Nguyễn Hoàng Ph. đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ph. 21 tuổi, vừa học xong trung cấp.Nhìn nét mặt của cô gái xinh xắn nhưng không ai biết rằng cô đang điều trị ung thư tuyến giáp
Ung thư chỉ vì sợ sẹo
Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Ph. trú tại thành phố Việt Trì đang nằm điều trị tại Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ph. 21 tuổi, vừa học xong trung cấp. Nhìn nét mặt của cô gái xinh xắn nhưng không ai biết rằng cô đang mang trong mình căn bệnh ung thư.
Ph. kể cô bị bướu cổ khi vừa vào học trung cấp mầm non. Thấy một chiếc bướu nhỏ ở cổ, gia đình và mọi người chủ quan cho rằng bướu lành nên chỉ uống thuốc bắc để tự tiêu. Một phần người thân của Ph. sợ gái chưa chồng mổ xẻ nhiều sau này khó có con. Hơn nữa, bản thân mẹ Ph. từng bị bướu cổ và có một vết sẹo dài ở cổ. Chỉ nhìn thấy vết sẹo đó, Ph. đã không đủ tự tin. Cô nấn ná việc đi phẫu thuật vì hi vọng uống thuốc bướu sẽ tự tan.
Tuy nhiên, gần đây Ph. thấy mệt mỏi, bướu cổ không to ra, không đau đớn nhưng Ph. cảm thấy bị chèn vào thực quản. Chờ thi tốt nghiệp xong, gia đình mới đưa Ph. xuống Hà Nội khám.
Các bác sĩ cho biết Ph. bị K tuyến giáp. Khi biết mình bị ung thư tuyến giáp, Ph. nhiều lần đòi chết vì cô sợ đau đớn do ung thư gây ra. Các bác sĩ phải phẫu thuật để loại bỏ khối u ác tính và tiến hành xạ trị tiêu diệt khối u tuyến giáp.
Sau khi mổ, Ph. vẫn không thể vui vẻ lên bởi cô đã để bướu quá lâu mà không chịu đi khám. Nói về bệnh tật, Ph. luôn tự nhận lỗi do mình sợ mổ sẹo xấu.
Hay như trường hợp của Nguyễn Thị Luyến, quê Thái Bình. Chị Luyến bị bướu cổ ở hai thùy từ chục năm nay. Do bị bướu ở hai thùy, mổ một lần cách đây hơn chục năm nên chị Luyến sợ mổ nữa bướu lại mọc thêm. Chị không đi khám, sống chung với chùm bướu cổ.
Khi cảm thấy mệt mỏi, khó thở chị mới đi viện khám. Kết quả, khối u ở hai thùy đã bị ung thư hóa. Các bác sĩ cho biết việc mổ cắt bỏ khối u là biện pháp trước mắt. Sau đó, chị Luyến sẽ phải chuyển sang bệnh viện K. để điều trị triệt tiêu tế bào ung thư.
Bướu cổ lành tính, không được chủ quan
PGS, TS Trần Ngọc Lương - Quyền Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương
PGS, TS Trần Ngọc Lương- quyền Giám đốc Bv Nội tiết Trung ương.PGS, TS Trần Ngọc Lương - Quyền Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết những trường hợp như của chị Luyến và cháu Ph. không phải hiếm ở bệnh viện này.
Các bệnh nhân bị bướu cổ, không phải bệnh cấp tính nên thường chủ quan không đi khám mà chờ đợi thời gian thích hợp, thậm chí những bệnh nhân sợ mổ sẽ để lại sẹo cũng rất nhiều. Họ tìm các biện pháp chữa khác nhau để không phải lên bàn phẫu thuật. PGS Lương cho biết quan niệm này là sai lầm, cần loại bỏ bởi bệnh bướu cổ có nhiều thể khác nhau.
Bệnh nhân cần đến khám bác sĩ để có những chẩn đoán và biện pháp điều trị thích hợp nhất đối với từng bệnh trạng, từng bệnh nhân.
PGS Lương cho biết, nguy hiểm hơn là có bệnh nhân mổ bướu cổ ở phòng khám tư, gặp tai biến mới chuyển lên bệnh viện. Phân tích về khía cạnh này, PGS Lương chia sẻ ở người bướu cổ, bệnh basedow là một phẫu thuật phức tạp. Trong quá trình tiến hành, phải sử dụng nhiều loại thuốc như thuốc gây mê, thuốc kháng sinh nên nguy cơ dị ứng và sốc thuốc có thể xảy ra.
Trong khi mổ, có thể có những biến chứng như chảy máu hoặc tổn thương dây thần kinh thanh quản, tuyến cận giáp, thậm chí có thể tử vong đối với trường hợp bệnh nặng. Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân chưa thấy được tầm quan trọng phẫu thuật bướu cổ nên có bệnh nhân khi phát hiện mắc basedow đã đến phòng khám tư để phẫu thuật.
Bệnh không được điều trị dứt điểm mà chỉ thực hiện lấy nhân lớn bướu cổ, để sót nhiều nhân nhỏ. Các nhân nhỏ này rất khó phát hiện nhưng về sau chúng sẽ phát triển thành các nhân lớn, bệnh tái phát nặng hơn.
Có bệnh nhân cứ thấy bướu cổ là đến phòng khám tư nào mổ như cắt u bã đậu, không hề phân tích mô bệnh phẩm để xác định ung thư nên hiện tượng có K hóa mà không biết.
Tên nhân vật đã được thay đổi