Đổ xô cho con học kỹ năng sống trước khi vào lớp 1

Ngày 15/04/2015 13:56 PM (GMT+7)

Các mẹ thay vì cho con đi học chữ, học số thì lại cho đi học kỹ năng sống. Họ mong muốn con có thể định hướng cảm xúc và tập kỹ năng lắng nghe, tập trung để phục vụ cho tương lai.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh trên địa bàn TP.HCM có con chuẩn bị vào lớp 1 thường xuyên đưa con đến các trung tâm để học kỹ năng sống. Tại các khóa học này, bé được dạy về việc sinh hoạt cá nhân, cách đối xử với mọi người trong nhiều trường hợp, biết xin lỗi, nói lời cảm ơn. Đây là những gì các cháu cần có để làm giàu cho đời sống tâm hồn, tình cảm của mình, trở thành đứa con hiếu thảo, biết chia sẻ, yêu thương.

Đổ xô cho con học kỹ năng sống trước khi vào lớp 1 - 1

Các bé trong một buổi học kỹ năng sống.

Một buổi học tại trường ngoại khóa ở quận Phú Nhuận, không có bất kì một cuốn vở, quyển sách nào. Giáo viên cho trẻ xem phim hoạt hình mang tính giáo dục rồi đưa ra những câu hỏi thiết thực về tình bạn bè, anh em, cha mẹ, con cái… Giáo viên đưa ra cách giải quyết theo hướng giáo dục, định hướng để bé tránh trường hợp ghen ghét, đố kị.

Hay giáo viên đưa ra các trường hợp để bé biết cách xử lý khi phạm lỗi, bảo vệ mình trước người lạ, dạy trẻ có tính trách nhiệm. Một giáo viên chia sẻ: “Các khóa học nhằm bổ khuyết những thiếu sót chưa được gia đình trang bị đầy đủ, giúp bé có thể làm chủ bản thân, làm chủ việc học…”.

Chúng tôi đã đặt câu hỏi: “Sao không cho bé đi học chữ, làm toán mà lại cho đi học kỹ năng sống?”. Chị Nguyễn Thị Mùi (quận Tân Phú) chia sẻ: “Tôi có hai đứa con và rất cưng. Khi đứa con đầu vào lớp 1, bé bị “khớp” trước môi trường quá mới. Trước đây, vì thương con nên tôi làm hết tất cả mọi việc. Do đó, khi đi học, bé trở nên cô đơn, lạc lõng, không hòa nhập được. Đến bé thứ hai, tôi cho con đi học kĩ năng sống để tránh trường hợp như chị gái”.

Trong khi đó, chị Hồ Thị Hải Yến (quận 3) cho hay, hiện tại, nhiều phụ huynh chú trọng trang bị cho con việc học chữ, học làm toán trước khi bước vào tiểu học. Rút kinh nghiệm từ con của một vài người bạn, mặc dù được học chữ, học số sớm nhưng không có kỹ năng tập trung nên bé chỉ học tốt so với bạn bè ở giai đoạn ban đầu. Về sau, bé bị đuối so với bạn bè. Điều chị mong muốn là đưa con đi học để bé có thể học cách tập trung, lắng nghe nhiều hơn.

Một vài phụ huynh lại đưa con đến các trung tâm dạy kỹ năng sống để bé có thể học cách bày tỏ cảm xúc của mình. Chị Dương Thị Hoa (quận 3) chia sẻ: “Trước đây, con tôi cứ thích gì làm nấy, không chú trọng đến cảm xúc của mọi người xung quanh. Ban đầu, tôi cứ nghĩ, do cháu còn nhỏ nên không để ý nhiều. Tuy nhiên, về sau, tôi bắt đầu lo lắng và đưa cháu đi học về kỹ năng. Chỉ hơn một tháng, cháu bắt đầu biết hành động đúng, sai của mình và tự điều chỉnh”.

Một giáo viên tại trường tiểu học Lương Định Của (quận 3) cho biết, lúc ở nhà, một vài mẹ quá quan tâm, chăm sóc, không yêu cầu con làm bất kì điều gì. Từ đó, bé cũng không hay biết về các kỹ năng sống đơn giản như thay áo quần, đánh răng… Bởi vậy, có một số trường hợp, khi đến trường, dù muốn đi vệ sinh nhưng cố nín vì “không biết rửa”…

Đổ xô cho con học kỹ năng sống trước khi vào lớp 1 - 2

Các buổi học chú trọng về cảm xúc, lắng nghe, tập trung chứ không chú trọng chữ hay số

Một số cháu do được bố mẹ “quan tâm thái quá” nên khi bước vào tiểu học trở nên thụ động, không thể kết bạn. Do đó, bé trở nên ít nói, ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp thu bài học.

Trong khi đó, giáo viên tại trường tiểu học Trần Quốc Thảo (quận 3) cho hay, tình trạng các bé bước vào lớp 1 dù đã biết đọc và biết viết trước nhưng không quen việc ngồi một chỗ trong thời gian dài hay tập trung tiếp thu bài. Trong thời gian học, các bé cứ loay hoay theo thói quen như ở nhà. Bé trở nên khó hòa đồng với môi trường mới.

“Sở giáo dục không khuyến khích dạy trẻ học đánh vần, viết chữ… quá sớm. Việc nhận dạng chữ là cần thiết. Tuy nhiên, trẻ dưới 6 tuổi, cơ tay chưa hoàn chỉnh, nếu cố gò để bé học cách viết chữ thì cơ tay có thể bị tổn thương, ảnh hưởng về sau.

Trong khi đó, giai đoạn này quan trọng nhất là việc hình thành cảm xúc và quyết định cảm xúc của trẻ về sau. Do đó, các khóa học chú trọng vào hai phần quan trọng là định hướng cảm xúc và chú trọng cho trẻ lắng nghe, tập trung. Khi có các kỹ năng này, ắt hẳn, trẻ sẽ tiếp thúc kiến thức dễ dàng hơn”, đại diện của một trường ngoại khóa chia sẻ.

Hồ Ngọc Sang
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tuyển sinh lớp 1