Nhân ngày Gia đình Việt Nam, hôm qua (27-6), hội quán các bà mẹ phối hợp với báo Thế Giới Tiếp Thị, Trung ương Hội Phụ nữ tổ chức tọa đàm “Khi con rơi vào vùng nguy hiểm của mạng xã hội” với sự tư vấn của các chuyên gia gồm:
ThS-BS Nguyễn Lan Hải, chuyên viên tâm lý học đường Lê Thụy Bảo Nhi và ThS giáo dục học Phạm Thị Tuynh...
. Hỏi: Bình thường Tâm (13 tuổi) rất ngoan ngoãn, lễ phép, vâng lời nhưng trên Facebook, em lại thường xuyên chửi thề?
+ Đáp: Thực ra đó là tình huống tâm lý bình thường của lứa tuổi mới lớn. Rất ít phụ huynh có tâm thế, phương pháp làm bạn với con mà đa số muốn trẻ vâng lời, giáo dục con bằng nỗi sợ hãi, kỷ luật nên trẻ sẽ cố tìm kiếm sự tự do ở chỗ khác nên rất khó kiểm soát. Cha mẹ cần thiết lập mối quan hệ gần gũi, lắng nghe con, dạy con những giá trị sống như muốn được tôn trọng thì trước hết phải tôn trọng người khác. Hãy góp ý nhẹ nhàng khi con có những cảm xúc tiêu cực, khuyến khích con những hành vi tốt, hướng dẫn con sử dụng Facebook với tư cách là một người bạn bình thường của con.
Một phụ huynh chia sẻ tại buổi tọa đàm.
. Hương (12 tuổi) đòi dùng Facebook hơn một năm nay với lý do bạn bè đã có hết rồi. Mẹ Hương phân vân có nên cho Hương dùng không khi con vẫn còn non nớt?
+ Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc cấm con lên Facebook là chuyện không tưởng. Chính vì vậy, việc tìm vaccine phòng ngừa cho con trước khi cho con gia nhập thế giới ảo là rất cần thiết. Có nhiều cách để giúp con đương đầu với những tâm bão sắp tới như cho con tiếp xúc với những bài viết ném đá trên mạng, dạy con thông tin riêng tư, ảnh hưởng đến bản thân và người khác thì không nên đưa ra cái “chợ” cũng như một người văn minh thì không mặc quần đùi đến tham dự một sự kiện. Thường xuyên chia sẻ với con cách chia sẻ thông tin lên Facebook, không sa vào giết thời gian, giải trí, nói xấu người khác mà cần kiểm soát có mục đích.
. Nếu con bị bạn trai tung hình ảnh chụp khỏa thân hoặc clip sex lên mạng và đang rất khủng hoảng, làm thế nào để ổn định tâm lý bé?
+ Nhiều em cho rằng cuộc sống thật vô nghĩa nên tin vào thế giới ảo nhưng khi thế giới ảo quay lưng thì chẳng còn gì để sống nữa. Cho nên lời khuyên đầu tiên trong tình huống này là không phán xét, la mắng, chửi bới, phân tích về mặt lẽ phải liền mà hãy giang tay ôm bé để bé có thể thấy gia đình là nơi ẩn nấp đáng tin cậy để chữa lành vết thương, theo dõi con sát sao. Không chỉ đóng cửa trang mạng mà hãy đóng cửa nhà đi du lịch, cho trẻ nghỉ học tạm thời, trong thời gian đó cho bé tham gia các hoạt động xã hội ý nghĩa nữa thì càng tốt. Trẻ sẽ cảm nhận được cuộc sống đáng quý biết bao khi ngoài kia còn biết bao cảnh đời éo le chứ không chỉ ở trên mạng. Khi tâm bão đã dịu đi thì mới nói chuyện bình tĩnh với con và tìm cách phối hợp với nhà trường, các cơ quan chức năng giải quyết vấn đề.
Một số dấu hiệu nhận biết bạn nghiện Facebook: - Đang nói chuyện với người khác cũng cắm mặt vào màn hình. - Khi truy cập trên di động và vi tính, có ý vào Facebook đầu tiên. - Kiểm tra Facebook ít nhất ba lần một ngày, bỏ giờ chơi, giờ ngủ để chơi Facebook. - Quá quan tâm đến hình ảnh của mình trên Facebook và những phản hồi vô tội vạ. - Cập nhật liên tục thông tin cá nhân trên mạng (ở đâu, làm gì, với ai, như thế nào). ThS-BS NGUYỄN LAN HẢI |