Họ không có lỗi khi tạo hoá sinh như vậy. Thừa nhận hôn nhân đồng tính là khẳng định sự tồn tại của họ trong cuộc đời.
Tòa án tối cao Mỹ vừa đưa ra phán quyết công nhận quyền hôn nhân đồng giới trên toàn nước Mỹ.
Chỉ xin đưa ra con số để chứng minh, ngay cả ở nước Mỹ thì việc công nhận hôn nhân đồng giới cũng cực kỳ khó khăn, đâu phải một sớm một chiều đã thông qua được, dù trong những năm qua, hôn nhân đồng giới được công nhận riêng lẻ ở các bang.
Theo thăm dò của hãng nghiên cứu Glallup (Mỹ), có tới 60% dân Mỹ ủng hộ hôn nhân đồng giới, trong khi năm 1999 thì chi có 27% đồng tình.
Công nhận hôn nhân đồng giới khiến Tổng thống Mỹ Barack Obama đã phải thốt lên rằng, đây là một thắng lợi của nước Mỹ, còn Tổng thư ký liên hiệp quốc Ban Ki Moon thì đó là “một bước tiến bộ vĩ đại của quyền con người”.
Không chỉ những người có giới tính thứ ba mà ngay cả những người sinh thành đã sinh ra những đứa con “khiếm khuyết” cũng đều vỡ òa sung sướng. Một người mẹ đã thốt lên “con trai mẹ đã được lấy chồng rồi”.
Ai cũng có quyền mưu cầu hạnh phúc (Ảnh minh hoạ)
Ở Việt Nam, vấn đề hôn nhân đồng giới cũng đã được “xới” lên trên nghị trường Quốc hội. Bắt đầu từ ngày 1/1/2015, nước ta đã không còn phạt người đồng giới kết hôn, nhưng lại không công nhận.
Đồng nghiệp của tôi là một người đồng tính, anh chia sẻ: “Nhà nước mình không cấm hôn nhân đồng giới, thế cũng là tiến bộ lắm rồi”.
Vâng. Chỉ có những ai rơi vào hoàn cảnh của những người đồng tính thì mới hiểu họ đã phải sống khổ, sống dở “bên lề” của đời sống xã hội. Nhiều người đã phải chấp nhận một cuộc sống không phải là của mình để làm yên lòng cha mẹ, giữ gìn danh giá gia đình.
Dù pháp luật Việt Nam không công nhận hôn nhân đồng giới thì trong thực tế đã diễn ra nhiều đám cưới của người đồng giới, được cha mẹ đứng ra tổ chức hôn lễ, trong khi nhiều ông bố, bà mẹ khác lại không chấp nhận con mình có giới tính thứ 3.
Đã có một thời, người ta nhìn người đồng tính với con mắt dè bỉu, khinh bỉ, cho rằng đó là con người bệnh hoạn, ngay cả những người sinh ra họ vẫn kiên quyết không chấp nhận có đứa con lạc loài như vậy.
Họ không có lỗi, không có tội tình gì. Khi bị xã hội ghẻ lạnh họ chỉ biết cắn răng, cúi đầu để mà sống như cái bóng cho qua ngày. Đã có người đồng tính phải thốt lên: “Cha mẹ sinh con làm gì để giờ đây con không phải là con nữa”.
Câu hỏi đặt ra: Vì sao người đồng giới lại không được thực hiện quyền con người đã được hiến pháp quy định?
Vậy nên, khi nước Mỹ công nhận hôn nhân dồng giới thì vẫn còn lời ra tiếng vào với đủ những lo ngại viển vông. Nhưng chỉ cần nhìn vào gương mặt hân hoan, nụ cười rạng rỡ của người đồng tính thì mới thấy họ khát khao được sống, được mưu cầu hạnh phúc đến nhường nào.
Người đồng tính ở Việt Nam vẫn đang khắc khoải nuôi dưỡng một niềm tin, rằng một ngày không xa thì luật pháp nước nhà cũng giang rộng đón những người đồng tính như phán quyết của tòa án tối cao nước Mỹ hôm nay, bởi quyền được kết hôn là quyền căn bản của con người.
Và chẳng ai có quyền được tước bỏ cái quyền vô cùng thiêng liêng ấy.