Bởi 2 từ "truyền thống" khiến người phụ nữ Việt từ bao giờ, cứ luôn oằn mình với các trách nhiệm, với việc nhà, con cái... mà quên cả việc gìn giữ đôi tay của mình.
Đi tìm một đôi bàn tay đẹp của phụ nữ Việt Nam, sao mà khó đến vậy...
Cách đây 5 năm, tôi gặp ca sĩ nổi danh của dòng nhạc vũ trường Lynda Trang Đài trong một lần về nước, tôi đã sốc khi nhìn thấy đôi bàn tay nhăn nheo, đầy chai sạn và cả những vết sẹo đã mờ của một người chuyên làm những công việc chân tay… Khi được hỏi, chị không hề giấu giếm: Chị luôn tự tay thu vén việc nhà, dọn dẹp, lau chùi sàn nhà, toilet, không nề hà bất cứ việc gì.
Sống ở trời Tây, lại sớm tiếp xúc với môi trường tưởng như là ăn chơi bậc nhất của một thế giới hiện đại, lại là ngôi sao ăn khách của sân khấu nhạc hải ngoại, nhưng người con gái gốc Huế ấy vẫn không khác những người phụ nữ Việt truyền thống trong nước là bao: vẫn lo toan, tảo tần, chăm chỉ, đảm đang.
Có lần tôi đọc trong group của một nhóm cư dân ở khu đô thị hiện đại, một anh ngoài 40 tuổi đăng tin kén vợ với tiêu chí “truyền thống”.
Khi được đề nghị giải thích kỹ, anh này cho biết: Đó là lo toan mọi việc nhà: cơm nước, giặt giũ, sinh con đẻ cái, chuyên tâm nuôi nấng, đưa đón con đi học, đi chơi, kinh tế vừa phải và nhất thiết không được làm chồng phân tâm về chuyện nhà vì anh ta bận sự nghiệp riêng.
Hóa ra, cái anh ta cần không phải một người vợ, một gia đình, mà chỉ là một người giúp việc, một cỗ máy biết sinh đẻ và một bảo mẫu trọn đời.
Một cách vô hình, hai chữ "truyền thống" đã trói buộc người phụ nữ vào một mẫu số chung: sự hy sinh, sự quên mình, đánh mất bản thân, cái tôi cá tính và khát vọng riêng.
Giống như bài thơ “Bàn tay mẹ” của nhà thơ Tạ Hữu Yên vốn được đưa vào sách giáo khoa cho bao thế hệ trẻ em đã viết: ... Mẹ bế chúng con, chăm chúng con, nấu cơm, đun nước uống, quạt mát con ngày hè, ủ ấm con khi trời đông…
Vậy là, ngay từ những nhận thức đầu đời, các em đã mặc định gần như toàn bộ công việc chăm lo cho gia đình đều do bàn tay người mẹ đảm nhiệm. Cứ như thế, những đôi bàn tay ấy đã nuôi biết bao lứa trẻ thơ lớn lên, nối tiếp nhau.
Phụ nữ ai cũng cần lắm 1 sự sẻ chia
Tôi có cơ hội được tiếp xúc với khá nhiều phụ nữ ở đủ các ngành nghề khác nhau và thấy rằng, rất ít phụ nữ Việt có được đôi bàn tay đẹp. Một phần do yếu tố gene của chúng ta, nhưng một phần do thói quen lao động hàng ngày mang lại. Đa số những đôi bàn tay ấy thường già trước tuổi.
Đằng sau lớp váy áo lỗng lẫy của mình, những người phụ nữ Việt ấy, vẫn mang trên mình một đôi bàn tay hằn dấu vết của sự hy sinh.
Nhiều đồng nghiệp của tôi khi đến văn phòng cũng tung tăng lụa là, váy áo để tranh thủ tận hưởng hoặc níu kéo tuổi thanh xuân nhưng đôi bàn tay, những vết nhăn hằn, chai sạn trên đó chẳng thể giấu nổi sự vất vả ngày thường của họ.
Buổi sáng, đôi bàn tay ấy thường vội vã cho các con ăn, lái xe thả từng đứa xuống trường mầm non, rồi trường tiểu học.
Buổi chiều, khi tan sở, đôi bàn tay ấy vừa vít ga, vừa bóp phanh xe máy, lao vào dòng người hối hả, ngột ngạt, bon chen để kịp giờ đến từng cổng trường, lại nhặt từng đứa lên xe, tranh thủ tạt qua chợ mua thêm mớ rau, lạng thịt, con cá, túi dưa… tất tả cho bữa tối.
Cứ như vậy, cơm nước, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa, tay cắp con bé, tay dạy con lớn học cho đến tận khuya mới kết thúc một ngày bình thường của họ.
Đúng như ai đó nói, sau khi lấy chồng, nhất là sau khi sinh con, nhiều phụ nữ đã mất tên, họ có thể sẽ là vợ anh Hưng, mẹ bé Na, bé Mít...
Họ cũng mất luôn đam mê riêng, luôn tính toán những việc nhỏ nhặt, tầm thường: làm thế nào đến giờ kịp về để đón con, bữa nay ăn gì, mua thực phẩm ở đâu, khám bệnh ở bác sĩ nào…
Họ thậm chí phải từ bỏ những công việc đòi hỏi làm thêm giờ hay đi công tác xa, dễ nghỉ khi con ốm đau, lùi sâu về hậu phương quẩn quanh với vô vàn công việc nhàm chán và không tên.
Họ cũng “chết” tên với những danh từ “nái sề”, “bỉm sữa” vì sinh nở, con cái là một trong những vấn đề hàng đầu mà họ dù muốn hay không cũng phải quan tâm.
Những người phụ nữ ấy khi già đi thành bà ngoại, bà nội lại tất bật vun vén cho cuộc sống của con, cháu.
Bàn tay chai sạn vì lam lũ cuộc đời (Ảnh minh họa)
Chứng kiến vòng quay nghiệt ngã ấy, danh ca Tuấn Ngọc đặc biệt chia sẻ những vất vả của người mẹ, người bà. Ông xót xa đến mức, giọng ca “Riêng một góc trời” còn thẳng thắn khuyên ba cô con gái đừng sinh cháu.
Nhưng dẫu vậy, cuộc sống vẫn tiếp diễn và đã có thêm những ngày lễ đặc biệt trong năm để phụ nữ được yêu thương, quan tâm, chia sẻ, tôn vinh.
Chắc nhiều người cũng ước như tôi, giá như tất cả đàn ông trên trái đất này đều coi 365 ngày trong năm là ngày tình yêu để họ thấu hiểu và thể hiện trách nhiệm cùng người vợ, người mẹ của mình, chắc những đôi bàn tay của người phụ nữ kia sẽ không còn xấu xí, hoặc ít nhất sẽ đỡ thô ráp và đỡ chai sạn hơn như bây giờ…