Dù sống ở một trong những đất nước sung sướng nhất thế giới, phụ nữ Nhật Bản vẫn đau đầu vì sự nghiệp của mình
Rất nhiều phụ nữ Nhật Bản biết được chính xác con đường nghề nghiệp của họ sẽ kết thúc như thế nào kể cả khi nó chưa được bắt đầu.
Hai hướng phát triển nghề nghiệp đang được định ra rõ ràng cho những nhân viên tại nhiều công ty lớn ở Nhật Bản: “quản lý” dành cho cánh đàn ông và trở thành “bà mẹ” dành cho cánh phụ nữ.
Sự nghiệp của hầu hết những phụ nữ đều bị kết thúc với một vai trò rất hạn chế. Thường thì đó là một công việc hành chính không thể phát triển lên được và từ đó khiến cho những ai có tham vọng đều sẽ cảm thấy bị sốc và chèn ép.
"Những phụ nữ có học vấn cao thường phải bỏ việc ngang vì không thể tiếp tục làm những công việc ngu ngốc đó thêm nữa”, theo lời Machiko Osawa, một nhà kinh tế lao động tại Đại học Phụ nữ Nhật Bản cho biết.
Chính phủ Nhật Bản muốn có nhiều phụ nữ theo đuổi sự nghiệp của mình hơn nữa để giúp hỗ trợ cho quá trình tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, văn hóa kinh doanh ở đất nước này với phần lớn nam giới nắm vai trò thống trị đã ngăn cản sự tham gia của phụ nữ.
Theo số liệu điều tra, có khoảng 3 triệu phụ nữ Nhật Bản hiện không đi làm mặc dù họ có khao khát theo đuổi sự nghiệp riêng.
Theo số liệu điều tra, có khoảng 3 triệu phụ nữ Nhật Bản hiện không đi làm mặc dù họ có khao khát theo đuổi sự nghiệp riêng. (ảnh minh họa)
Một số công ty cũng đang quyết định thay đổi tình trạng này.
Phụ nữ chiếm 9,1% tổng số những nhà quản lý cao cấp của tập đoàn Nissan. Tỷ lệ này nằm trên mức trung bình 8,3% của các công ty trên cả nước.
Chie Kobayashi, 48 tuổi, người đứng đầu phòng phát triển đa dạng của Nissan chia sẻ, công ty mình đang làm việc có tỷ lệ phụ nữ làm việc cao hơn mức trung bình. Năm 2005, bà Kobayashi trở thành bà mẹ đi làm đầu tiên ở Nhật Bản được công ty cử tới chi nhánh ở nước ngoài.
Kobayashi chia sẻ, Nissan có chính sách khuyến khích phụ nữ đầu quân cho công ty với nhiều chính sách đặc biệt, chẳng hạn giờ làm việc linh hoạt, cho phép các bà mẹ nghỉ phép nhiều hơn và xây dưng các phòng chăm sóc con cái ngay trong trụ sở chính ở Yokohama.
Các công ty lớn khác của Nhật Bản như Calbee và Shiseido cũng đã đưa ra những chính sách tiến bộ dành cho lao động nữ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những công ty tiến bộ như vậy vì họ có những nhà quản lý cấp cao là những người nước ngoài.
Ngay cả Nissan cũng cho rằng sẽ còn mất một chặng đường dài để đạt đến mục tiêu có được 15% số phụ nữ trong tổng số cán bộ quản lý cao cấp vào năm 2020.
Marimi Takahashi, 23 tuổi, làm việc tại một công ty điện tử Nhật Bản chia sẻ, ở công sở "có một sự khác biệt lớn trong cách đối xử giữa cô và các đồng nghiệp nam".
Cô thậm chí không được tham gia các khóa đào tạo chỉ dành cho các nhân viên nam của công ty và không được trọng dụng. Điều này khiến cô cảm thấy buồn bã và thất vọng.
Takahashi cũng nhấn mạnh, rất khó để phụ nữ vừa đi làm vừa chăm con, quán xuyến việc nhà ở Nhật Bản. Nguyên nhân xuất phát từ văn hóa doanh nghiệp chỉ chuộng và phù hợp với nam giới do đặc trưng là số giờ làm việc kéo dài, làm thêm giờ triền miên, sau giờ làm các nhân viên phải ra ngoài uống rượu với sếp tới khuya hay thói quen trao đổi, đánh giá công việc ở quán rượu... vẫn bám rễ sâu lâu nay ở nước này.
Sự phân biệt giới tính vẫn tồn tại ở một đất nước phát triển hàng đầu thế giới như Nhật Bản.
(Ảnh minh họa)
"Nếu có con cái, sẽ là quá sức để tiếp tục công việc. Tôi đã chứng kiến nhiều phụ nữ mất tham vọng cống hiến cho công việc bởi chúng tôi phải tự làm mọi thứ", Natsuko Fujimaki, một bà mẹ từng làm việc cho một tập đoàn lớn của Nhật Bản đồng tình chia sẻ.
Trong khi đó, một nghiên cứu gần đây trên 22.000 công ty ở 91 quốc gia của Viện Các nền Kinh tế Quốc tế Peterson cho kết quả, càng có nhiều phụ nữ giữ các vị trí điều hành hoặc ban lãnh đạo doanh nghiệp thì càng giúp doanh nghiệp đó tăng lợi nhuận.
Tuy nhiên, những phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp riêng trong các công ty Nhật Bản chia sẻ, họ gặp nhất nhiều khó khăn khi quyết định không "an phận thủ thường" ở nhà chăm con cái, lo nội trợ như truyền thống mà quyết định dấn thân vào thị trường lao động, nơi văn hóa doanh nghiệp chỉ chuộng nam giới.