Người thực sự đồng cảm không bao giờ nói 5 điều này với người khác

Nguyễn Hường - Ngày 28/10/2023 19:00 PM (GMT+7)

Ngay cả khi xuất phát từ mục đích tốt, những câu nói này khiến bạn trở nên kém đồng cảm trong mắt người khác. 

1. “Ít nhất là bạn…”

“Ít nhất thì bạn đã không…” tlà câu nói an ủi chúng ta vẫn thường được nghe. Đã bao lần chúng ta cố gắng an ủi người khác bằng cách chỉ ra rằng mọi thứ có thể đã tồi tệ hơn?

Nhìn bề ngoài, có vẻ như chúng ta đang đưa ra quan điểm của mình, ý rằng : "Này, mọi thứ có thể đã khó khăn hơn, vì vậy đừng nghiêm trọng quá." Nhưng điều thực sự đang xảy ra là chúng ta đang hạ thấp cảm xúc của đối phương và khiến vấn đề của họ trở nên không đáng gì.

Câu nói “Ít nhất thì bạn không…” chuyển sự tập trung ra khỏi cảm xúc và trải nghiệm của chính cá nhân họ. Điều này khiến người nghe cảm thấy như vấn đề của mình không đủ lớn để nhận được sự chú ý hoặc thông cảm. Nó có thể gây ra cảm giác tội lỗi, tạo thêm một lớp cảm xúc phức tạp khác cho một tình huống vốn đã đầy thách thức.

Vậy, làm thế nào để chúng ta có thể bày tỏ sự ủng hộ của mình mà không giảm thiểu trải nghiệm của đối phương? Bạn có thể thể hiện sự đồng cảm tốt hơn khi nói: "Tôi thực sự rất tiếc vì bạn đang phải trải qua chuyện này. Tôi có thể làm gì giúp cho bạn?"

Bằng cách nói điều này, bạn đang tập trung cuộc trò chuyện vào họ, cảm xúc và trải nghiệm của họ mà không đưa ra những so sánh không cần thiết.

2. “Đó không phải vấn đề lớn”

Người thực sự đồng cảm không bao giờ nói 5 điều này với người khác - 1

Câu nói "Đó không phải là vấn đề lớn" được sử dụng khá phổ biến khi chúng ta muốn xoa dịu hoặc an ủi người khác. Mặc dù mục đích của chúng ta có thể là đưa ra một góc nhìn rộng hơn cho người nghe, rằng mọi chuyện không tệ như họ nghĩ nhưng tác động thường lại khác. 

Khi bạn nói: “Đó không phải là vấn đề lớn”, bạn có thể đang vô hiệu hóa cảm xúc hoặc trải nghiệm của người đó. Nhớ rằng, điều gì đó có vẻ nhỏ nhặt đối với bạn có thể là gánh nặng lớn đối với người khác, gắn liền với những vấn đề sâu sắc hơn những gì bạn có thể tưởng tượng.

Khi bạn bác bỏ nó với lý do “không phải vấn đề gì to tát”, bạn đang ngầm ám chỉ rằng phản ứng của họ bị thổi phồng quá mức hoặc không chính đáng. Điều này có thể dẫn đến cảm giác bị cô lập hoặc kém cỏi, khiến họ nghi ngờ phản ứng cảm xúc của chính mình hoặc cảm thấy bực bội với bạn.

Nếu mục đích của bạn mang lại sự an ủi cho ai kia, trước tiên hãy thử thừa nhận cảm xúc của người đó. Bạn có thể sử dụng câu nói đồng cảm hơn như "Tôi thấy điều này thực sự khó khăn với bạn. Bạn có muốn nói về nó không?" Bằng cách thừa nhận vấn đề của họ, bạn đang gửi đi thông điệp về sự tôn trọng cảm xúc. Điều này mang lại cho họ cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cảm xúc của mình nếu họ muốn.

3. “Đừng buồn”

Câu nói này thường xuất phát từ sự quan tâm thực sự. Chúng ta nói điều đó bởi chúng ta không muốn nhìn thấy người mà chúng ta quan tâm phải chịu đau đớn. Nhưng bất chấp ý định tốt của chúng ta là gì, câu nói này có thể không hữu ích chút nào.

Khi bạn bảo ai đó đừng buồn, về cơ bản bạn đang hướng dẫn họ nên cảm thấy thế nào. Điều này có thể khiến người nghe vừa bối rối, vừa thấy bị cô lập. Việc bảo họ ngừng cảm nhận theo một cách nào đó có thể khiến họ cảm thấy không thỏa đáng vì không được sống với cảm xúc của mình.

Điều tệ hơn là câu nói này có thể ngăn hai bạn trò chuyện cởi mở về nguồn gốc của nỗi buồn, khiến cuộc trò chuyện kết thúc trước khi nó kịp bắt đầu. Đó là bởi người nghe thấy như cảm xúc của họ không đáng để thảo luận.

Một lựa chọn thay thế tốt hơn, thể hiện sự đồng cảm hơn có thể là "Tôi thấy bạn đang cảm thấy chán nản. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn nếu bạn muốn tâm sự về điều đó". Điều chúng ta nên làm không phải là nói cho ai đó biết họ nên cảm thấy thế nào mà là chấp nhận và thừa nhận những cảm xúc đó, đồng thời tạo ra không gian đủ an toàn để họ chia sẻ.

4. “Tôi biết chính xác bạn cảm thấy thế nào”

Người thực sự đồng cảm không bao giờ nói 5 điều này với người khác - 2

Câu nói này là một con dao hai lưỡi: “Tôi biết chính xác cảm giác của bạn”. Một mặt, khi ai đó đang phải trải qua giai đoạn khó khăn trong cuộc đời, việc biết rằng họ không đơn độc có thể là nguồn an ủi lớn lao. Nếu bạn thực sự đã trải qua một tình huống tương tự, việc chia sẻ có thể tạo ra cảm giác kết nối, giúp người nghe thực sự được chữa lành.

Tuy nhiên, câu nói này có thể nhanh chóng trở thành vấn đề nếu bạn sử dụng không chính xác. Đó là bởi ngay cả khi bạn gặp phải tình huống tương tự, hành trình cảm xúc của bạn có thể rất khác. Cảm xúc là những trải nghiệm cá nhân phức tạp và không thể so sánh một cách rõ ràng. Câu nói này khi áp dụng vào không đúng tình huống có thể gây phản tác dụng, khiến người khác cảm thấy bị hiểu lầm hoặc thậm chí bị tầm thường hóa.

Điều quan trọng là đừng bao giờ giả định. Nếu bạn tin rằng trải nghiệm của mình tương đồng với đối phương, trước tiên hãy cân nhắc việc mời họ chia sẻ thêm về những gì họ đang trải qua và chăm chú lắng nghe. Sau đó, nếu bạn vẫn cảm thấy hoàn cảnh của mình thực sự giống nhau, bạn có thể đồng cảm với trải nghiệm của chính mình bằng việc chia sẻ: “Tôi đã trải qua điều tương tự và tôi cảm thấy... Đó có phải là cảm giác của bạn không?"

5. “Mọi chuyện xảy ra đều có lý do của nó”

Câu nói “Mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó” thường xuất phát từ việc chúng ta cố gắng mang lại sự an ủi cho người khác trong những lúc bất ổn hoặc đau đớn. Chúng ta nói điều này nhằm mục đích gắn số phận với những tình huống khó hiểu. Dù mục đích có thể trong sáng nhưng tác động câu nói này mang lại có thể hoàn toàn ngược lại.

Câu nói này có thể đặc biệt gây khó chịu cho một người đang trải qua khoảng thời gian thực sự đầy thử thách. Đó có thể là một mất mát, một thất bại hoặc bất kỳ sự kiện tàn khốc nào đó trong đời. Câu nói “mọi thứ xảy ra đều có lý do của nó” thậm chí có thể tăng thêm cảm giác tội lỗi về gánh nặng cảm xúc của họ, khiến họ cảm thấy như lẽ ra họ nên tìm ra "bài học" từ nỗi đau của mình.

Thay vì nói câu này, bạn có thể cân nhắc việc nói tiếp cận vấn đề theo hướng khác như "Tôi thực sự rất tiếc vì bạn đang phải trải qua chuyện này. Tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn theo bất kỳ cách nào bạn cần". Điều này mang lại sự hỗ trợ và mở ra cánh cửa để người nghe dẫn dắt cuộc trò chuyện theo cách khiến họ cảm thấy thoải mái nhất mà không có bất kỳ phán xét hoặc giảm thiểu trải nghiệm nào. 

11 dấu hiệu chứng tỏ rõ ràng bạn khôn ngoan hơn tuổi
Nếu bạn sở hữu những đặc điểm này, điều đó chứng tỏ bạn thực sự khôn ngoan và trưởng thành hơn so với tuổi.

Theo Nguyễn Hường
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tư duy thông minh