Dù sán lợn ở thịt hay rau, chỉ cần làm việc này trong 2 phút là tiêu diệt hoàn toàn

Ngày 20/03/2019 19:00 PM (GMT+7)

Theo các chuyên gia, phòng bệnh sán lợn trước hết phải bắt đầu từ thói quen ăn uống trong sinh hoạt hàng ngày.

Dương tính với sán lợn khi nào cần đến viện ngay

Trong những ngày gần đây, thông tin hàng nghìn trẻ thuộc các xã ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đưa con xuống Hà Nội để làm xét nghiệm vì nghi mắc sán lợn khiến không ít người hoang mang.

Kết quả xét nghiệm cho đến lúc này đã phát hiện hàng trăm cháu dương tính với sán lợn. Tuy nhiên, đa số trẻ có kết quả dương tính đều được kê đơn thuốc về nhà uống, không phải điều trị ngoại trú.

BS Trần Huy Thọ - Trưởng khoa Khám bệnh và điều trị chuyên ngành (Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn Trùng TƯ) cho biết, sán lợn chia làm 2 loại là nhiễm sán trưởng thành hoặc ấu trùng sán. Trong đó, nhiễm sán trưởng thành chủ yếu do ăn thịt lợn nhiễm sán (lợn gạo) chưa được nấu chín.

Còn nhiễm trứng sán (ấu trùng sán) thường là do ăn rau sống, uống nước lã có nhiễm trứng sán. Khi vào cơ thể, ấu trùng sán này có thể đi vào máu và di chuyển qua các cơ quan như da, não…

Dù sán lợn ở thịt hay rau, chỉ cần làm việc này trong 2 phút là tiêu diệt hoàn toàn - 1

BS Trần Huy Thọ đang thăm khám cho một trẻ ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh).

BS Thọ cho rằng, nhiễm sán lợn không phải bệnh nguy hiểm, không cấp tính, điều trị dễ dàng. Do đó, việc người dân xếp hàng đội mưa từ 3-4 giờ sáng để làm xét nghiệm là không cần thiết và sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của cả trẻ và phụ huynh.

Theo BS Thọ, chỉ có những trường hợp trẻ bị rối loạn tiêu hóa, khi đi ngoài nhìn thấy đốt sán trong phân hoặc đốt sán bò ra ngoài hậu môn mới cần đi xét nghiệm gấp. Còn những trường hợp nghi ngờ nhưng không có triệu chứng gì đặc hiệu, cha mẹ có thể theo dõi phân của con trong 2,5 – 3 tháng.

Còn đối với những trường hợp bị nhiễm ấu trùng sán và lo ngại sán lên não làm tổ, hoặc đi vào các cơ… BS Thọ cho rằng, những trường hợp này thường có các triệu chứng đi kèm như động kinh, nhìn thấy u nổi dưới da, đi ngoài thấy đốt sán, đau đầu, co giật. Thậm chí khi phát hiện ra thì việc điều trị có thể khỏi hoàn toàn và không quá khó khăn.

Tiêu diệt sán lợn rất đơn giản

Trước sự hoang mang, lo lắng của người dân về việc nhiều trẻ nhiễm sán lợn ở huyện Thuận Thành (Bắc Ninh), PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, hiện điều trị bệnh sán lợn không khó khăn, hoàn toàn có thể điều trị triệt để vì có sẵn thuốc cũng như phác đồ của Bộ Y tế. Tuy nhiên, khi điều trị cần phân biệt bệnh ấu trùng sán lợn hay bệnh sán lợn trưởng thành để điều trị.

Theo đó, nếu nhiễm sán trưởng thành chỉ cần dùng thuốc tẩy sán praziquantel 15-20mg/kg cân nặng, uống liều duy nhất. Đối với nhiễm ấu trùng sán lợn (bị ở não, dưới da), bác sĩ có thể sử dụng Praziquantel 30mg/kg/ngày x 15 ngày x 2-3 đợt (mỗi đợt cách nhau 10-20 ngày).

Dù sán lợn ở thịt hay rau, chỉ cần làm việc này trong 2 phút là tiêu diệt hoàn toàn - 2

Kể cả ấu trùng sán có trong rau nhưng được đun sôi ở 100 độ C thì sán cũng bị tiêu diệt.

Về vấn đề phòng bệnh, PGS Nguyễn Thanh Phong cho rằng cơ bản vẫn là do ý thức người dân trong vấn đề ăn uống, sinh hoạt hàng ngày. Đó là phải ăn chín, uống sôi, giữ vệ sinh sạch sẽ. Tuyệt đối không ăn thịt, nội tạng lợn tái, sống. Không ăn các loại rau sống, rau thủy sinh, không uống nước lã…

Ông Phong cũng cho rằng, trong trường hợp thực phẩm từ thịt nhiễm sán trưởng thành hoặc rau nhiễm ấu trùng sán, nhưng khi chế biến nấu ở nhiệt độ 75-80 độ C thì sán đã bị tiêu diệt. Còn nếu nấu sôi ở 100 độ C, khoảng thời gian tiêu diệt sán rút ngắn chỉ còn 2 phút. Do đó, ngay cả rau, thịt nhiễm sán nhưng nếu được nấu chín, người dân không lo mắc sán.

Để chủ động phòng bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện ăn chín, uống chín, ăn các thức ăn đã được nấu chín kỹ, chế biến hợp vệ sinh.

- Không sử dụng thịt lợn ốm để chế biến thực phẩm. Không ăn thịt lợn tái, chưa nấu chín, nem chua sống, (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống không đảm bảo vệ sinh (nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán lợn).

- Quản lý phân tươi, nhất là ở những vùng có người nhiễm sán dây lợn trưởng thành. Sử dụng hố xí hợp vệ sinh. Không nuôi lợn thả rông.

- Người có sán trưởng thành trong ruột phải được điều trị, không phóng uế bừa bãi

Bắc Ninh: Phụ huynh mệt mỏi đưa trẻ đến trường lấy máu xét nghiệm vì lo nhiễm sán lợn
Trong sáng nay, hàng nghìn học sinh mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành, Bắc Ninh đã được phụ huynh đưa đến các trường mầm non để lấy máu xét...
Lê Phương
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Sán lợn