Kỹ năng làm bài thi THPT quốc gia

Ngày 28/06/2015 08:25 AM (GMT+7)

Chỉ còn vài ngày nữa, kỳ thi THPT quốc gia sẽ diễn ra. Để thí sinh tự tin, các giáo viên giàu kinh nghiệm đã chia sẻ một số kỹ năng làm bài thi

ThS Huỳnh Thị Hoàng Dung (Trưởng Bộ môn Toán cơ bản Trường ĐH Kiến trúc TP HCM ):

Toán: Chọn câu dễ làm trước

Làm bài theo nguyên tắc: Chọn những câu dễ làm trước. Thí sinh (TS) nên thực hiện các phép biến đổi một cách cẩn thận và chậm rãi ngay trong bài thi nếu bài toán đã có hướng giải quyết đúng. Giấy nháp chỉ dùng để thử và tìm ra các phương pháp giải khi chưa biết chắc cách giải đó có đi đến kết quả hay không.

Việc khảo sát hàm số và vẽ đồ thị, các em hết sức lưu ý việc tính đúng đạo hàm bởi nếu tính sai thì điểm tối đa có thể đạt được cho câu này chỉ là 0,25.

Kỹ năng làm bài thi THPT quốc gia - 1

Thí sinh thi đại học năm 2014 tại Trường ĐH Sài Gòn 

Câu cuối cùng thường là khó nhất với câu bất đẳng thức hoặc tìm giá trị max hay min. Nếu các em không thật sự tự tin để giải thì nên bỏ qua và quay lại bài này sau khi đã giải quyết những bài toán khác. Để đỗ tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, không cần tới điểm 10 nên dành thời gian chăm chút 9 điểm còn lại.

Trong những ngày gần thi, các em nên ôn tập một cách nhẹ nhàng. Cố gắng để khi vào phòng thi có được sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái.

Đặng Chí Minh (Tổ trưởng tổ văn Trường THPT Tân Phong, TP HCM):

Ngữ văn: 3 kỹ năng quan trọng

Dựa theo cấu trúc và yêu cầu của đề thi THPT quốc gia môn ngữ văn năm 2015, bên cạnh việc ôn tập để nắm vững kiến thức, TS cần chú ý những kỹ năng cơ bản sau:

Kỹ năng đọc - hiểu văn bản (phần I): Lưu ý đọc kỹ ngữ liệu đã cho trong đề thi (thường là một ngữ liệu thuộc văn bản nhật dụng và một ngữ liệu thuộc văn bản nghệ thuật). TS trả lời từ câu 1 đến câu 8, theo các cấp độ tư duy từ cơ bản đến nâng cao. Trước hết là xác định nội dung chính của văn bản. Sau đó, cần phân biệt rõ để xác định phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, các phép tu từ được sử dụng trong văn bản đó và chỉ ra được dấu hiệu nhận biết hoặc tác dụng của chúng...

Ngoài ra, TS còn biết kỹ năng vận dụng để trả lời những câu ở dạng cảm nhận riêng hoặc đặt ra những tình huống khác… Khi làm phần này, TS phải biết gọi tên đúng khái niệm, sử dụng từ ngữ chính xác, viết câu ngắn gọn, rõ nghĩa.

Kỹ năng tạo lập văn bản (phần II): TS thực hiện tạo lập 2 văn bản: một bài theo dạng nghị luận xã hội và một bài theo dạng nghị luận văn học.

Về cấu trúc: bài viết phải đầy đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Thân bài phải biết tổ chức thành nhiều đoạn liên kết chặt chẽ với nhau.

Những thao tác cơ bản như: giải thích, chứng minh, bình luận… rất cần thiết khi viết bài nghị luận.

Kỹ năng sử dụng hợp lý thời gian làm bài: Phải biết tận dụng thời gian 180 phút để làm bài cẩn thận, chu đáo, không cần thiết ra sớm trước giờ thu bài.

Phạm Thu Hằng (Giáo viên Trường THPT Tân Bình):

Sinh học: Không dừng lại quá lâu ở một câu

Không nên đọc một lúc hết 50 câu rồi chọn câu dễ làm trước vì sẽ mất rất nhiều thời gian. Phân bố thời gian hợp lý cho mỗi câu (tùy loại câu dễ khoảng 30 giây, câu khó khoảng 1,5 phút, câu cực khó để làm sau), không nên dừng lại quá lâu ở một câu nào đó. Đọc kỹ nội dung câu hỏi, không bỏ sót từ nào, gạch chân các từ “đúng”, “sai”, “không”... vì có rất nhiều “bẫy” trong phần này. Đọc hết 4 phương án để chọn câu đúng nhất.

TS chỉ được tô một đáp án đúng cho mỗi câu. Với câu hỏi yêu cầu tìm phương án “đúng”, khi chưa xác định được chắc chắn câu trả lời, TS nên dùng phép loại trừ các câu sai để chọn đáp án chính xác và ngược lại.

Trong trường hợp không thể giải được cũng không nên bỏ qua phần tô đáp án vì mỗi câu có số điểm bằng nhau. Tô đúng ô (A, B, C, D) và tô vào đúng câu đang làm. Cần tỉnh táo rà soát lại các câu tô nhầm và chỉnh lại, khi chỉnh phải tẩy thật sạch đáp án cũ.

Hết thời gian, TS phải hoàn thiện đủ 50 đáp án.

Ths Bùi Văn Thơm (Chuyên viên chính Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP HCM):

Hóa học: Tìm cách giải ngắn hơn

Các câu hỏi lý thuyết: Chủ yếu lý thuyết có lý luận, TS cần nắm chắc và vận dụng để giải quyết vấn đề này. TS không được hấp tấp khi đọc đề mà phải đọc thật kỹ đề để tránh nhầm lẫn đáng tiếc.

Để làm bài tốt, trước hết, các em chọn những câu dễ làm trước. Thông thường có khoảng 14-18 câu dễ và các em có thể làm trong vòng 15 phút; 22-30 câu dành cho học sinh khá, TS có thể dành 60 phút để làm; 5-7 câu tương đối khó và 2-3 câu rất khó, TS dành khoảng 15 phút để làm; nếu biết thì giải, còn không biết thì làm qua câu khác.

Các bài toán chỉ được giải trong khoảng thời gian không quá 2 phút nên phải tìm cách giải ngắn hơn. Khi hết giờ, còn vài câu chưa làm xong thì các em có thể đánh hú họa bằng cách đếm chữ A, B, C, D đã chọn. Các em nên chọn chữ nào có số lần chọn ít nhất.

Đoàn Nhật Quang (Giáo viên Trường THPT Marie Curie, TP HCM):

Địa lý: Đọc kỹ để nhận dạng đề

Đọc thật kỹ để nhận dạng đề thi là khâu quan trọng hàng đầu, giúp TS xác định đúng yêu cầu của đề thi và hình thành được cách trả lời, tránh bị lệch hướng, lạc đề. Chú ý yêu cầu của câu hỏi: Nêu, trình bày, chứng minh hay phân tích... để có hướng trả lời cho phù hợp. Ngay sau khi nhận dạng đề, TS nên tập trung vạch ra các ý tương đối chi tiết theo dạng dàn ý mở.

Phân bố thời gian hợp lý cho từng câu hỏi: TS nên phân bố thời gian đều và phù hợp cho các câu hỏi trong đề bài, nên căn cứ số điểm của câu hỏi. Nên dành khoảng thời gian từ 15-20 phút để phác thảo dàn ý, từ 10-15 phút cho việc kiểm tra đọc lại bài.

Chú ý phần dễ làm trước, khó làm sau nhưng phải bảo đảm tính hệ thống, logic trong bài làm và nên làm ở tất cả câu hỏi chứ không tập trung vào một câu nào đó. Bài thi vận dụng những kiến thức ngoài sách giáo khoa như theo dõi tin tức, sự kiện thực tiễn để làm dẫn chứng thuyết phục trong bài thì điểm sẽ cao.

Tiếng Anh: Đừng sợ khi thấy bài đọc dài

Phần ngữ âm (khoảng 5 câu): TS phải nắm chắc được các quy tắc dấu nhấn, phát âm và để ý thêm các trường hợp ngoại lệ của từng dạng.

Phần hoàn chỉnh câu (16-19 câu): Đối với phần này, phải chú ý xem câu rơi vào điểm ngữ pháp nào, dấu hiệu nhận biết các thì, câu điều kiện...

Phần chọn từ cùng nghĩa, trái nghĩa (khoảng 5 câu): Nhớ khoanh tròn trên đề phần cùng nghĩa, trái nghĩa. Không vội vàng tìm ngay từ trái nghĩa, cùng nghĩa với từ cho sẵn in đậm mà phải đọc cả câu đoán nghĩa theo ngữ cảnh.

Phần chọn lỗi sai (4-5 câu): Nhìn kỹ các thông tin trước và sau từ được gạch dưới. Nếu vẫn chưa xác định được thì phải đọc kỹ cả câu kiểm tra các cấu trúc...

Phần đọc hiểu (2 bài, 15-20 câu): TS có học lực trung bình đừng sợ khi thấy bài đọc dài, nhiều chữ, cố gắng tìm từ khóa của mỗi câu hỏi dò tìm trên bài đọc, khoanh vùng lại 1, 2 dòng tìm ý chính. Hãy làm theo thứ tự câu hỏi thay vì lựa chọn câu hỏi và đáp án.

Phần viết lại câu (5 câu): Chú ý các mẫu câu cơ bản, đảo ngữ, bị động.

Phần viết đoạn văn: Luôn nhớ là phải có câu chủ đề, viết mạch lạc, sử dụng từ nối, kết hợp các điểm ngữ pháp đã học. Đặc biệt, không viết tắt.

Lại Thị Thắm (Giáo viên Trường THPT Nhân Việt, TP HCM)

Lịch sử: Cẩn thận kẻo lạc đề

Đề tự luận môn lịch sử, yếu tố quan trọng số 1 là TS phải đọc kỹ để hiểu một cách chính xác. Vì hiểu đề thi là đã giúp nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời. Nếu chưa nhận ra vấn đề trọng tâm mấu chốt cần trả lời thì sẽ dễ dẫn đến lạc đề.

Cách sử dụng hợp lý quỹ thời gian này có thể theo phương án sau: Dành 10 phút để phân tích đề (xác định yêu cầu, phạm vi và trọng tâm của các câu hỏi). Dành 20 phút để làm đề cương ra giấy nháp. Dành 130 phút để thể hiện đề cương thành bài viết. Dành 20 phút để đọc lại, sửa chữa lỗi văn phạm và sai sót về nội dung.

Khi tiếp xúc với đề thi, các em phải đọc thật kỹ đề, hiểu yêu cầu cụ thể của đề để tránh tình trạng lạc đề, bảo đảm bài làm cân đối, đầy đủ, tránh tình trạng lúc đầu làm quá nhiều chi tiết không cần thiết, càng về sau càng ngắn vì không còn đủ thời gian.

ThS Nguyễn Văn Tiến (Trường ĐH Thủ Dầu Một)

Theo Huy Lân - Đặng Trinh
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Giáo dục