Câu chuyện người cha khi đưa con đi thi đại học đã đem theo những chú chim non mà theo lời ông là “bán lấy tiền để cho con đủ tiền ăn ở khi thi đại học” đã trở thành “điểm nhấn” trong tuần qua.
Khi đưa con xuống Hà Nội thi đại học (đợt thi lần1), ông Hoàng Văn Tuyên (47 tuổi, trú tại huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng) đã đem theo một chiếc lồng nhốt khoảng 10 con sáo núi. Theo lời ông là do nhà làm nghề nông, hoàn cảnh khó khăn, trước khi đưa con đi thi, cả nhà chỉ dành dụm được 2 triệu đồng làm lộ phí cho hai người khăn gói xuống Hà Nội. Bởi vậy, để có thêm đồng ra đồng vào, từ nhiều ngày trước khi xuất phát, ông đã phải lặn lội vào rừng tìm bắt về 10 chú sáo núi để tranh thủ về Hà Nội bán, sợ 2 triệu đồng kia không đủ chi phí.
Lời tâm sự rất chân thành kia của người cha nghèo đưa con đi thi đã khiến người ta phải suy ngẫm. Có lẽ khi đem theo những chú sáo núi xuống Hà Nội, người cha nghèo đó cũng không bao giờ biết rằng đó là hành vi… vi phạm pháp luật.
Ông Hoàng Văn Tuyên đang chăm sóc những chú chim sáo đem theo xuống Hà Nội.
Theo Nghị định 99/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 02/11/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản quy định thì: người có hành vi săn, bắn, bẫy, bắt, nuôi nhốt, giết động vật rừng trái pháp luật, vận chuyển lâm sản trái pháp luật hay mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái quy định của Nhà nước có thể bị phạt với mức cao nhất lên đến 500 triệu đồng. Đó là còn chưa nói đến những chú sáo núi kia chưa qua cơ quan kiểm dịch gia súc, gia cầm, chim cảnh…
Nhưng hành động của người cha đáng thương hơn là đáng trách. Có lẽ cũng chẳng ai đi “soi” rằng ông có vi phạm hay không mà người ta dành cho ông sự cảm thông nhiều hơn. Ông làm thế là vì con, vì cái nghèo bắt buộc ông phải làm thế.
Với nhiều miền quê nghèo, mùa thi đại học cũng là lúc người nông dân vét sạch hầu bao, “bán tống bán tháo” những gì có thể bán được, từ thóc gạo đến lợn, gà… chỉ mong sao cho con mình được đi thi, được bằng bạn bằng bè, hi vọng cho con đỗ đạt… Với họ, con đi thi đại học cũng như đánh một canh bạc, mà ở đó, người chơi trực tiếp là con mình với tất cả niềm kì vọng của cha mẹ gửi gắm.
Không ít gia đình đã cầm cố cả sổ đỏ để lấy tiền cho con học đại học, khi được hỏi cầm cố thế biết đến bao giờ mới đủ tiền để “chuộc” sổ đỏ ra thì họ đã trả lời đầy tự tin rằng: “Đợi cháu nó ra trường, có việc làm và thu nhập rồi… cháu nó sẽ trả nợ thay bố mẹ”. Câu chuyện trên không hiếm ở các vùng nông thôn hiện nay, khi mà mức sống và thu nhập của người dân không tương xứng và không đủ khả năng tài chính để chi phí cho con học đại học.
Song, may thay, qua đó cũng đáng mừng là cái sự học ở ta vẫn chưa “xuống cấp trầm trọng” như người ta vẫn nghĩ, hoặc nếu có “xuống cấp” thì là ở chỗ khác chứ ở người dân, họ vẫn coi trọng học hành và thi cử lắm.
Nhưng như trên đã nói, đưa con đi thi đại học và nuôi con học đại học với người nông dân nghèo, với họ cũng tựa như một “canh bạc”. “Canh bạc” đó ẩn chứa nhiều rủi ro. Thật cay đắng khi nhiều người, sau nhiều năm nuôi con ăn học đại học cuối cùng đã phải thốt lên điều này.
Vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường đang trở thành vấn đề "nóng" của xã hội hiện nay.
Không ít gia đình đã “vỡ mộng” sau khi con cái ra trường. Vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp đã như một hồi chuông khiến nhiều gia đình giật mình tỉnh mộng. “Đầu vào” đã khó, “đầu ra” lại càng khó hơn.
Và cũng thật đau đớn thay, lỗi của cái sự “khó” kia lại không phải do người học mà do “mặt trái” cơ chế hiện nay tạo ra. Mặt trái đó đã tạo nên một sự bất bình đẳng trong phân công lao động của xã hội đến mức mà người ta phải thốt lên giờ không còn khái niệm “xin việc” nữa mà là “chạy việc”. Mà để “chạy”, tất phải tốn kém, tất phải có tiền. Sau nhiều năm nuôi con cái (không chỉ một mà còn hai, thậm chí là ba) học đại học, kinh tế khánh kiệt, dĩ nhiên trong cuộc “chạy đua việc làm” kia, những gia đình nông dân nghèo sẽ là những đối tượng bị “loại ngay từ vòng bảng”.
Thậm chí, tình trạng trên còn phổ biến đến mức mà một vị đại biểu quốc hội nọ đã phải bức xúc phát biểu giữa nghị trường rằng: “Hiện nay, rất nhiều người nói muốn rằng vào được cơ quan nhà nước, muốn có việc làm thì cần phải có mấy cái “ệ” như sau: đầu tiên là “tiền tệ”, thứ hai là “hậu duệ” (tức là con cháu các cụ), thứ ba là “ngoại lệ”, và thứ tư là “đồ đệ”. Và dĩ nhiên với những “ưu tiên ngầm” như thế thì “trí tuệ” - thứ cần thiết nhất sẽ bị xếp xuống hàng cuối cùng rồi. Thực trạng này rất đáng báo động hiện nay”.
Mới đây nhất, ngày 1/7, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo công bố bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức, trong báo cáo mới nhất của Bộ này, con số người lao động đang thất nghiệp trong nhóm lao động có bằng đại học trở lên là 162.400 người.
Nhìn vào con số trên, hẳn nhiều người không khỏi giật mình, khi mà trước đó, quý 4 năm 2013 con số này mới là hơn 72.000 người. Chưa đầy một năm, số người thất nghiệp đã tăng thêm 90.000 người (tăng hơn 125% so với cuối quý 4 năm ngoái).
Tất nhiên, khỏi cần bình luận, những con số trên đã đủ nói lên nhiều điều.