Đừng làm hệ thống giáo dục thêm rối

Ngày 14/12/2014 15:52 PM (GMT+7)

Nếu đặt các trường CĐ, CĐ nghề, TCCN và TC nghề sau khi đã hợp nhất dưới sự quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thì đó là sự lặp lại sai lầm cũ ở quy mô lớn hơn.

Trong nhiều thập niên qua, xuất phát từ sự phân biệt máy móc giữa đào tạo thầy với đào tạo thợ, các trường nghề (được coi là đào tạo thợ) đã bị tách ra khỏi hệ thống giáo dục - đào tạo  (GD-ĐT)từ phổ thông đến CĐ và ĐH (đào tạo thầy), để biến thành công cụ làm “công tác xã hội” trực thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH). Đó là một sai lầm nghiêm trọng dẫn tới nhiều hệ lụy tai hại.

Phải bảo đảm tính liên thông

Việc hợp nhất các trường CĐ, CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trung cấp (TC) nghề vào một hệ thống duy nhất là một giải pháp đúng đắn để sửa chữa sai lầm đó. Nhưng sự hợp nhất này lại đặt ra một số vấn đề phải giải quyết.

Đừng làm hệ thống giáo dục thêm rối - 1

Học viên Trường Trung cấp nghề Kỹ thuật Công nghệ Hùng Vương đang thực hành - Ảnh: TẤN THẠNH

Thực chất của việc hợp nhất là đưa các trường CĐ và TC nghề ra khỏi ngành LĐ-TB-XH, trở về đúng vị trí của chúng trong ngành GD-ĐT, xếp cùng loại và ngang hàng với các trường CĐ và TCCN trong ngành này. Trong cùng một hệ thống GD-ĐT, các trường CĐ và TC (cả nghề và chuyên nghiệp, công lập và tư thục) đều liền mạch và liên thông với giáo dục ĐH và giáo dục phổ thông. Vì vậy, các trường mới hợp nhất này dĩ nhiên thuộc quyền quản lý của Bộ GD-ĐT.

Nếu đặt các trường CĐ, CĐ nghề, TCCN và TC nghề sau khi đã hợp nhất dưới sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH thì đó là sự lặp lại sai lầm cũ ở quy mô lớn hơn. Theo đó, không chỉ các trường CĐ nghề và TC nghề mà còn thêm các trường CĐ và TCCN bị tách khỏi hệ thống GD-ĐT để chuyển sang một ngành không đúng chức năng của chúng; còn hệ thống GD-ĐT lại bị khuyết một mảng lớn do các trường này để lại. Vì thế, trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể giao các trường này cho Bộ LĐ-TB-XH.

Có cần luật “Giáo dục nghề nghiệp”?

Phương án tách các trường CĐ và TC (cả chuyên nghiệp và nghề) ra khỏi hệ thống GD-ĐT để tạo thành một hệ thống giáo dục nghề nghiệp riêng biệt đã dẫn tới ý tưởng về một đạo luật “Giáo dục nghề nghiệp”. Nhưng đó là một phương án sai, vì dạy nghề là một sứ mệnh không thể thiếu của sự nghiệp GD-ĐT và các trường CĐ và TC phải là một bộ phận hữu cơ không thể tách rời hệ thống này. Vì vậy, cũng như các trường ĐH và phổ thông trong hệ thống này, mọi trường CĐ và TC chỉ phải tuân thủ 2 bộ luật hiện hành của ngành GD-ĐT là Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH mà không cần phải có một thứ luật nào khác. Hơn nữa, việc có thêm một đạo luật về giáo dục nghề nghiệp bên cạnh 2 luật đã có sẽ phát sinh những sự chồng chéo rắc rối cho công tác quản lý điều hành GD-ĐT. Nếu sự hiện diện của các trường CĐ và TC nghề tạo nên một số vấn đề mới trong hệ thống GD-ĐT thì có thể bổ sung điều chỉnh Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH để giải quyết những vấn đề đó

Hợp nhất các trường CĐ và TC nghề với các trường CĐ và TCCN vào một đầu mối trong hệ thống GD-ĐT là giải pháp hoàn toàn đúng nhưng điều đó không có nghĩa là hệ thông này đã hoàn thiện và ổn định. Trên thực tế, cách thức tổ chức dạy nghề ở nước ta còn có nhiều sự bất hợp lý và bất cập khiến chất lượng và hiệu quả bị hạn chế. Vì vậy, nước ta cần tái cấu trúc chương trình GD-ĐT để giáo dục nghề nghiệp bảo đảm được đầy đủ sứ mệnh quan trọng của nó.

Quá yếu kém so với thế giới

Nếu so sánh với sự nghiệp dạy nghề ở các nước tiên tiến, ta sẽ thấy những sự yếu kém của mình bộc lộ rõ ràng. Theo mô thức quốc tế, việc dạy nghề được thực hiện ngay từ các bậc học phổ thông. Chẳng hạn, hầu hết các nước đưa dạy nghề vào các chương trình THPT phân ban hay tự chọn (Pháp, Anh, Mỹ...), thậm chí Đức tiến hành dạy nghề ngay từ bậc THCS. Các chương trình học ấy bảo đảm cho học sinh tốt nghiệp THPT có ngay nghề nghiệp chuyên môn để vào đời (nếu chưa muốn hoặc chưa thể vào ĐH); còn ở ta thì không.

TS Lê Vinh Quốc

(Theo Người lao động)
Nguồn:

Tin liên quan

Bão Yinxing di chuyển khá nhanh theo hướng tây tây bắc, hướng về vùng biển phía đông bắc đảo Luzon (Philippines). Sau khi đi qua ven biển...

Tin bài cùng chủ đề Tin hot