Việc rửa rau đúng cách, ngâm nước muối trước khi nấu là tốt, tuy nhiên nhiều người lại đang làm không đúng cách, làm giảm chất lượng của thực phẩm.
Rửa rau rất quan trọng, cần phải đúng quy trình
Rau củ quả có vai trò rất lớn đối với cơ thể, ngoài việc cung cấp các vitamin cần thiết, chất xơ trong rau củ quả giúp ích rất tốt đối với hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, việc chọn lựa, sơ chế rau củ quả thế nào cho đúng cách, không mất dưỡng chất không phải ai cũng biết.
Bác sĩ Đoàn Thị Anh Đào, Phó khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trước khi chế biến thành món ăn, các loại rau củ quả phải trải qua quá trình sơ chế. Việc sơ chế giúp loại bỏ tạp chất (bụi bẩn), loại bỏ những bộ phận hỏng, thậm chí là ký sinh trùng (giun sán) nếu có...
Để an toàn nên rửa rau dưới vòi nước sạch, dụng cụ rửa rau cũng phải sạch sẽ. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Đào khuyến cáo, để rửa rau củ sạch, hạn chế mất đi các vi chất có trong rau củ cần phải làm đúng quy trình, theo từng bước. Theo đó, trước khi rửa mọi người cần loại bỏ các phần bị hỏng, vàng, héo úa. Một vấn đề cần chú ý đó là nguồn nước rửa rau phải đảm bảo sạch sẽ, tuyệt đối không tận dụng nước đã qua sử dụng để rửa rau củ.
Dụng cụ rửa rau, rổ đựng và bàn tay phải sạch, trường hợp tay bẩn, chậu rửa rau và rổ bẩn, mốc thì rau cũng dễ bị nhiễm khuẩn. Quá trình rửa được khuyến cáo tốt nhất vẫn là rửa rau nhiều lần dưới vòi nước sạch.
Ngâm rau trong nước muối tốt, nhưng nhiều người đang làm sai
Một vấn đề mà người Việt thường áp dụng đó là việc sau khi rửa xong thường ngâm với nước muối trước khi ăn (với rau sống) hoặc chế biến. Bác sĩ Anh Đào cho biết việc ngâm nước muối được khuyến cáo nên thực hiện, tuy nhiên nhiều người vẫn thường làm theo kinh nghiệm, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng rau, thậm chí ảnh hưởng cả sức khỏe.
Theo bác sĩ Đào, nhiều người ngâm rau củ trong nước muối rất cảm tính, làm theo thói quen… Điển hình là việc bốc cả nắm muối cho vào chậu nhỏ ít nước rồi ngâm rau, vì nghĩ rằng càng đậm đặc càng tốt. Đây là một sai lầm rất nhiều người đang gặp phải vô tình khiến lượng muối đưa vào cơ thể nhiều hơn, mà việc ăn mặn là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh lý không lây nhiễm như huyết áp, tim mạch,...
Việc ngâm rau trong nước muối xong không rửa lại bằng nước sạch là một sai lầm. (Ảnh minh họa)
Để ngâm rau trong nước muối đạt được giá trị tốt nhất, bác sĩ Đào khuyên chỉ ngâm với nước muối có nồng độ 5%. “Gia đình tôi ngâm muối thường ngâm nhiều nước ví dụ 10 lít nước chỉ ngâm với nửa thìa ca phê muối (5gram), không bao giờ ngâm đậm đặc”, BS Đào hướng dẫn.
Ngoài ra, việc ngâm rau trong nước muối tuyệt đối không ngâm lâu, sau ngâm khoảng 5-10 phút cần vớt rau ra ngay để hạn chế việc muối ngấm vào rau quá nhiều.
“Đa số mọi người ngâm rau trong nước muối xong cho vào nấu hoặc ăn sống luôn, khi ăn như vậy thường cảm nhận được có vị mặn của muối. Đây là thói quen mọi người cần thay đổi, sau khi ngâm rau trong nước muối cần rửa lại bằng nước sạch.
Việc nhiều người ngâm nước muối xong không rửa lại rau vô tình góp phần đưa thêm muối vào cơ thể. Bản thân muối có tính chất sát khuẩn, sát trùng giúp làm sạch rau. Nhưng do đặc tính của muối, nếu ngâm quá lâu sẽ có sự thẩm thấu vào rau củ quả, có thể làm tăng độ héo của các loại rau lá, làm mất đi vi chất có trong rau.
Vì thế rửa lại rau sau khi ngâm nước muối sẽ giảm đi nồng độ muối thẩm thấu vào trong rau củ quả. Điều này đảm bảo được rau củ quả không bị thẩm thấu một lượng muối quá cao. Đặc biệt với các loại cây có mô lỏng lẻo như dọc mùng, quả roi, nấm rất dễ thẩm thấu muối, không cần thiết phải ngâm muối”, BS Anh Đào chia sẻ.
Có nên dùng chanh, giấm để ngâm rau củ?
Nước chanh, giấm không giúp làm loại bỏ tồn dư hóa chất. (Ảnh minh họa)
Ngoài vấn đề ngâm rau củ bằng nước muối, một số bà nội trợ chia sẻ kinh nghiệm về việc ngâm rau với nước chanh, nước giấm có thể làm sạch được tồn dư hóa chất. Theo như chia sẻ, việc ngâm chanh hoặc giấm sẽ tạo ra phản ứng làm trung hòa các độc tố hóa học có trong rau.
Về vấn đề này, BS Anh Đào cho biết chanh hoặc giấm có tính axit có tác dụng khử mùi tanh với các thực phẩm tươi sống có nguồn gốc từ động vật, đặc biệt là các loại cá.
Tuy nhiên, với rau củ quả thường rất ít khi dùng chanh và giấm để ngâm rửa. "Thường theo thói quen mọi người sẽ dùng muối để ngâm rau, vì muối có tính sát khuẩn cao, lại không tốn kém bằng việc dùng nước chanh.
Còn với giấm, nếu dùng với lượng vừa đủ thì không gây hại nhưng để pha được lượng giấm theo tỷ lệ chuẩn để ngâm rau củ không phải dễ làm. Quan niệm dùng chanh, giấm để loại bỏ tồn dư hóa chất không mang lại nhiều lợi ích vì axit trong chanh và giấm khó có thể hòa tan được nhóm chất hữu cơ (thuốc bảo vệ thực vật) có trong rau củ quả.
Bản chất của việc ngâm, rửa rau là nhằm làm sạch, còn rất khó để loại bỏ được tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Khi nuôi trồng, nếu sử dụng các loại hóa chất thì nó sẽ ngấm từ từ trong quá trình phát triển nên việc loại bỏ là không đơn giản.
Đối với chất bảo vệ thực vật, cần phải có thời gian nhất định để phân giải hết đi các độc tố. Trung bình thời gian thu hoạch an toàn sau phun thuốc là từ 15-20 ngày”, BS Anh Đào chia sẻ.