế hoạch tài chính cho khách hàng nhằm đảm bảo mục tiêu tiết kiệm và đầu tư trong dài hạn, tôi luôn bắt đầu từ việc lập ngân sách. Ngay cả khi khách hàng của tôi thường là những người có thu nhập rất cao, đa phần họ đều sự trợ giúp trong việc lập ra ngân sách phù hợp thực tế, bền vững, giúp họ vừa tiết kiệm vừa tận hưởng cuộc sống.
Muốn tiết kiệm hiệu quả và thành công, việc bạn cần làm chính là tránh 4 lời khuyên về ngân sách phổ biến nhưng không hiệu quả này:
1. Để bắt đầu lập ngân sách, bạn cần xem xét chi tiêu trong 1 năm qua
Ảnh minh họa.
Đây là một trong những lời khuyên phổ biến về việc bắt đầu lập ngân sách chi tiêu: xem xét và phân tích chi tiêu trong 1 năm gần nhất. Tuy nhiên điều này thường quá sức và trở thành rào cản với bạn trong quá trình bắt đầu. Bên cạnh đó, tôi nhận thấy các khách hàng của mình thường không muốn nhìn lại quá khứ vì họ không muốn cảm thấy tội lỗi về cách chi tiêu của bản thân cũng như bị đánh giá vì điều đó.
Thay vì nhìn lại mọi giao dịch trong 1 năm qua, hãy nhìn vào chi tiêu của bạn trong tháng trước để có một con số ước tính cho chi phí trung bình hàng tháng của bạn. Ngoài ra, hãy liệt kê các khoản chi lớn hơn, ít thường xuyên hơn mà bạn dự kiến có trong năm tới như kỳ nghỉ, quà tặng ngày lễ… và lập kế hoạch về cách bạn chi trả cho chúng.
Bạn có thể sử dụng nhiều ứng dụng, phần mềm lập ngân sách để dễ dàng hơn trong việc xem mức chi tiêu trung bình hàng tháng của mình cũng như xác định các khoản chi lớn, ít thường xuyên trong 12 tháng qua. Hãy đặt mục tiêu ngân sách ban đầu ở mức bạn mong muốn và lập kế hoạch điều chỉnh trong vài tháng đầu tiên để có được ngân sách thực sự phù hợp.
2. Nếu bạn không theo dõi từng xu, bạn sẽ không thể tiết kiệm
Natalie Taylor, người có nhiều năm kinh nghiệm trong các lĩnh vực về tài chính.
Tôi đã từng trải qua quãng thời gian thất bại không biết bao nhiêu lần trong việc tiết kiệm vì ngân sách quá chi tiết. Tôi ghi chép và lên kế hoạch với từng đồng tiền của mình, theo những gì tôi được nhiều người khuyên bảo.
Song thực tế là có 2 vấn đề chính với việc lập ngân sách quá chi tiết. Đầu tiên, nó có thể dẫn đến việc bạn trở nên quá chú trọng đến từng chi tiết nhỏ nhặt mỗi khi chi tiêu và mất đi tính linh hoạt. Thứ hai, việc duy trì một ngân sách quá chi tiết có thể khiến bạn phải tốn nhiều thời gian và khó để theo kịp.
Để lập ngân sách hiệu quả và có thể gắn bó lâu dài, hãy cân nhắc có 10-15 danh mục mở. Điều này không chỉ giúp bạn theo dõi và phân loại chi phí dễ dàng hơn mà còn giúp bạn linh hoạt hơn trong phạm vi ngân sách của mình, biến tiết kiệm trở thành phong cách sống, không phải điều gì đó bản thân phải làm theo một cách khắt khe.
3. Tiết kiệm cho đến khi thấy khổ sở
Ảnh minh họa.
Tôi ước gì các chuyên gia, cố vấn tài chính ngừng nói về điều này. Tôi muốn các bạn hiểu rõ một điều rằng tiết kiệm cho tương lai của bạn là điều quan trọng nhưng nó không quan trọng hơn cuộc sống của bạn ngày hôm nay. Thêm nữa, tiết kiệm đến mức khổ sở chắc chắn không phải là cách hiệu quả. Trên thực tế, càng ít khổ sở, bạn càng có nhiều khả năng gắn bó với cách tiết kiệm đó hơn.
Thay vì tiết kiệm cho đến khi thấy không thể chịu được nữa, hãy tập trung vào việc tìm kiếm sự cân bằng phù hợp giữa tận hưởng cuộc sống hôm nay và tiết kiệm cho tương lai. Đây là cách để bạn có thể đạt được những tiến bộ bền vững trong lâu dài. Đừng ngại bắt đầu từ những khoản tiết kiệm nhỏ và tăng dần tỷ lệ tiết kiệm theo thời gian để làm quen và khiến việc tiết kiệm trở nên bền vững.
Ví dụ: Bạn có thể bắt đầu bằng cách tiết kiệm 1% thu nhập của mình mỗi ngày nếu bạn vốn là người tiêu hoang, chưa từng có tiền tiết kiệm. Sau đó, hãy đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tiết kiệm thêm 1% sau mỗi 6 tháng và mỗi khi bạn được tăng lương. Đây là cách làm đơn giản, khiến bạn có thể tiết kiệm được mà không ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mình.
4. Sắp xếp chi phí của bạn theo nhu cầu so với mong muốn và loại bỏ thứ chỉ là mong muốn
Ảnh minh họa.
Đây có lẽ là lời khuyên mà rất nhiều người được nghe khi nói đến việc cắt giảm chi tiêu. Họ liệt kê ra các chi phí của mình và đặt lên bàn cân, xem chúng là nhu cầu hay chỉ là mong muốn. Nếu khoản chi đó là mong muốn, họ sẽ nghĩ ngay mình cần cắt bỏ để tiết kiệm tốt hơn.
Tuy nhiên, sự thật là việc xem xét các khoản chi tiêu của bạn hoàn toàn qua lăng kính nhu cầu so với mong muốn thường dẫn bạn đến cảm giác tội lỗi về chi tiêu. Bên cạnh đó, tạo ra một ngân sách cắt bỏ tất cả những gì bạn "muốn" đồng nghĩa với việc sẽ rất khó để bạn duy trì ngân sách đó trong lâu dài. Cũng như việc cải thiện vóc dáng, một chế độ ăn kiêng quá ngặt nghèo sẽ không hiệu quả và ngân sách cũng vậy.
Thay vì xem xét mọi khoản chi là "nhu cầu" hay "mong muốn", hãy lọc chi tiêu của bạn qua một lăng kính khác được gọi là "chi phí cho mỗi lần hạnh phúc". Về cơ bản, đó là một cách để đánh giá mức độ hạnh phúc (hoặc sự hài lòng, thấy xứng đáng) mà bạn thu được từ mỗi đồng mình chi ra.
Khi bạn tìm cách giảm chi tiêu và tiết kiệm tiền cho mục tiêu của mình, hãy cân nhắc giữ các khoản chi mang lại cho bạn nhiều hạnh phúc hơn và loại bỏ các khoản chi mang lại ít hạnh phúc hơn với cùng số tiền.
Ví dụ: Bạn có thể quyết định ghé vào quán cà phê trên đường đi làm, tự thưởng cho mình một ly ngon lành nếu điều đó khiến bạn thấy hạnh phúc hơn là trả tiền để nghe vài bản nhạc nào đó và ngược lại.
Một ngân sách đúng đắn và phù hợp sẽ giúp bạn tự do tận hưởng cuộc sống, cân bằng giữa việc sống cho hôm nay và tiết kiệm cho tương lai. Đừng phán xét hay xấu hổ về tình hình hiện tại hay những sai lầm bạn mắc phải, chỉ cần tiến bộ hơn dù chỉ là một chút mỗi ngày, thành công đang ở rất gần bạn.