Nếu bạn thực sự muốn thành công và hạnh phúc, hãy ngừng tập trung quá nhiều vào những gì bạn nên làm mà thay vào đó, hãy xem thật kỹ những việc bạn nên từ bỏ.
Chúng ta đều lớn lên và từng được nghe ai đó răn dạy rằng: “Cuộc sống là không bỏ cuộc”. Câu nói ấy quen thuộc đến mức dường như chúng ta sẽ luôn cảm thấy tội lỗi nếu như không đọc hết cuốn sách dù bản thân thấy nó thực sự chán ngắt.
Kiên trì là điều cần thiết để có được thành công nhưng đôi khi từ bỏ lại là lựa chọn khôn ngoan và hiệu quả nhất. Đó có thể là từ bỏ một dự án thất bại, một công việc không tương lai hay một mối quan hệ đã kết thúc, từ bỏ cũng là một cách mạnh mẽ.
Nhiều người vì muốn tránh thất bại bằng mọi giá nên tiếp tục đâm đầu vào, ngay cả khi bản thân hiểu rằng mình nên dừng lại. Đây thường là điều kìm hãm lại sự phát triển của bạn một cách kém hiệu quả hơn nhiều làm việc.
Từ bỏ không có nghĩa là yếu đuối mà đôi khi nó có nghĩa là bạn đủ mạnh mẽ để biết đâu là sự lựa chọn tốt nhất cho mình. Nếu bạn thường bị mắc kẹt trong một việc dù biết rõ rằng mình đang làm không hiệu quả, đã đến lúc bạn cần thay đổi để có thể làm tốt hơn.
1. Từ bỏ sự nghi ngờ bản thân
Sự tự tin đóng một vai trò rất lớn trong việc quyết định thành công của bạn. Hewlett-Packard đã thực hiện một nghiên cứu thú vị về quy trình mà mọi người nộp đề xuất thăng chức tại công ty.
Kết quả là, các chị em sẽ chỉ thực hiện khi thấy mình đáp ứng đủ 100% tiêu chí cho vị trí mong muốn trong khi nam giới sẵn sàng nộp đơn ngay khi họ thấy mình đáp ứng được 60% tiêu chí.
Các nhà nghiên cứu cho rằng một trong những lý do khiến nam giới hiện vẫn đang áp đảo hơn trong các vị trí lãnh đạo ở công ty chính là họ sẵn sàng thử sức ở nhiều vị trí hơn nữ giới. Đôi khi sự tự tin là tất cả những gì cần thiết để bạn đạt đến cấp độ tiếp theo. Bí quyết ở đây là bạn phải luôn tin rằng mình có thể làm được.
2. Từ bỏ sự trì hoãn
Thay đổi luôn là điều khó khăn. Tự hoàn thiện bản thân là điều khó khăn. Dồn hết can đảm để có thể vững bước đến mục tiêu, đạt được những điều mình muốn là điều khó khăn và khi mọi thứ khó khăn, bạn sẽ dễ dàng trì hoãn và nói rằng mình sẽ giải quyết chúng vào ngày sau đó.
Vấn đề là ngày mai đó sẽ không bao giờ đến. Tự nói với bản thân rằng mình sẽ làm vào ngày mai chỉ là một cái cớ và điều đó có nghĩa là bạn không thực sự muốn làm hoặc bạn muốn có kết quả mà không muốn bỏ công, bỏ sức.
3. Từ bỏ lối suy nghĩ rằng mình không có lựa chọn nào khác
Dù bạn là ai và làm gì, ở trong hoàn cảnh nào, luôn có sự lựa chọn cho bạn. Đôi khi, đó là sự lựa chọn giữa hai điều tưởng chừng đều tệ như nhau, nhưng sự thật là bạn vẫn có sự lựa chọn.
Giả vờ rằng mình không thể làm thế nào khác vì không có sự lựa chọn sẽ khiến bạn tự biến mình thành nạn nhân. Đó chính là vỏ bọc cho sự bất lực. Khi đóng vai nạn nhân, bạn đang từ bỏ chính sức mạnh của mình. Để có thể thành công hơn và hạnh phúc hơn, bạn phải từ bỏ lối suy nghĩ rằng mình là nạn nhân, không có sự lựa chọn nào khác.
4. Từ bỏ hành động lặp lại một việc nhưng lại mong đợi kết quả khác nhau
Nhà bác học thiên tài Albert Einstein nói rằng sự điên rồ chính là làm điều tương tự và mong đợi một kết quả khác biệt. Có thể hiểu một cách thực tế và đơn giản rằng nếu bạn giữ nguyên cách tiếp cận vấn đề, bạn sẽ tiếp tục nhận được kết quả tương tự, bất kể bạn hy vọng điều ngược lại thế nào đi chăng nữa. Nếu bạn muốn có kết quả khác biệt, bạn cần thay đổi tiếp cận, tất nhiên việc này có thể khiến bạn phải chấp nhận gian khổ.
5. Từ bỏ suy nghĩ rằng mọi thứ sẽ tự đâu vào đó
Thật dễ dàng để nghĩ rằng mọi thứ sẽ ổn thôi, đâu rồi sẽ vào đó. Tuy nhiên sẽ không có điều gì tự vào guồng của nó nếu bạn không làm cho nó hoạt động.
Đừng ngồi đó và chờ một ngày đẹp trời sếp của bạn chủ động nói rằng tất cả đã sẵn sàng cho bạn thăng chức; đừng mong đợi đồng nghiệp của bạn sẽ không nhờ vả, đẩy công việc sang cho bạn nữa trong khi bạn luôn sẵn lòng làm điều đó... Mọi thứ sẽ không tự diễn ra một cách kỳ diệu mà bạn phải chủ động và có trách nhiệm với hành động của mình.
6. Từ bỏ việc cả nể, luôn nói đồng ý
Mỗi câu đồng ý bạn thốt ra đều là cả một sự đánh đổi. Bằng cách nói đồng ý với một điều, bạn đang nói không với một điều khác. Ví dụ, bạn đồng ý với việc ở lại làm việc muộn có thể nghĩa là bạn đang nói không với phòng tập thể dục hoặc thời gian dành cho gia đình bạn.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Đại học California, San Francisco, cho thấy bạn càng gặp khó khăn khi nói từ chối, bạn càng có nhiều khả năng bị căng thẳng, kiệt sức và thậm chí là trầm cảm.
Nói “không” thực sự là một thách thức lớn đối với nhiều người. Họ sợ rằng nói không sẽ khiến đối phương phật lòng, sợ mình trở nên giống kẻ xấu hay đơn giản là không biết phải từ chối thế nào nên đành đồng ý.
“Không” chính là một từ mạnh mẽ mà bạn không nên sợ khi sử dụng. Khi cần phải nói lời từ chối, hãy tránh những cụm từ như “Tôi không nghĩ là tôi có thể”, “Tôi không chắc chắn”... Việc nói không một cách rõ ràng sẽ đem lại cho bạn những cơ hội mới để phát triển. Khi bạn học được cách từ chối, bạn đang giải phóng bản thân khỏi những ràng buộc không cần thiết và giải phóng thời gian, năng lượng để dành cho những điều khác quan trọng hơn trong cuộc sống.