Am hiểu rành rọt các loại mỹ phẩm, thế nhưng có bao giờ các nàng để ý tới những thành phần có chứa trong đó chưa? Những thông tin về loại chất "có mặt" trong rất nhiều các sản phẩm chăm sóc da hàng hiệu dưới đây chắc chắn sẽ khiến bạn bất ngờ đấy!
Nói đến mỹ phẩm, chắc có lẽ rất nhiều chị em sẽ tuôn một tràng các loại a,b,c… rồi review đầy đủ chẳng khác nào các chuyên gia. Thế nhưng có một điều mà không phải cô gái nào cũng để ý, đó là những thành phần có trong các loại mỹ phẩm mà bản thân đang quan tâm và hơn nữa là đang sử dụng. Bên cạnh những thành phần có tác dụng cải thiện làn da, nhiều loại mỹ phẩm cũng chứa cả một số thành phần có thể gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Và tất nhiên, các loại mỹ phẩm này luôn được nhiều chuyên gia y tế khuyến cáo không nên sử dụng, thậm chí chúng còn bị cấm lưu thông và bày bán tại một số quốc gia.
Cách đây 3 năm, một loại chất bảo quản có tên Parabens được sử dụng để làm ra nhiều loại mỹ phẩm bỗng nhiên được các chuyên gia y tế liên tục nhắc tới bởi những tác dụng xấu mà nó có thể gây ra cho sức khoẻ người sử dụng. Sự việc các loại mỹ phẩm chứa Parabens đồng loạt bị cấm lưu hành tại nhiều quốc gia đã khiến không ít các tín đồ mê làm đẹp hoang mang tột độ. Thế nhưng Parabens cụ thể là gì, Parabens có thực sự nguy hại đến thế? Để trả lời cho những câu hỏi này, chuyên mục Làm đẹp đã có một cuộc thảo luận vô cùng thú vị cùng chuyên gia Trần Bảo về những vấn đề xung quanh Parabens.
Thời điểm luật định về Parabens được ban hành, đồng thời rất nhiều các loại mỹ phẩm danh tiếng bị thu hồi tại Việt Nam, chính chuyên gia Trần Bảo đã nhận được vô vàn những câu hỏi xoay quanh các loại mỹ phẩm chứa Parabens. Và trái với suy nghĩ của nhiều người, theo chuyên gia Trần Bảo, Parabens thực sự cũng chẳng hại gì, mà quan trọng hơn, nó giúp chúng ta tránh được nguy cơ phá huỷ làn da với những sản phẩm đã hư hỏng.
Hãy nhớ rằng, Parabens là loại chất không chỉ có một mà hơn nữa là rất nhiều. Quan trọng hơn cả, chỉ mội vài trong số chúng bị khối châu Âu coi là có vấn đề, bao gồm: Isopropylparaben, Isobutylparaben, Benzylparaben, Phenylparaben và Pentylparaben. Và tất nhiên, những nhóm còn lại được cho là an toàn để sử dụng cho việc bảo quản mỹ phẩm. Đặc biệt, khi dùng từ 2-3 loại Parabens có gốc chức khác 5 loại được đề cập trên, tính bảo quản cho sản phẩm sẽ tăng lên nhiều lần trong khi chúng chỉ chiếm lượng phần trăm không đáng kể (0.03-1%).
Một điều thú vị nữa mà có lẽ không phải ai cũng biết, ấy là theo chuyên gia Trần Bảo, Parabens còn có nguồn gốc từ thực vật. Ví dụ như tên khoa học của acid trái cây là PHBA ( P-Hydroxy-Benzoic Acid) – khá phổ biến trong các loại trái cây họ berries. Khi hấp thu vào cơ thể, Parabens nhanh chóng được chuyển thành PHBa tự nhiên và bị đào thải. Do đó, không phải loại Parabens nào cũng xấu và có thể gây hại cho sức khoẻ con người.
Thế giới mỹ phẩm khá thú vị. Bởi lẽ một vài thành phần bị cho là không ổn ở quốc gia này lại có thể được sử dụng rộng rãi tại quốc gia khác. Ví dụ như Benzoyl Peroxide được biết đến là thành phần trị mụn khá hiệu quả. Thế nhưng nếu ở Mỹ, các sản phẩm chứa loại chất này được bày bán rộng rãi thì ở Hàn Quốc, chúng lại nằm ở nhóm thuốc và không được mua khi chưa có đơn thuốc của bác sĩ.
Tương tự như vậy, Hydroquinone, loại sản phẩm được coi như một tiêu chuẩn vàng giúp dưỡng trắng da, đã từng khiến các cô gái da màu mê mẩn. Theo chuyên gia Trần Bảo, loại chất này đã bị loại khỏi danh sách mỹ phẩm thông thường và được liệt vào dạng thuốc từ lâu. Thế nhưng, người ta lại có thể dễ dàng tìm mua chúng ở Mỹ nếu nồng độ từ 2% trở xuống hoặc một vài nhãn đặc biệt có nồng độ 4% tuy nhiên cần kê toa.
Giống hệt như những câu chuyện trên, Parabens cũng có "số phận" tương tự. Chắc có lẽ bạn sẽ rất bất ngờ khi biết được rằng, các loại Parabens không được nằm trong sản phẩm nhập khẩu tại Việt Nam vẫn có thể lưu hành thoải mái tại Mỹ nếu chúng được FDA (Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ) chấp thuận.
Câu trả lời chắc chắn là nên. Theo chuyên gia Trần Bảo, anh từng cho rằng nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa Parabens vì chúng không đáng tiền, bởi lẽ Parabens thì rẻ, mà kem dưỡng hàng trăm đô thì đáng ra phải chứa các chiết xuất "thần thánh" nào đó với tác dụng dưỡng da tuyệt vời "ăn đứt" các loại khác có trên thị trường. Thế nhưng sự thật đôi khi lại không hoàn toàn như vậy, khi mà những sản phẩm đắt đỏ phần lớn thường là do gồng gánh chi phí tiếp thị, rồi giá trị thương hiệu,... Và tất nhiên, không phải cứ mỹ phẩm đắt nhất, đồng thời không chứa Parabens mới là thứ tốt nhất cho bạn. Quan trọng hơn cả, giai đoạn đó da bạn đang thực sự cần gì mà thôi. Một chút Parabens để sản phẩm đạt hiệu quả bảo quản và phát huy hết tác dụng thì rõ ràng, sản phẩm đó vẫn đáng dùng đấy chứ nhỉ?
Với những thông tin vô cùng hữu ích trên đây, hy vọng rằng các nàng đã có được cho mình những kiến thức cơ bản trong việc lựa chọn và sử dụng các sản phẩm chăm sóc làn da.
Làm đẹp thông thái là tuyến bài chuyên mục Làm đẹp hợp tác cùng các chuyên gia với vốn kiến thức sâu rộng trong việc dùng mỹ phẩm/ dược mỹ phẩm để cải thiện tình trạng làn da. Hãy cùng đón đọc các bài viết Làm đẹp thông thái vào 6 giờ sáng - Chủ nhật hàng tuần. Chúc các Eva luôn xinh đẹp, và hãy đẹp thật THÔNG THÁI! |