Quan niệm 'Nét chữ, nết người' đã quá lạc hậu. Việc ép trẻ viết chữ đẹp làm chậm tư duy, hình thành một số tính cách xấu như cáu bẳn, chán học, sợ học...
Là một người làm trong ngành giáo dục, đặc biệt là giáo dục tiểu học, PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp, khoa Giáo dục Tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đã có chia sẻ về quan niệm chữ đẹp cũng như việc bắt con trẻ phải rèn viết chữ.
Bài viết đã nhận được hàng trăm lượt bình luận và chia sẻ. Nhiều phụ huynh và giáo viên đồng tình với nội dung: chỉ cần con viết đúng, viết sạch, ngay ngắn, dễ đọc còn viết đẹp phải có năng khiếu và nghệ thuật.
Sau đây là bài viết của PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp:
Ai cũng thích cái đẹp, trong đó có chữ đẹp. Những người ủng hộ viết chữ đẹp thì đưa ra luận cứ là "nét chữ, nết người", "rèn cho học sinh tính kiên nhẫn, cẩn thận"... đều là cách nhìn thiển cận, sai trái.
Thứ nhất, nếu coi nét chữ phản ánh nết người là không hoàn toàn đúng, tôi đơn cử: Rất nhiều phạm nhân có khả năng chạm trổ, khắc chữ, xăm mình rất đẹp, còn các bác sĩ thì thường viết chữ xấu. Vậy "nết người" của phạm nhân và bác sỹ được đánh giá như thế nào?!
Nếu cho rằng ai viết chữ đẹp thì "tốt nết", ai viết chữ xấu thì "xấu nết" thì là sai. Theo tôi được biết, rất nhiều vĩ nhân viết chữ xấu!
Thứ hai, tôi thừa nhận là có thể rèn cho học sinh một số nét tính cách tốt qua rèn chữ đẹp. Tuy nhiên, rèn những nét tính cách đó qua những hoạt động khác phù hợp đặc điểm tâm sinh lý trẻ em sẽ mang tính nhân bản hơn nhiều (ví như tô tranh, tập vẽ...) so với "hành" các em viết chữ đẹp.
Bài viết về chữ đẹp của PGS.TS Nguyễn Hữu Hợp khiến nhiều phụ huynh phải thay đổi quan điểm.
Tôi xin nêu ra một số "mặt trái" của việc ép học sinh viết chữ đẹp.
Một là, ép viết chữ đẹp làm chậm tư duy của trẻ, bởi lẽ, khi các em nắn nót, các em chỉ tập trung vào nét chữ, mà không tập trung vào nội dung, vào quá trình tư duy. Trong lúc đó, tư duy là yếu tố quan trọng hàng đầu trong giáo dục. Thật không sai, nếu nói rằng, ép viết chữ đẹp làm hỏng mục tiêu, làm giảm chất lượng và hiệu quả giáo dục. Rất nhiều giáo viên tiểu học, khi nói chuyện với tôi, khẳng định, những em viết chữ đẹp thường "chậm". Như tôi nói ở trên, hầu hết các vĩ nhân đều viết chữ xấu.
Hai là, trẻ em tay còn yếu mềm, hệ thần kinh chưa vững, do đó, viết nắn nót là một công việc khó khăn, khổ ải đối với các em. Viết quá nhiều như vậy làm cho tay các em nhanh mỏi, ảnh hưởng xấu đến không chỉ hệ cơ, hệ xương mà còn hệ thần kinh của trẻ.
Ba là, bị ép viết chữ đẹp nhiều nên nhiều trẻ hình thành một số nét tính cách xấu như cáu bẳn, chán học, sợ học, lừa dối, thậm chí có thái độ không đúng mực với cô giáo của mình như nói tục, chửi bậy (vì không hài lòng với việc bị giáo viên bắt tập viết nhiều quá...).
Bốn là, chính giáo viên cũng có những yếu tố tiêu cực, như cắt xén các tiết học khác để dành cho viết chữ đẹp, bắt những học sinh viết chữ xấu thay vở mới để luyện chữ đẹp, yêu cầu những em chữ đẹp viết hộ những em chữ xấu để có thành tích...
Theo tôi, nên coi chữ đẹp là "phạm trù" thẩm mỹ, không nên coi nó thuộc phạm trù ngôn ngữ. Cần yêu cầu học sinh viết sao cho đủ nét để người khác đọc được, bản thân mình đọc được là đủ. Tôi có dịp trao đổi với một số GS người Đức, Úc thì được biết, ở nước họ, người ta không bắt học sinh viết chữ đẹp, lại càng không có chuyện thi hay "phong trào" viết chữ đẹp!
Tôi thấy ép học sinh tiểu học viết chữ đẹp là bất công, bởi lẽ, người lớn có viết được như học sinh tiểu học viết không, tại sao lên các cấp học khác lại không còn yêu cầu chữ đẹp? Thời đại này viết chữ đẹp để làm gì, khi mà hầu như khi cần đẹp chúng ta đều dùng máy tính, máy in, kể cả viết giấy khen.
Tôi thấy, ép học sinh viết chữ đẹp chỉ mang lại "danh tiếng", "thành tích" cho giáo viên, cho nhà trường, cho các cấp quản lý giáo dục mà thôi, trẻ em hầu như không được gì mà chịu tổn hại nhiều.
Đã đến lúc giáo dục cần xem xét lại các phong trào của mình. Hãy đặt lợi ích của học sinh lên hàng đầu!