Trấn Thành khen ngợi HLV Suboi và nữ rapper Tlinh: "Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền", Suboi chia sẻ: "Lúc đó, trên sân khấu mình không có nói nhiều".
"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền"
Chương trình Rap Việt đã khép lại với nhiều dấu ấn trong lòng khán giả. Người ta nhớ đến những màn trình diễn đã đưa rap đến gần hơn với công chúng và cũng suy ngẫm hơn phía sau những màn biểu diễn thành công.
"Phụ nữ mà tự tin, hay ho như thế thì làm gì phải đi đòi nữ quyền".
Đó là câu nói của MC Trấn Thành gây nhiều tranh cãi về ca khúc có tên Tèn Tèn Girls của huấn luyện viên Suboi và thí sinh Tlinh. Trước đó, nam MC này cũng từng đặt câu hỏi rằng liệu Suboi lựa chọn Tlinh có phải vì “cô là phụ nữ”.
Về phần mình, rapper Suboi đã có những chia sẻ trên livestream cá nhân sau đó để tâm sự với người hâm mộ. Su không ngại chia sẻ thẳng thắn về phát ngôn của MC Trấn Thành:
“Mình thấy mọi người đang tranh cãi về việc anh Trấn Thành nói nữ quyền sao phải đòi hay gì đó. Lúc đó trên sân khấu mình không có nói nhiều.
Tại vì, trong quá trình làm việc mình thấy anh Trấn Thành là người có suy nghĩ cũ. Anh không có quá cởi mở với những suy nghĩ mới bây giờ nên mình cũng hiểu. Mình không bắt ai thay đổi vì cái gì cả, trừ khi là họ tự muốn phát triển".
Nữ rapper khẳng định: "Chuyện đòi nữ quyền không phải do ghét đàn ông hay vì gì cả. Ngược lại, từ đó giờ những người ghét Su hay chỉ trích Su toàn đàn ông. Đúng hơn là con trai, vì giờ mình đã tìm được một người đàn ông rất tuyệt vời và mình rất biết ơn chuyện đó.
Mình thấy câu nói của anh Trấn Thành không hợp lý. Những người phụ nữ mạnh mẽ không có nghĩa là họ muốn tranh giành với đàn ông.
Trong lịch sử, chuyện trọng nam khinh nữ đã để lại nhiều câu chuyện về đàn ông gia trưởng, bắt phụ nữ phải im lặng và đứng đằng sau. Nếu cô ấy có ước mơ, cô ấy nên từ bỏ để giữ phẩm hạnh tốt đẹp để chu toàn, lo cho người khác, gia đình. Nói chung, phụ nữ sinh ra để sống, lo cho người khác chứ không được sống cho mình".
Là rapper khẳng định được vị trí của mình trong sân chơi vẫn thường bị mặc định dành cho nam giới, Suboi không khỏi nghẹn ngào khi kể lại câu chuyện của chính mình trước đây, từng bị bạn trai vũ phu, thậm chí là cưỡng dâm... Cô từng quyết định đối mặt với những ký ức tệ đó để viết một ca khúc nhưng do chưa thực sự thấy hay nên chưa giới thiệu trước công chúng.
Phụ nữ không phải gồng mình "như đàn ông" để có nữ quyền
Có rất nhiều quan điểm nữ quyền như nữ quyền tự do, nữ quyền xã hội chủ nghĩa, nữ quyền hiện sinh, … song tựu chung lại, nữ quyền là quyền của phụ nữ, quyền con người và quyền bình đẳng về cơ hội việc làm, học tập, tham gia chính trị, xã hội và đời sống gia đình và cá nhân. Tuy nhiên, những tư tưởng tiến bộ này lại vô tình bị nhiều người phản đối hoặc coi nhẹ khi có sự khác biệt về mặt nhận thức.
Nhiều người thường chẹp miệng, ôi dào, nữ quyền là chuyện của phương Tây, đừng học đòi mà mang về Việt Nam rồi áp dụng không phù hợp. Có người thấy rằng phụ nữ Việt giờ đã “sướng” hơn xưa, như vậy là lắm quyền lắm rồi, đừng được đà đòi hỏi hơn nữa…
Chính cách hiểu chưa đúng về nữ quyền hay quyền nữ khiến nhiều người “dị ứng” khi nhắc đến hai chữ này. Nữ quyền không hướng phụ nữ đến hình mẫu mạnh mẽ hay hung dữ, phải cố gồng mình để làm như một người đàn ông. Nữ quyền cũng không phải là chia thế giới rạch ròi thành 2 phần, tôi nấu cơm hôm nay thì nhất định mai phải là anh nấu.
Trở lại với tình huống phát sinh câu nói gây tranh cãi của Trấn Thành, nghĩ về Rap, nhiều người vẫn thường tự mặc định đó là sân chơi dành cho các nam rapper, gắn liền với sự cá tính, mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự xuất hiện và vị trí được khẳng định của các nữ rapper như Suboi, Linh Lam, Kimmese... và gần đây là những nữ thí sinh tham gia các show truyền hình về Rap như Tlinh, Pháo, Nul, Lona... chính là câu trả lời, Rap dành cho tất cả mọi người, không phân biệt giới tính. Rapper nữ cũng không cần phải gồng mình lên như đàn ông để chứng minh tài năng của mình. Người ta vẫn luôn thấy sự nữ tính ở Suboi – nàng rapper lão làng với những bản rap cực chất.
Mạnh mẽ hay dịu dàng, cá tính hay ngọt ngào… đó là sự lựa chọn của mỗi người và phụ nữ không cần phải gồng mình để có nữ quyền. Các nhà nữ quyền đấu tranh không phải vì họ muốn chứng minh phụ nữ giỏi giang và có thể làm tốt hơn đàn ông.
Hãy tự hào khi là một người phụ nữ. Bạn không phải cố gắng đóng giả là nam giới, cố “hay ho như thế” hay chứng minh rằng mình làm được “như đàn ông”. Lựa chọn trở thành người nội trợ hay bước ra ngoài để khẳng định sự nghiệp trong thế giới rộng lớn ngoài kia, tất cả đều xứng đáng được tôn trọng.
Chúng ta tôn trọng một người vì chính con người họ, vì những giá trị mà họ đem lại, không phải vì giới tính. Đừng bao giờ so sánh hay khen rằng cô ấy đang mạnh mẽ hay giỏi giang “như đàn ông” bởi phụ nữ không cần đem so sánh mình với bất kỳ ai khác. “Như đàn ông” không phải là đích đến và mục tiêu của phụ nữ. Hãy cứ là chính mình, phiên bản hoàn thiện và tuyệt vời nhất!