Nhà vô địch Olympia: Chưa từng thi học sinh giỏi

Ngày 05/08/2014 00:00 AM (GMT+7)

“Trở thành nhà vô địch Olympia với em như một giấc mơ” - Nguyễn Trọng Nhân hạnh phúc đến rơi nước mắt khi giành vòng nguyệt quế Đường lên đỉnh Olympia năm 2014

Xuất sắc giành tới 260 điểm, Nguyễn Trọng Nhân - học sinh Trường THPT chuyên Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang - đã trở thành nhà vô địch cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia lần thứ 14.

Tự soạn bảng 4.000 câu hỏi

Vượt qua 3 ứng cử viên của Đường lên đỉnh Olympia năm nay là Nguyễn Ngọc Anh (Trường THPT Cầu Xe, Tứ Kỳ, Hải Dương, thủ khoa kép của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội và Y Hải Phòng), Vũ Tiến Đạt (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, tỉnh Điện Biên) và Nguyễn Hoàng Bách (Trường Phổ thông Năng khiếu - ĐHQG TP HCM), Nguyễn Trọng Nhân đã trở thành người về đích đầu tiên.

Khởi động với điểm số rất cao, 70 điểm, Trọng Nhân đã khiến khán giả vỡ òa khi trả lời đúng ô chữ vượt chướng ngại vật là Biển Đông, trong khi đối thủ của em, Tiến Đạt lại cho rằng từ khóa ở đây là Trường Sa. Tuy không thành công lắm với phần tăng tốc nhưng Trọng Nhân vẫn kết thúc phần thi này với 220 điểm. Và cuối cùng, ở phần thi về đích, “chàng trai bí ẩn” chuyên lội ngược dòng của chương trình đã an toàn chọn gói câu hỏi 40 điểm. Tất cả các câu hỏi đều được Trọng Nhân xử lý nhanh chóng không chút sai sót, thí sinh này kết thúc phần thi của mình với 260 điểm, hơn thí sinh về nhì là Hoàng Bách 20 điểm.

Chia sẻ bí quyết thành công của mình, Trọng Nhân cho hay dù học ở trường chuyên nhưng lớp của Nhân lại không phải là lớp chuyên. Nhà vô địch chưa từng tham gia một kỳ thi học sinh giỏi nào, thậm chí ở cấp trường nên cũng không sở hữu thành tích học tập “khủng” như nhiều nhà leo núi khác.

Nhà vô địch Olympia: Chưa từng thi học sinh giỏi - 1

Nguyễn Trọng Nhân trong giây phút nhận vòng nguyệt quế

Thế nhưng, việc không lọt được vào lớp chuyên của trường, với Nhân, không hẳn là áp lực mà lại là một lợi thế. Nhân luôn tự nhủ mình phải cố gắng hơn. Nhà vô địch học đều các môn, đặc biệt là tiếng Anh.

Trước trận chung kết quan trọng, Nhân đã tự mình lập bảng câu hỏi 4.000 câu từ sách giáo khoa và mạng internet để ôn lại kiến thức của mình. Giành thắng lợi nhờ mở được từ khóa ở vòng thi vượt chướng ngại vật, thế nhưng ít người biết trong những vòng thi trước, điểm yếu của Trọng Nhân chính là phần thi này. Để tăng cường kiến thức, sau kỳ thi  ĐH, Nhân lên mạng đọc thêm nhiều tin tức, kiến thức để bổ sung những phần thiếu của mình.

Thi ĐH đạt 24,5 điểm

Người đồng hành với Nguyễn Trọng Nhân ở trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia, cô Trương Thị Hồng Nhung, Phó Bí thư Đoàn Trường THPT chuyên Tiền Giang, cho biết ở lớp, Trọng Nhân là người ít nói, điềm đạm. Tuy nhiên, khi em đã đặt ra mục tiêu gì thì luôn quyết tâm thực hiện tốt nhất. Nhà vô địch cũng được cô giáo nhận xét là rất ham học hỏi; em luôn ghi chép những điều hay, lạ vào cuốn sổ để bổ sung những kiến thức nền cho mình.

Nói thêm về phương pháp học tập của bản thân, Trọng Nhân cho hay trên lớp, em luôn tập trung nghe giảng, cố gắng làm bài tập thầy cô giao ngay. Về nhà, buổi tối Nhân thường đi ngủ để đầu óc được thoải mái, sau đó bắt đầu giờ học từ 21 giờ đến khoảng 0 giờ. Trọng Nhân chia sẻ đây chính là thời gian em thấy mình học “vào” nhất vì xung quanh khá yên tĩnh, dễ tập trung cho bài học. Ngoài giờ học, Nhân còn có niềm đam mê với bóng đá và thú vui nuôi cá cảnh.

Vừa qua, Trọng Nhân chỉ thi duy nhất vào ngành công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TP HCM). Kết quả khá cao (24,5 điểm) đã giúp em hết sức thoải mái khi bước vào cuộc chơi này. Dự định tiếp theo của Nhân sẽ là học tiếng Anh thật tốt để sớm lên đường du học Úc, đúng như ước mơ của Nhân 8 năm trước, khi quyết tâm trở thành nhà vô địch Olympia. Lĩnh vực Nhân theo đuổi vẫn sẽ là ngành công nghệ thông tin bởi ước mơ của em là trở thành một chuyên gia công nghệ.

Biến ước mơ thành sự thật

Ngay khi Trọng Nhân đoạt được vòng nguyệt quế, chúng tôi đã gặp ba của em, anh Nguyễn Thanh Tuyến và được biết Nhân là con duy nhất của vợ chồng anh. Vì gia đình kinh doanh ngành vận tải nên bận rộn; mọi việc học hành, ăn uống, sinh hoạt Nhân đều tự lên thời khóa biểu. “Tính của Nhân là khi có việc gì không hiểu là luôn tìm tòi trên sách vở, vi tính… cho đến khi có đáp án mới thôi” - anh Tuyến cho biết.

Anh Tuyến kể lại có lần Nhân dự thi giải sáng tạo thanh thiếu niên và đạt giải “quản lý trang web đơn giản” do ngành giáo dục tỉnh tổ chức. Tuy nhiên, Nhân cũng không chia sẻ với cha mẹ mà bằng khen của Nhân được gia đình phát hiện để chung với chồng sách vở.

Ngay lúc lên lớp 6, Nhân xin anh Tuyến cho mua chiếc máy vi tính và thường xuyên lên mạng. Để giám sát Nhân, gia đình bí mật lắp máy camera giám sát nhưng không thấy Nhân chơi game mà những lần lên mạng chỉ tìm kiếm kiến thức phục vụ học tập.

“Trước đây khi xem một chương trình Đường lên đỉnh Olympia, Nhân có tâm sự với dì Út là con sẽ chinh phục được chương trình này nếu có điều kiện được đi thi. Không ngờ bây giờ lời con tôi nói là sự thật”- anh Tuyến vui mừng nói. 

Theo Yến Anh
Nguồn: Người lao động

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Tin hot