Mới đây, NXB Giáo dục lại gây “sốc” cho nhiều độc giả khi ra một cuốn sách lịch sử có từ “Cởi truồng”… Nghe có vẻ như truyện hài nhưng khi đọc những câu chữ trong cuốn sách ấy, nhiều người đã thốt lên rằng: “Có đúng là cuốn sách ấy viết dành cho học sinh không?"
Giặc “cởi” để đánh Trưng Nữ Vương?
Lần theo những thông tin mà nhiều phụ huynh cung cấp, nhóm phóng viên chúng tôi đã tiếp cận được cuốn sách gây “sốc” kia. Cuốn sách đang là tâm điểm của nhiều cuộc tranh cãi ấy có tên là “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo dục Việt Nam phát hành năm 2012 với giá 7.200 đồng.
Phía bên trên cuốn sách có ghi “Cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK Lịch sử hiện hành”, phỏng theo tác phẩm dự thi của Nguyễn Thị Thu Hương, tranh của hoạ sỹ Nguyễn Đông Hải. Cuốn sách truyện tranh lịch sử này được nhiều phụ huynh chọn mua cho con mình với mục đích để các em nhỏ hiểu hơn về lịch sử dân tộc Việt Nam, về những trận đánh có những vị anh hùng được ghi danh trong lịch sử dân tộc.
Bìa sách truyện tranh “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh”.
Anh Nguyễn Ngọc Quỳnh (Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: “Tôi có con đang học lớp 5 và cháu cũng rất thích đọc truyện tranh lịch sử nên tôi hay mua về cho cháu đọc, vừa là giải trí, vừa là nâng cao kiến thức về lịch sử, văn hoá. Tôi có mua cuốn truyện lịch sử “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo dục phát hành. Tuy nhiên, mua được một thời gian, một lần, trong lúc đang ăn cơm, cháu có hỏi tôi: “Bố ơi, giặc Mã Viện “cởi truồng” để đánh Trưng Nữ Vương ạ?…” khiến hai vợ chồng tôi tá hoả, và kiểm tra lại cuốn truyện này, và sự thật đúng là như thế…”.
Chúng tôi lật giở trang 30 và 31 của cuốn truyện lịch sử “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh” do NXB Giáo dục phát hành thì thấy sách có ghi: “Thấy khí thế Hai Bà Trưng quật cường, khó bề thắng, Mã Viện liền hạ kế bắt quân sỹ cởi truồng mà giao chiến. Các đội nữ binh của hai Bà trông thấy rất xấu hổ, ngượng ngùng quay đi, nhuệ khí vì thế mà suy giảm rất nhiều. Lợi dụng tình hình đó, Mã Viện thúc quân xông lên làm cho quân Hai Bà phải thua. Trưng Vương buộc phải rút quân về giữ Cấm Khê (nay thuộc Vĩnh Phúc). Lực lượng quân Mã Viện quá lớn, lại giở trò quỷ quyệt khiến các đội nữ binh phải bỏ chạy. Mã Viện thừa thế xua quân truy đuổi ráo riết…”.
Thậm chí, trong hình vẽ ở trang 30 của truyện tranh này, còn có hình ảnh quân của Mã Viện hùng hổ giơ gươm kiếm lên nhưng phần ở dưới thì… “cởi truồng” khiến cho các binh sỹ nữ của Hai Bà Trưng phải che mặt vì xấu hổ, những hình ảnh này khiến cho nhiều độc giả bất ngờ.
Trang 30 – 31 có nội dung phản cảm.
Chính nhóm phóng viên chúng tôi cũng cảm thấy sửng sốt khi được đọc những câu từ nhạy cảm kia, bởi truyện tranh có ghi là biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK Lịch sử hiện hành nhưng trong trí nhớ của chúng tôi và một số học sinh vừa học xong phổ thông thì trong chương trình Lịch Sử đã học không hề có chi tiết nào ghi là quân Mã Viện đã từng… “cởi truồng” để đánh Hai Bà Trưng.
Vì thế nhiều phụ huynh đã rất hoang mang với hai câu hỏi: “Có hay không chuyên “cởi đồ” trong lịch sử, nếu có thì được ghi ở tài liệu nào và nếu không thì phải chăng NXB Giáo dục đã bịa đặt? Hơn nữa, nếu chuyện “cởi” là có thật trong lịch sử thì có nên đưa vào truyện dành cho các em học sinh cấp 1 và 2…”.
Làm sách như thế là… bịa đặt
Cô Lê Nga (Giáo viên dạy Sử, trường PTTH Ngô Thì Nhậm, Hà Nội) tâm sự: “Tôi từng tốt nghiệp Khoa Lịch sử, trường Đại học Sư phạm Hà Nội và có hai năm học cao học chuyên ngành Lịch sử tại đây, nhưng tôi cũng chưa từng được đọc ở tài liệu nào có thông tin là quân Mã Viện từng “cởi truồng” để áp đảo quân của Hai Bà Trưng. Hơn nữa tôi thấy rằng, việc xuất bản truyện tranh dành cho các em học sinh phổ thông như vậy là chưa hợp lý. Làm sách Lịch sử cho học sinh như vậy là không văn hoá…”.
Cô Lê Nga chia sẻ thêm, truyện tranh lịch sử này là sự hưởng ứng cuộc thi biên soạn truyện tranh lịch sử theo SGK, do NXB Giáo dục VN phối hợp với Hội Nhà văn VN và Hội Khoa học lịch sử tổ chức. Điều đáng nói là cả ba đơn vị cùng phối hợp thực hiện, mà để sai sót nội dung đến mức nghiêm trọng như vậy, thử hỏi, khi học Sử bằng tranh, các học sinh sẽ nghĩ gì khi hình ảnh Hai Bà Trưng oai phong, hùng dũng, lẫm liệt trong trí tưởng tượng lại được tái hiện một cách dung tục như vậy?
Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, Giáo sư Sử học Phan Huy Lê cho biết: “Tất cả các sách nghiên cứu về chính sử từ trước đến nay chưa từng có chi tiết nào như truyện tranh Lịch sử của NXB Giáo dục phản ánh. Có chăng chỉ là những câu chuyện truyền miệng nhau thôi, nhưng câu chuyện ấy lại nói về Bà Triệu chứ không phải Hai Bà Trưng và không được sử sách ghi chép. Chi tiết phản cảm kia không có cơ sở lịch sử nào để NXB Giáo dục đưa vào sách, càng không nên đưa vào sách cho các em học sinh đọc…”.
Giáo sư Sử học Phan Huy Lê.
Cũng trong truyện tranh này, chúng tôi còn nhìn thấy những bức tranh có cảnh Hai Bà ra trận trên lưng voi với chiếc... yếm đào, váy đụp, đi chân đất! Trưng Trắc khoác chiếc bào màu đỏ cho khác với Trưng Nhị. Chưa hết, tóc Hai Bà đều búi tó chỉ gọn lỏn một chấm đen phía trước, hai bên gần như chẳng có sợi tóc nào, sau và trước cũng gần như... trọc lốc, nên thoạt nhìn, có người còn lầm tưởng là... đàn ông, hoặc đại diện cho một bộ lạc thượng cổ nào đó ở Trung Quốc! Ở nhà cũng vậy, Hai Bà lúc tập võ hay bắn cung cũng đều vận chiếc yếm đào hở lưng, váy xòe, đi chân không, mặt mày dữ tợn.
Liệu tác giả có nghiên cứu trang phục của thời Hai Bà, từ áo bào, kiểu tóc, giày dép cho đến vũ khí và cả trang phục của binh lính hay căn cứ vào đâu để có thể đưa những hình ảnh kỳ dị như vậy?
Giáo sư – Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Lâm Biền cũng cho hay: “Khi làm sách giáo khoa thì không nên đưa những chi tiết “nhạy cảm” như vậy vào, vì nó không phù hợp với học sinh. Các em còn nhỏ, nên sẽ chưa phân biệt được tốt xấu, dễ nhiễm cái chưa văn hóa từ sách vở. Có thế, đó chỉ là nhưng lời đồn thổi trong dân gian, nhưng chính sử không bao giờ ghi. Mã Viện là kẻ thù của ta, nhưng kẻ thù thô tục như vậy thì không đúng với tính chất của Nho giáo, như thế là bịa đặt. Trong chương trình dạy môn Lịch sử ở phổ thông cũng chưa từng có chi tiết nào là “cởi truồng” trong trận chiến Mã Viện – Hai Bà Trưng. Làm sách Lịch sử như vậy thật là có lỗi với tiền nhân…”.
Để rộng đường dư luận, chúng tôi đã liên lạc với NXB Giáo dục – đơn vị phát hành truyện tranh Lịch Sử “Trưng Nữ Vương khởi nghĩa Mê Linh”, ông Nguyễn Tùng – Phó Giám đốc NXB Giáo dục cho biết: “Khi có thông tin từ phía báo chí hỏi, thì chúng tôi tiếp nhận thông tin, nhưng để trả lời câu hỏi này thì tôi cần chờ ý kiến từ Ban giám đốc, bên NXB có đầu mối là Ban Thông tin tuyên truyền, chị có thể liên lạc qua Ban này để có câu trả lời!? Ai trả lời vấn đề này thì cũng cần sự phân công của lãnh đạo…”.
Khi phóng viên hỏi thêm: “Vậy tất cả sách của NXB Giáo dục trước khi được phát hành có được thẩm định nội dung không?” ông Tùng trả lời: “Nếu là sách của NXB thì đương nhiên phải thẩm định. Và chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm là vì sao cuốn sách ấy lại có mặt trên thị trường…”.
Đại diện Ban Truyền thông, NXB Giáo dục cho biết: “Sách của NXB rất nhiều, chúng tôi cũng phải kiểm trả lại xem truyện tranh ấy xuất bản từ đâu. Nội dung sách phát hành bên NXB có nhiều bộ phận làm, phải xác định được bộ phận nào làm để yêu cầu trả lời, nên chúng tôi sẽ tiếp nhận thông tin và sẽ có trả lời với báo chí trong thời gian sớm nhất…”.