Tổ ấm quạnh hiu khi thiếu vắng bữa cơm gia đình

Ngày 13/06/2017 07:30 AM (GMT+7)

Đề cập đến ý nghĩa của bữa cơm gia đình, cố Giáo sư Từ Giấy từng cho rằng “sự tan rã của gia đình thường bắt đầu từ sự tan rã của bữa cơm gia đình”. Điều đáng lo ngại là hiện nay, những bữa cơm gia đình ngày càng thưa vắng dần.

Tổ ấm quạnh hiu khi thiếu vắng bữa cơm gia đình - 1

Bữa cơm gia đình sẽ trở nên hiu quạnh khi thiếu vắng người đàn ông trong gia đình.

Khi đàn ông thích nhậu

Cách đây hai ngày, vào lúc sâm sẩm tối, tại phố Trần Điền (ở Khu đô thị Định Công, Hà Nội) tôi chứng kiến một người đàn ông trẻ bụng phệ lật đật chạy ra khỏi quán nhậu áp điện thoại lên tai, mặt mũi căng thẳng nói: “Đã bảo là ăn cơm đi. Gọi đ. gì mà gọi lắm thế!”. Nói xong anh ta vội vã tắt điện thoại và quay trở vào bàn nhậu. Trong quán nhậu tấp nập người, đa số là đàn ông.

Cũng giống như người đàn ông trẻ này, những người đàn ông trong quán nhậu ngồi thong dong uống bia và tất bật “chém gió” kia, họ đã vắng mặt trong bữa cơm tối của gia đình mình. Khi quán nhậu ồn ã những tiếng cười, tiếng zô, tiếng cốc ly chụm vào nhau lách cách từng hồi… của cánh đàn ông thì ở nhà,nhưng người vợ mải miết lướt Facebook để giết thời gian chờ chồng, con cái mỗi đứa một bát cơm được mẹ cho ăn trước. Chúng vừa ăn vừa xem ti vi, thậm chí vừa ăn vừa chơi điện tử. Còn bố của chúng thì đang tìm niềm vui bất tận trong những tiếng cụng ly mê hoặc với người “cùng hội, cùng thuyền”...

Chị Võ Thị Hoa, cán bộ nghỉ hưu ở Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự rằng, bản thân chị cảm thấy rất buồn vì dường như không tìm lại được những bữa cơm như ngày xưa. Ngày đó, khi nắng tắt để kết thúc một ngày làm việc, cả nhà thắp đèn lên quây quần bên mâm cơm gia đình sao mà ấm áp đến lạ. Những bữa cơm xưa “râu tôm nấu với ruột bầu, chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon” giờ đã bị thay thế bởi những bữa cơm vợ chờ chồng, những bữa cơm gia đình mỗi người một góc, mỗi người một tô. Người ăn trước, kẻ ăn sau, ăn trong vội vã mà hiu quạnh, thiếu đi sự sẻ chia, sum vầy.

Chị Hoa cho rằng, việc hàng quán mọc lên khắp nơi, việc quán xá tấp nập người ra vào là minh chứng rõ nhất cho thấy bữa cơm gia đình đang ngày một trở nên thiếu vắng, trở nên không quan trọng trong mỗi gia đình. Bữa cơm là thời khắc sum vầy của cả gia đình sau một ngày làm việc, học tập nhưng nó đang dần biến mất vì kiểu “cơm hàng cháo chợ”, vì tình trạng “thừa kinh tế và thiếu thời gian”.

Tình trạng nam giới đã có gia đình thích đến quán nhậu, không trở về nhà sau giờ làm việc cho thấy bữa cơm gia đình đã và đang dần mất đi ý nghĩa. Điều đó cũng cho thấy, sợi dây liên kết giữa các mối quan hệ trong gia đình dần có sự lỏng lẻo. Nhiều gia đình, đặc biệt là ở thành thị có tình trạng cả tuần chẳng có bữa cơm nào đông đủ thành viên.

Phụ nữ không thể một mình xây được “tổ ấm”

Lý giải về tình trạng này, chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài tư vấn Tâm lý tình cảm 1088, Hà Nội cho rằng, việc nam giới không thích về nhà sau giờ làm việc là bởi họ không ý thức được vai trò của mình trong gia đình. Cho đến nay, trong quan niệm của nhiều người, trách nhiệm gia đình vẫn thuộc về người phụ nữ. Đó chính là lý do khiến các ông chồng sau giờ tan sở, thay vì về nhà chung vai với vợ chăm chút cho gia đình mình thì họ lại đến quán nhậu. Điều đó đồng nghĩa với việc, tất cả việc gia đình sẽ đè nặng lên vai người phụ nữ trong gia đình. Đây là sự bất cập về văn hóa, về lối ứng xử cho thấy một sự bất công đang nghiễm nhiên tồn tại, thậm chí được coi là bình thường trong đời sống.

Xã hội hiện tộn tại những quan niệm như “việc nhà là của phụ nữ”, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Đây là những quan niệm dẫn đến những lệch lạc trong ứng xử vợ chồng. Trách nhiệm gia đình là trách nhiệm của cả hai vợ chồng. Khi phụ nữ ra xã hội kiếm tiền như đàn ông thì người đàn ông cũng cần biết làm việc nhà như phụ nữ. Bữa cơm gia đình sẽ không trở nên thiếu vắng khi người chồng trở về nhà sau tan sở, khi cả vợ cả chồng biết chia sẻ trách nhiệm làm việc nhà. Người chồng sau giờ tan sở cũng cần hướng về gia đình thay vì tìm kiếm niềm vui riêng nơi quán nhậu. Khi người chồng hoan hỉ trở về nhà sau giờ làm việc, hoan hỉ cùng vợ tham gia công việc nhà thì gánh nặng trên vai người phụ nữ đã được san sẻ. Sự san sẻ công việc nhà của người chồng không chỉ đỡ đần gánh nặng cho phụ nữ mà hạnh phúc gia đình sẽ được nhân lên. Khi người phụ nữ không còn phải một mình tất bật với gánh nặng gia đình, họ sẽ có đủ niềm tin về tình yêu vợ chồng, cũng vì thế mà tình yêu theo đó được nuôi dưỡng, duy trì. Hạnh phúc gia đình cũng nhờ thế được đảm bảo, tạo nguồn năng lượng tích cực cho mỗi thành viên trong gia đình.

Theo Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, bữa ăn gia đình chính là sợi dây liên kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, là nơi các thành viên gia đình chia sẻ những vấn đề gặp phải trong cuộc sống. Mỗi thành viên gia đình là một người riêng lẻ, họ có thế giới riêng nhưng thế giới riêng đó nếu không có sự kết nối với nhau thì họ sẽ như những người xa lạ ngoài xã hội. Từ đó dẫn đến chuyện họ là những người sống chung một ngôi nhà chứ không phải là một gia đình. Nếu không có bữa cơm gia đình, dẫn đến việc các thành viên ít thấu hiểu nhau, dây liên kết lỏng ra, dễ bị đứt

Theo Ngân Khánh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Hôn nhân gia đình