Phụ huynh đồng tình 'lệnh cấm' học thêm

Ngày 05/11/2014 11:10 AM (GMT+7)

Ngày 3/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành chỉ thị cấm dạy thêm học thêm, tuy nhiên, cả giáo viên lẫn phụ huynh học sinh đều nghi ngờ về tính khả thi.

Hoan nghênh lệnh cấm

Bộ Giáo dục và Đào tạo hôm 3/11 đã ra chỉ thị về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Theo đó, nhiều lệnh "cấm" được ban hành như cấm dạy thêm, học thêm, không ra bài tập về nhà, không tổ chức thi học sinh giỏi, không tổ chức khảo sát đầu năm học, không thi tuyển học sinh vào lớp 6... Chỉ thị này nhận được nhiều đồng tình của giáo viên và phụ huynh.

Chị Mai Anh Thư (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có bé đang học lớp 1 mừng ra mặt: "Tôi ủng hộ nhiệt tình. Các con mới học tiểu học thôi mà sao cứ phải thúc ép học quá sức. Như người lớn làm có mấy tiếng đã mệt nhừ, đằng này con đi học cả ngày rồi tối lại giải quyết đống bài tập. Nhìn con mà tội".

Đồng quan điểm, anh Nguyễn Minh Đạt (quận Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Mình có con học lớp 4 nên rất quan tâm đến 'lệnh cấm' này. Mình nghĩ, trẻ học tiểu học chỉ mang tính cho vui, không nên áp đặt chỉ tiêu cho các cô và gánh nặng cho các em. Trẻ cần học nhưng không nên ép buộc, nhồi nhét quá sức".

Phụ huynh đồng tình lệnh cấm học thêm - 1

Sức ép học tập khiến nhiều trẻ không còn thời gian chơi (Ảnh minh họa: Trường tiểu học Công nghệ giáo dục Hà Nội)

Xuống đến trường liệu còn khả thi?

Đồng tình là vậy nhưng không ít phụ huynh lẫn giáo viên tỏ ra nghi ngờ với một loạt lệnh cấm này. Chị Nguyễn Thị Minh (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: "Với tư cách là mẹ của học sinh lớp 2 học cực kỳ lơ đễnh, thành tích học tập lẹt đẹt thì việc thay đổi cách đánh giá học sinh hoặc cấm dạy thêm thì mới giải quyết được phần nổi, còn về bản chất thì chắc còn phải nỗ lực rất nhiều từ Bộ Giáo dục, nhà trường, giáo viên, học sinh, phụ huynh. Chương trình giáo dục vẫn chưa có thay đổi, yêu cầu về kiến thức vẫn chưa giảm thì áp lực vẫn đặt lên vai học sinh".

Một phụ huynh khác lo ngại việc không tổ chức học sinh giỏi. Theo anh, nếu không tổ chức thi cấp tiểu học thì làm sao tìm được nhân tài để bồi dưỡng để thi các cuộc thi quốc tế.

Trong khi đó, chị Thu Huệ (quận Tân Bình, TP.HCM) cho biết, sau khi đọc thông tin về chỉ thị cấm dạy thêm, học thêm mới đây chị mới hiểu tại sao cả tuần nay không thấy bài tập trong vở của con trai học lớp 1. Thế nhưng, thay vì làm bài tập vào cuốn vở quen thuộc thì cô lại giao vào một cuốn vở không nhãn mác khác. Cũng theo chị Huệ, hiện tại chưa thấy "động tĩnh gì" vì cô vẫn giao bài tập và các con vẫn đi học thêm bình thường.

Thực tế, cho thấy, việc cấm chỉ là lệnh của Bộ, còn cấp dưới có đủ chiêu trò để... lách. Một giáo viên dạy lớp 4 tiết lộ, mặc dù hiệu trưởng quán triệt gắt gao việc nghiêm cấm dạy thêm, học thêm nhưng tình trạng này vẫn tồn tại xưa nay. Lý do là phụ huynh sợ con thua kém bạn bè cộng với áp lực thi học sinh giỏi các cấp nên nài nỉ cô dạy thêm cho con.

Và vì có lệnh "cấm" nên giáo viên sẽ không dạy thêm mà dạy ngoài giờ cho học sinh với danh nghĩa kèm các cháu học yếu, kèm cháu họ hàng gần xa... "không lấy tiền". Nếu cấm dạy thêm ở nhà thì giáo viên lại tìm chỗ quen biết xin giấy phép mở trung tâm... giáo dục.

Còn việc cấm thi học sinh giỏi thì sẽ được đổi thành "giao lưu" học sinh giỏi cấp trường, quận/huyện, tỉnh. Cuối cùng mọi lệnh cấm cũng chỉ là "Bình mới rượu cũ".

Phụ huynh đồng tình lệnh cấm học thêm - 2

(Ảnh minh họa: Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm)

Chờ đợi và hy vọng

Đồng ý và hoan nghênh với quy định mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng một giáo viên giấu tên ở Nghệ An bày tỏ, học sinh lớp 1 nơi cô dạy hơi yếu nên nếu không giao bài tập về nhà thì các em quên hết kiến thức. Trong khi đó, Phòng Giáo dục lại kiểm định chất lượng thường xuyên, nếu quá 5% học sinh yếu thì giáo viên bị khiển trách và viết bản kiểm điểm, thậm chí dọa hạ bậc lương.

Không chỉ có áp lực từ phía trên mà còn áp lực từ phía phụ huynh. Nếu không giao bài tập về nhà thì ngày nào cũng bị gọi hỏi tới tấp sao cô không ra bài... Thế nên, thay vì vui mừng, giáo viên này tỏ ra căng thẳng.

Dẫu vậy, TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, bản thân vô cùng vui mừng với công văn này. "Đó là điều cần thiết cho trẻ con. Cấm dạy thêm, học thêm từ lâu rồi nhưng làm không triệt để. Bây giờ có thanh kiểm tra chắc chắn sẽ ổn hơn.

Trẻ con không cần phải học quá nhiều kiến thức và làm nhiều bài nâng cao như thế. Bởi vì các em còn cần phải học kỹ năng sống, kỹ năng thoát hiểm, học nghệ thuật và cách ứng xử, đạo đức. Nếu nhấn mạnh quá nhiều về các môn Toán, Tiếng việt thông qua các kỳ thi, bài tập về nhà, lớp học thêm thì trẻ sẽ không có không gian và thời gian để học", TS Thu Hương bày tỏ.

Chia sẻ về việc nhiều giáo viên và phụ huynh cho rằng cấm vậy nhưng rồi đâu lại vào đấy, TS Hương khẳng định: "Mỗi một quy định đưa ra, ban đầu chắc chắn có chuệch choạc, sau này sẽ dần ổn định, mọi thứ sẽ thay đổi tích cực hơn".

Tào Nga
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Dạy thêm - Học thêm