Chuyện tiền mừng cưới nhiều ít với người khác không biết như thế nào, nhưng với tôi, nó thực sự không phải là điều quan trọng.
Về lý thuyết, nhiều người luôn nói, tiền mừng cưới nhiều hay ít không quan trọng, quan trọng là ở tấm lòng. Nhưng trên thực tế, có nhiều người lại có suy nghĩ khác. Họ cho rằng, người đi sau phải mừng ít nhất bằng hoặc nhiều hơn người đi trước. Nếu mừng ít hơn thì chắc chắn sẽ bị nghĩ là ki bo, tính toán hay là cố tình làm vậy để lời lãi về sau.
Nói như vậy là có căn cứ. Vì tôi từng có một cô bạn thân, ngày trước, khi tôi cưới, cô ấy mừng tôi 1 triệu bạc. Thật ra, số tiền một triệu ngày ấy rất là to, to lắm. Đi làm lương được có vài triệu, mừng hẳn 1/5 tháng lương, quá là khủng rồi. Nhưng mãi 3 năm sau bạn mới đi lấy chồng. Thật ra, tiền mất giá. Lúc này, mừng bạn 1 triệu chẳng là gì, có khi phải mừng những 2 triệu. Tính là thế nhưng điều kiện không cho phép, vì con cái còn sữa sãi, vợ chồng cũng khó khăn, tôi không thể nào mừng được như thế. Tôi đành mừng bạn 5 trăm nghìn.
Những ngày trước khi cưới, bạn thường gọi cho tôi tâm sự đủ thứ, nói rằng, sau này cưới xong các thứ sẽ mời chúng tôi đi ăn để hội ngộ. Rồi có đi du lịch sẽ rủ vợ chồng tôi cùng đi. Nhưng buồn thay, cưới xong, bạn làm tất cả những việc đó, mời rất đông bạn bè nhưng không có sự hiện diện của vợ chồng tôi.
Đau đầu chuyện tiền mừng cưới (ảnh minh họa)
Tôi chỉ suy diễn, có phải vì tôi mừng bạn ít hơn một nửa so với 3 năm về trước mà bạn đã nghĩ sai về người bạn thân này? Có chút buồn nhưng cũng không biết suy luận của mình có đúng không, hi vọng sẽ là sai. Nếu là đúng thì quá thật đáng buồn thay cho một người gọi là bạn thân. Vì cô ấy không hiểu mình…
Tôi có gọi điện nhưng cô ấy không nghe máy, nhắn tin cô ấy cũng không nhắn lại. Điều đó khiến tôi cảm giác, cô ấy thật sự không coi tôi ra gì, hoặc đang thực sự chán, không muốn chơi với người bạn như tôi nữa.
Bản thân tôi là người trong cuộc, tôi luôn nghĩ, chuyện tiền mừng cưới nhiều hay ít không thực sự quan trọng. Người đi sau dù có mừng ít hơn người đi trước cũng không phải là vấn đề khiến chúng ta suy diễn. Ví như, người đi sau, sau khi có gia đình, con cái, hoàn cảnh khó khăn hơn, tiền sữa sãi cho con cũng không có, vậy thì đương nhiên, họ cũng khó lòng mừng cưới được như mức cũ. Và chuyện họ mừng ít hơn cũng có thể là chuyện được thông cảm và chia sẻ.
Con người không ai nắm tay được cả ngày. Đời người cũng có lúc nghèo lúc giàu, lúc này lúc kia. Nay giàu không có nghĩa là mãi về sau vẫn giàu có. Nếu như nhận được một phong bì của bạn bè mà thấy họ mừng ít hơn ngày xưa mình đi họ, điều đầu tiên, hãy nghĩ xem bây giờ họ sống ra sao, có tốt không, kinh tế có ổn không. Chứ đừng vội nghĩ xấu về người khác. Cũng có thể người ta đã quên trước đây người ta từng nhận của mình bao nhiêu. Và bây giờ, họ chỉ đi theo giá chung như thế…
Chuyện tiền mừng cưới nhiều ít với người khác không biết như thế nào, nhưng với tôi, nó thực sự không phải là điều quan trọng. Đám cưới chứ đâu phải là đám đòi nợ mà tính toán thiệt hơn. Người ta đến dự mới là món quà quý giá nhất. Còn phong bì, dù có dù không, dù ít dù nhiều vẫn là tấm chân tình mà chúng ta dành cho nhau.