Nhiều bạn trẻ loay hoay với việc tiết kiệm và cho rằng lương thấp khi mới ra trường là điều thật tệ. Với tôi, điều này đã giúp mình học được cách chi tiêu tiết kiệm sao cho phù hợp nhất. Tiết kiệm không quá khó, quan trọng là bản thân thấy thoải mái và từng đồng chi ra đều phải hợp lý, có tính toán.
* Bài viết là chia sẻ của cô nàng Nguyễn Diệu Linh (25 tuổi), một nhân viên văn phòng ở Nam Từ Liêm, Hà Nội.
Từ những ngày còn ngồi trên giảng đường đại học, tôi đã bắt đầu đi gia sư, làm thêm để kiếm thêm chút đỉnh trang trải tiền sinh hoạt phí. Gia đình tôi ở quê không phải khó khăn song tôi quan điểm bản thân mình hãy cố gắng tự lập nhất có thể.
Tôi ngày ấy cũng như biết bao bạn trẻ khác, đứng trước ngưỡng cửa tốt nghiệp để bước vào đời là câu hỏi làm thế nào để có thể giải quyết bài toán chi tiêu, có chút của ăn của để mà vẫn đảm bảo cuộc sống. Cảnh ví xẹp lép mỗi lúc cuối tháng đến thật chẳng lạ gì với lũ thanh niên chúng tôi.
Và rồi trong một lần tình cờ khi đang lướt web, tôi đã đọc được một bài viết mà tôi nghĩ rằng nó đã thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều. Nó giúp tôi có được cách quản lý tiền bạc hợp lý hơn và giúp tôi hiểu về điều mình cần làm với những gì mình có. Đó chính là phương pháp "6 cái lọ" JARS. Tìm hiểu thêm thì tôi được biết đó là một trong những phương pháp quản lý tài chính nổi tiếng nhất, được nghĩ ra bởi T. Harv Eker, tác giả của cuốn sách bán chạy nhất "Bí mật tư duy triệu phú".
Cụ thể, với năm đầu tiên đi làm sau khi ra trường, tôi làm việc cho một công ty về Logistic. Mức lương 6 triệu đồng/tháng ngày ấy không phải cao song cũng không phải thấp. Với tôi, đó là bước khởi đầu ổn, công việc giúp tôi được làm việc với rất nhiều người giỏi. Tôi muốn mình học hỏi được thật nhiều, có cơ hội rèn luyện nhiều.
Theo phương pháp này, tôi đã chia thu nhập của mình cho 6 cái lọ với số tiền cụ thể và mục đích chi tiêu như sau:
Lọ 1: Tài khoản chi tiêu thiết yếu: 3,3 triệu đồng (55% thu nhập)
Lọ đầu tiên tôi để tới 55% thu nhập của mình chính là dành cho các nhu cầu thiết yếu. Tôi tự cam kết với mình sẽ nghiêm chỉnh thực hiện theo phương pháp, nếu tôi để khoản nhu cầu thiết yếu vượt khỏi con số 55% thu nhập hiện có, tôi sẽ phải tìm cách để gia tăng thu nhập.
Với thu nhập 6 triệu đồng, số tiền tôi bỏ vào lọ 1 là 3,3 triệu đồng. Đây là số tiền hàng tháng tôi chi ra cho các khoản tiền thuê nhà, tiền ăn, tiền điện, tiền nước...
Với mức lương 6 triệu đồng, đây là cách tôi đã chi trả cho các khoản thiết yếu. Tất nhiên các khoản này không cố định mỗi tháng.
Hồi đó là sinh viên mới ra trường nên tôi vẫn tiếp tục ở trọ cùng 2 người bạn tại Nam Từ Liêm. Giá thuê hồi đó là 2,5 triệu đồng cho một phòng cỡ khoảng 25m2 gì đó. Cộng thêm với các khoản tiền điện, nước, mạng internet... tính ra mỗi tháng chúng tôi mất 1,1 triệu.
Trong 3 đứa thì có một cô bạn rất thích nấu nướng nên khoản này chúng tôi cũng được nhờ. Chúng tôi cùng góp tiền ăn chung để tự nấu nướng ở nhà. Cô bạn còn lại trước đây cũng thích việc ăn hàng nhưng sau một lần ăn bún cá bị ngộ độc đã chăm chỉ sáng mang cơm đi làm như hai đứa chúng tôi.
Hàng tuần, chúng tôi đều nhận đồ từ quê gửi lên, thường thì là rau nhà trồng và ít trứng, thịt sạch. Sự tiếp tế của phụ huynh khiến 3 đứa cũng tiết kiệm được một khoản. Còn lại, chúng tôi mua ở vài hàng quen trong chợ. Tôi không có ý định đi chợ sớm buổi sáng vì sự thật là 3 đứa ăn không tốn nhiều, ham rẻ mua nhiều có khi lại không ăn hết. Thêm nữa là chúng tôi không phải những đứa sành sỏi chọn đồ, đi chợ kiểu đó không phải là ý hay.
Mang cơm đi làm vừa giúp tôi tiết kiệm được tiền, vừa giúp tôi tránh được các thức ăn nhiều dầu mỡ, không đảm bảo vệ sinh.
Nhờ việc mang cơm đi làm, tôi tiết kiệm được kha khá tiền đi ăn hàng. Tất nhiên vào những dịp đặc biệt, chúng tôi vẫn ra ngoài ăn hay thỉnh thoảng cũng gọi đồ về nhà cho đổi bữa song chỉ là thỉnh thoảng thôi nhé! Mỗi tháng, chúng tôi góp trung bình khoảng 1,5 triệu đồng tiền ăn.
600 nghìn còn lại trong lọ là để chi cho các khoản như mua mĩ phẩm, thăm nom ai đó... Vì tôi không có nhu cầu trang điểm nên khoản mĩ phẩm chỉ dừng lại ở sữa rửa mặt và kem chống nắng.
Lọ 2: Tài khoản tiết kiệm tiêu dùng cho tương lai: 600 nghìn đồng (10% thu nhập)
Theo phương pháp "6 cái lọ", 10% thu nhập tiếp theo tôi sẽ đặt vào lọ thứ 2 và đây chính là khoản tiết kiệm dành cho tương lai. 600 nghìn đồng trong tài khoản này tôi thường gửi ngân hàng ngay khi có lương và nhất định không động đến tài khoản này trong một thời gian dài. Tôi muốn dành chúng cho việc chuẩn bị cưới xin, sinh con sau này chẳng hạn... Cũng có khoảng thời gian, tôi lựa chọn cóp nhiều tháng rồi mua chỉ vàng. Nhìn chung điều quan trọng nhất với tài khoản này là bạn không được tiêu đến trong thời gian dài.
Lọ 3: Tài khoản giáo dục: 600 nghìn đồng (10% thu nhập)
Đầu tư vào giáo dục chính là con đường đầu tư có lãi nhất, tôi vẫn luôn nhớ câu nói này. 600 nghìn đồng mỗi tháng là số tiền tôi chi cho các khoá học, sách báo để trau dồi kiến thức, hoàn thiện bản thân.
Đọc sách là cách để tôi trau dồi kiến thức và tự cho mình những khoảng lặng để suy nghĩ nhiều hơn về cuộc sống.
3 đứa tôi có một tủ sách chung để trao đổi với nhau. Vì ở chung 3 đứa nên cũng có lợi thế là không nhất thiết mình phải mua hết số sách mình muốn. Đi làm được vài tháng thì tôi đăng ký học thêm một khoá học để nâng cao nghiệp vụ. Tôi thật sự thấy lọ thứ 3 này rất quan trọng. Và nó chính là điều đã giúp tôi có được công việc với mức lương cao hơn sau hơn 1 năm ra trường.
Lọ 4: Tài khoản tự do tài chính: 600 nghìn đồng (10% thu nhập)
Với mức lương 6 triệu đồng ở năm đầu tiên đi làm, tôi dành 600 nghìn đồng cho tài khoản tự do tài chính. Đừng làm khó mình bằng những suy nghĩ như đầu tư là phải to tát như cổ phiếu hay bất động sản. Quan trọng là chọn cách phù hợp với mình.
Thời gian đầu, tôi gửi tiết kiệm vào ngân hàng khi chưa có kế hoạch gì, hơn nữa số tiền trong đó cũng nhỏ. Đi làm được vài tháng thì tôi với cô bạn thích nấu nướng kia muốn khởi nghiệp với công việc bán hàng online, cụ thể là những đồ ăn tự làm như trà sữa, chân gà sả ớt,... nhìn chung là những món ăn vặt đang hot.
Chân gà sả ớt, trà sữa, trà thái chính là những món chúng tôi đã làm để khởi nghiệp bán hàng online.
Công việc này không quá vất vả lại phù hợp với những người có vốn ít như chúng tôi. Và đây cũng chính là công việc giúp tôi gia tăng thu nhập sau này. Tôi còn nhớ vào thời kỳ đón đầu được những món ăn đang làm mưa, làm gió trên mạng, chúng tôi có tháng chia ra mỗi đứa được hơn 5 triệu đồng tiền lãi. Ngày đi làm rồi tranh thủ đi ship hàng, tối lại cắm mặt vào làm, mệt thì có mệt nhưng tất cả đều vui. Công việc bán hàng online cũng giúp tôi mở rộng mối quan hệ, quen biết được thêm nhiều người và cải thiện kỹ năng giao tiếp.
Lọ 5: Tài khoản hưởng thụ: 600 nghìn đồng (10% thu nhập)
Đừng bao giờ nghĩ đến việc chỉ chăm chăm chú ý vào làm việc. Tôi luôn tự nhủ rằng mình phải biết yêu thương và trân trọng bản thân. Mỗi tháng ngày đó tôi đều dành 600 nghìn đồng cho quỹ hưởng thụ. Đây là số tiền tôi dành để đi du lịch với bạn bè.
Du lịch giúp tôi học hỏi, khám phá những vùng đất mới, ăn những món ăn độc đáo, gặp những con người thú vị.
Tôi có vài hội bạn, lâu lâu lại lên kế hoạch đi với nhau một chuyến. Chúng tôi chọn phương tiện máy bay thay vì tàu hoả hay ô tô vì tuy đắt một chút nhưng tiết kiệm thời gian. Hơn nữa việc đặt trước vé máy bay và đặt phòng giúp chúng tôi tiết kiệm được kha khá. Nhìn chung, với tôi du lịch là để học hỏi, khám phá những vùng đất mới. Tôi thích được gặp gỡ những con người thú vị, tìm hiểu ẩm thực ở đó, cách họ sống hơn là giết thời gian trong một khu resort xa hoa nào đó.
Lọ 6: Tài khoản từ thiện: 300 nghìn đồng (5% thu nhập)
Cho đi chính là hạnh phúc. 300 nghìn đồng mỗi tháng là số tiền tôi dành cho tài khoản từ thiện hay còn gọi là quỹ cho đi. Tôi dùng số tiền này để giúp đỡ những người khó khăn hơn mình. Tôi biết đó là số tiền nhỏ song giúp được một người cũng là giúp. Tôi muốn đem chút sức nhỏ của mình để cuộc đời của ai đó phần nào bớt nhọc nhằn hơn.
6 cái lọ chính là phương pháp mà tôi luôn áp dụng cho tới bây giờ, khi đồng lương đã tăng lên và tôi cũng có khoản thu nhập từ công việc bán hàng online tốt hơn. Mỗi khi phát sinh bất kỳ khoản thu nhập nào, tôi đều chia cho 6 lọ đó. Mỗi chiếc lọ đều có tầm quan trọng riêng. Nếu lọ thứ 5 giúp tôi giữ được tinh thần thoải mái, mở mang tầm mắt khi được đến những vùng đất mới thì lọ 4 là nơi tôi khiến "tiền đẻ ra tiền", lọ 2 giúp hoàn thiện bản thân...
Chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ trong túi giúp tôi có thể ghi lại mọi khoản mà không sợ đầu óc "cá vàng" quên mất.
Song song với phương pháp quản lý tiền này, tôi học cách ghi chép lại mọi chi tiêu. Chuẩn bị một cuốn sổ nhỏ trong túi giúp tôi có thể ghi lại mọi khoản mà không sợ đầu óc "cá vàng" quên mất. Tôi kiểm soát được nguồn tiền, tránh việc chi tiêu phung phí và luôn trong trạng thái chủ động với mọi tình huống.
Sau hơn 1 năm làm việc, tôi được chuyển vị trí với mức lương cao hơn và vẫn tiếp tục công việc bán hàng online. Sau 3 năm đi làm, tôi đã có tài khoản tiết kiệm hơn 100 triệu nhờ không ngừng cố gắng lao động và chi tiêu hợp lý.
Nhiều bạn trẻ luôn loay hoay với việc tiết kiệm và cho rằng lương thấp khi mới ra trường là điều thật tệ song với tôi, điều này đã giúp tôi học được thói quen chi tiêu tiết kiệm sao cho phù hợp với mức lương của mình. Tiết kiệm không quá khó, quan trọng là bản thân thấy thoải mái và từng đồng chi ra đều phải có sự tính toán, xứng đáng.