Thế còn cần lao?

Ngày 25/11/2015 14:23 PM (GMT+7)

Dường như những chính sách, những quyết định mới được ban hành đều quên mất một đối tượng đông đảo trong xã hội, đó là những người cần lao.

1. Ở Hà Nội, rạp chiếu phim Dân Chủ đột ngột đóng cửa. Hơn 60 năm tồn tại, đây là một trong những rạp chiếu phim lâu đời nhất của Thủ Đô. Nhưng riêng với giới học sinh, sinh viên và người lao động thu nhập thấp, rạp Dân Chủ từ hàng thập kỷ qua đã giúp họ không cảm thấy bị gạt ra ngoài đời sống điện ảnh.

Giá vé luôn nằm trong mức thấp nhất, thậm chí chỉ bằng 1/3 so với một số rạp chiếu hoành tráng ở các tòa nhà cao ngất, rạp Dân Chủ còn tiếp tục giảm đến 50% cho đối tượng học sinh sinh viên vào một số buổi chiếu trong tuần. Suốt những năm tháng sinh viên, tôi thường xuyên mua vé đôi, chỉ bằng giá tô phở hạng xoàng, đưa cô bạn gái cùng lớp đến xem phim ở rạp Dân Chủ.

Những suất chiếu luôn kín không còn một ghế trống, ngồi bên tôi, những gương mặt trẻ, trong những bộ trang phục bình dị nhưng chỉn chu, hướng mặt lên màn chiếu, say mê. Đó là sự xúc động, và rồi trở thành động lực cho cả một thế hệ, tôi nghĩ vậy.

Một sự quan tâm có thể rất nhỏ bé thôi, nhưng khiến những con người chưa và không giàu có cảm thấy mình được trân trọng, mình không bị lãng quên. Rạp chiếu phim Dân Chủ, có thể gọi là "Cinema Paradiso" (Rạp chiếu bóng thiên đường - tên một bộ phim kinh điển của điện Italy) của Hà Nội.

Thế còn cần lao? - 1

Rạp Dân Chủ giúp bao người cần lao không cảm thấy bị gạt ra ngoài đời sống điện ảnh

Giờ thì rạp Dân Chủ không còn, nó đóng cửa đột ngột không báo trước, khi mà nhiều bạn trẻ vẫn hẹn hò nhau tới xem bản điện ảnh của danh tác "Macbeth" vào cuối tuần sau. Các rạp chiếu phim khác của Hà Nội cũng chiếu bộ phim này, nhưng với giá vé mà một sinh viên, hay một người lao động có mức thu nhập dưới 3 triệu sẽ không dám bỏ 2 ngày lương để mua vé đi xem.

2. Ở các đô thị, vật giá đua nhau tăng phi mã, và có một phân khúc đang dần bị bỏ qua: Phân khúc bình dân. Một bữa cơm trưa văn phòng tầm tầm ở Hà Nội, hay Thành phố Hồ Chí Minh, vào khoảng 50 nghìn. Nếu trưa nào một công chức văn phòng cũng đi ăn món cơm-trưa-văn-phòng (cái tên sinh ra từ chính đối tượng phục vụ), thì họ sẽ mất đến non nửa lương tháng. Lại thêm cốc cà phê giá trung bình 20 nghìn, thì chỉ riêng ăn uống, công chức quèn cũng đã đi đứt đôi triệu bạc.

Mà đó là công chức. Thế còn người lao động chân tay? Những bác xe ôm, những cô gồng gánh, những anh "cửu vạn" khuân vác hàng hoá, những tốp thợ nề rải rác khắp nơi trong thành phố luôn hùng hục xây cất, lên tầng... Họ ăn gì, uống gì, ở đâu? Cơm bụi giờ cũng quá đắt, vậy là trở lại thời cơm cặp lồng, bánh mỳ chiêu nước lọc qua bữa.

Họ vẫn đấy, ngoài đường phố kia thôi, rất nhiều, đi lướt qua những quán cà phê máy lạnh. Vậy mà, có nơi người ta tịch thu cả bình nước ai đó có lòng bày ra hè phố cho cần lao ghé uống. Đô thị, càng cao thì càng xa, càng bóng bẩy thì càng lạnh lẽo.

3. Một tháng nữa thôi, năm 2016, các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương sẽ khóa các kênh chương trình phát sóng analog, chuyển sang truyền hình digital. Cư dân thành thị hiện đã có khá nhiều lựa chọn để xem TV: xem qua cable, xem qua đầu thu tín hiệu vệ tinh, xem qua internet... Không mấy ai còn xem analog - tức là kéo dây nối với ăng-ten trên nóc nhà nữa. Và theo quy định, thì từ năm 2014, các TV 32 inch trở lên, khi bán ra thị trường đều đã phải cài sẵn bộ tín hiệu giải mã truyền hình số. Định hướng quy hoạch đến năm 2020, sẽ hoàn thành đề án số hóa truyền hình mặt đất trên toàn lãnh thổ.

Mục tiêu thì hiện đại, có vẻ rất phù hợp với tình hình thực tế, nhưng vẫn có những "điểm khuất" bất cập. Ở miền núi Tây Bắc chẳng hạn, TV 32 inch thế hệ mới là một khái niệm tiêu dùng xa xỉ đến buồn cười.

Tôi đã đến một xóm người Dao ở Hà Giang. Trong túp nhà nép vào vách núi, có 1 chiếc TV màu. Nó là hình ảnh tiêu biểu của sự lạc hậu: TV màn hình lồi, không nhãn hiệu. Để có tiền mua, ông chủ nhà phải đi làm thợ nề 3 tháng, tích cóp mua TV với giá gần 4 triệu đồng. Cả xóm gần chục hộ, chỉ có mỗi cái TV ấy thôi. Họ bắc một cái sào ra sân, treo lên đỉnh một vành xe đạp, rồi nối dây tín hiệu vào nhà - đó là ăng ten. Với những người ấy, với những khu vực dân cư ấy, analog hay digital là những khái niệm hoàn toàn xa lạ. Và họ sẽ phải đóng tiền để xem TV, chỉ bởi họ vẫn chưa đạt... chuẩn nghèo.

4. Du khách phương xa đến thăm Hà Nội thường nhất định phải đi ăn kem Tràng Tiền. Quầy kem nổi tiếng nhất Thủ đô bán kem quanh năm, và quanh năm đông khách. Thế nhưng, giá kem vẫn rẻ giật mình, chỉ loanh quang 5 - 7 nghìn/ cái. Vậy là ai cũng có thể ăn kem. Cái kem đậu xanh Tràng Tiền giá 5 nghìn, trở thành biểu tượng của phân khúc bình dân, của sự danh giá chia đều. Giới cần lao có que kem Tràng Tiền, chẳng nói quá, âu cũng là niềm tự hào của văn hóa Hà thành.

Thế còn cần lao? - 2

Với giá 5 nghìn/ cái, ai cũng có thể được trải nghiệm hương vị của hãng kem nổi tiếng nhất Hà Thành

Cách đó không xa, trên vỉa hè rộng rãi phố Ngô Quyền, vào sáng thứ 7 hàng tuần, ai cũng có thể dừng lại xem nhóm nghệ sĩ chơi nhạc giao hưởng cho khách vãng lai. Rất nhiều người dừng lại nghe chăm chú và vỗ tay tán thưởng, là những người lao động sống bám hè phố, tạm dừng vài phút trong cuộc mưu sinh, để thưởng thức âm nhạc.

5. Còn nhiều, rất nhiều dẫn chứng để nói về sự quan tâm cần thiết của chính sách với đối tượng cần lao, đời sống kinh tế và tinh thần đều thấp.

Cần thiết, nhưng lại hay bị lãng quên. Chẳng hạn, khi đóng cửa rạp chiếu phim Dân Chủ, người ta đã quên thông báo tin này cho khán giả trung thành của nó.

Với ai đó, Dân Chủ chỉ là rạp chiếu bóng cũ hết giá trị mà thôi.

Phạm Gia Hiền
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Góc nhìn sự kiện