Trở nên đẹp hơn là mong muốn dễ hiểu của tất cả mọi người, nhưng ở Hàn Quốc điều này trở thành áp lực, một thứ gông cùm trói buộc.
Hàn Quốc: Nam, nữ, già, trẻ, lớn, bé coi phẫu thuật thẩm mỹ là "nghĩa vụ"
Trước hết cần phần biệt phẫu thuật thẩm mỹ và phẫu thuật tạo hình. Phẫu thuật tạo hình (plastic surgery) khác so với phẫu thuật thẩm mỹ (cosmetic surgery hay asthetic surgery). Tạo hình chú trọng vào việc tái tạo một số bộ phận bị tổn thương do chấn thương hoặc bẩm sinh, phục hồi chức năng như vá khe mở môi, nối chân, tay. Trong khi đó thẩm mỹ liên quan đến việc chỉnh sửa bộ phận cơ thể làm tăng vẻ đẹp bên ngoài. Ví dụ như nâng sống mũi, tạo mắt hai mí…
Phẫu thuật thẩm mỹ giúp con người tự tin với ngoại hình hơn.
Phẫu thuật thẩm mỹ là một phần cuộc sống của người Hàn, dễ dàng bắt gặp những tấm biển quảng cáo phẫu thuật ở khắp nơi từ trạm xe bus, ga tàu điện ngầm và dọc các con phố. Thậm chí việc được phẫu thuật thẩm mỹ còn trở thành món quà phụ huynh dành cho con cái khi đã đến tuổi trưởng thành hay hoàn thành kì thi tuyển sinh đại học.
Những tấm biển quảng cáo thẩm mỹ ở ga tàu điện ngầm.
Không chỉ người dân Hàn Quốc phẫu thuật thẩm mỹ mà cả khách nước ngoài cũng đến đây với mong ước “vịt hóa thiên nga”. Theo New York Times, Hàn Quốc sẽ có khoảng 1 triệu khách du lịch y tế đến năm 2020. Doanh thu từ khách du lịch y tế trong năm 2014 là 107 triệu USD. Trong năm 2018, số lượng khách nước ngoài đến Hàn phẫu thuật tăng 37%.
Sự ra tăng của thị trường kéo theo sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới. Theo cơ quan thuế quốc gia có khoảng 1414 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ được đăng ký tại Hàn Quốc trong tháng 9/2017 (con số này không bao gồm những bệnh viện lớn). Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ quốc tế thống kê, năm 2016, Hàn Quốc xếp thứ 3 trên thế giới về số lượng bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ.
Diễn viên Park Min Young cũng từng phẫu thuật thẩm mỹ.
Các thủ tục phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện ở Hàn Quốc nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Trên các ứng dụng điện thoại như Gangnam Unnie họ có thể đăng tải ảnh của mình lên và nhận lời khuyên từ bác sĩ trước khi chọn phẫu thuật.
Theo Gallup Korea, cứ ba người phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi từ 19 đến 29 thì có một người đã phẫu thuật thẩm mỹ. Ngoài ra, nhiều bà mẹ có con trong độ tuổi 12 đến 16 khuyến khích con cái đi phẫu thuật. 73% phụ nữ khuyên đàn ông can thiệp “dao kéo” để cải thiện ngoại hình.
Nam giới Hàn Quốc cũng phẫu thuật thẩm mỹ.
Tạp chí Bazaar đã tiến hành một cuộc phỏng vấn về vấn đề phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn. "Phẫu thuật mắt hai mí phổ biến đến mức người ta không gọi nó là phẫu thuật nữa" – một cô gái cho biết. Họ bước ra đường với gương mặt băng bó nhưng không hề thấy điều đó đáng xấu hổ, Họ hãnh diện vì họ sắp có ngoại hình ưa nhìn hơn.
Bà Kim Myeong Hye, 59 tuổi một người nội trợ nói rằng tất cả bạn bè của bà đều tiêm botox, bà khẳng định "Phụ nữ luôn nỗ lực để duy trì ngoại hình của mình. Tôi sẽ làm điều này đến hết đời". Bà cũng nói rằng nên phẫu thuật càng sớm càng tốt bởi khi ấy ta có thể tận hưởng vẻ đẹp lâu hơn.
Bà Kim Myeong Hye kiểm tra lại gương mặt sau khi tiêm botox.
Gông cùm của sự tôn sùng cái đẹp
Có nhiều nguyên nhân lý giải xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ ở Hàn Quốc nhưng điều được nhiều người thừa nhận nhất là do áp lực của việc trở nên đẹp hơn. Hầu hết những người tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ đều bị kì thị về vẻ ngoài, xã hội nói với rằng thật đáng xấu hổ khi họ không cố gắng cải thiện ngoại hình.
Hàn Quốc là một quốc gia cạnh tranh, nơi vẻ đẹp là lợi thế. Năm 2015, trong một cuộc khảo sát do Gallup Korea thực hiện cho thấy 86% người đồng ý rằng ngoại hình quan trọng với cuộc sống của họ. Những cuộc thăm dò trước đó vào năm 2004 và 2014 số liệu cũng rơi vào khoảng 87%.
Xinh đẹp hơn đồng nghĩa với có nhiều cơ hội.
Không chỉ phụ nữ mà cả đàn ông cũng cần làm đẹp, số lượng đàn ông Hàn Quốc can thiệp "dao kéo" ngày càng tăng. Một nam sinh viên đại học 22 tuổi cho biết anh tự ti với đôi mắt nên đã phẫu thuật để tăng vẻ đẹp của bản thân. Theo truyền thống, nam giới có xu hướng không phẫu thuật thẩm mỹ nhưng những năm gần đây họ đã chấp nhận thậm chí là những cuộc phẫu thuật lớn như quai hàm, thay đổi dáng mặt.
Nam giới dần chấp nhận phẫu thuật thẩm mỹ.
Những ý kiến của người Hàn được phỏng vấn khẳng định: "Phẫu thuật thẩm mỹ không phải điều xấu. Bạn chỉ muốn trở nên đẹp hơn. Cố gắng nâng cao giá trị bản thân”. "Tôi nghĩ không có gì tệ hại, chẳng phải trở nên đẹp hơn là tốt hơn”. Có thể thấy, trong tư duy của họ, đẹp đồng nghĩa với tốt, đẹp là một giá trị.
Một cô gái chia sẻ: "Tôi từng nghĩ rằng thân hình mập mạp này không phải là chính tôi và sống cùng với cơ thể này không phải là cuộc sống thật của mình. Tôi liên tục phủ nhận bản thân. Tôi tin rằng cuộc sống của mình chỉ có thể trên nên hạnh phúc nếu tôi giảm cân”.
Không phải ai cũng tự tin với ngoại hình không thon thả của mình (ảnh minh họa).
Theo khảo sát năm 2018 của trang web tuyển dụng hàng đầu Hàn Quốc Saramin, 57% các nhà quản lý nhân sự tại các công ty đồng ý ngoại hình của ứng cử viên có ảnh hưởng đến đánh giá của họ. Các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cũng nói rằng có sự gia tăng số lượng bệnh nhân phẫu thuật thẩm mỹ vào mỗi mùa tuyển dụng.
Cái đẹp càng trở thành nỗi ám ảnh khi người Hàn bị tác động bởi vẻ đẹp của các diễn viên, thần tượng. Những cô gái trong độ tuổi 20 cố gắng phẫu thuật theo các thần tượng K Pop. Điều này khiến tất cả phụ nữ đều giống nhau: da trắng, mắt to, hai mí, cằm V line.
Mong muốn giải thoát khỏi trói buộc
Chính phủ Hàn bắt đầu có động tĩnh thay đổi thực trạng này khi Bộ Y tế và Phúc lợi siết chặt quảng lý các phòng khám bất hợp pháp. Các công ty không yêu cầu gửi ảnh trong sơ yếu lý lịch tuyển dụng mặc dù đây từng là điều bắt buộc. Trước những lá thư kiến nghị về việc biển quảng cáo tràn lan, ban quản lý Seoul Metro quyết định gỡ tất cả các quảng cáo phẫu thuật thẩm mỹ ở các ga tàu điện ngầm sau khi hết hợp đồng kí kết.
Những tấm biển quảng cáo thẩm mỹ này sẽ sớm được gỡ bỏ.
Bản thân phụ nữ cùng đã mạnh mẽ đứng lên chống lại tiêu chuẩn cái đẹp phi thực tế. YouTuber Cha Ji Won quyết định cắt tóc và vứt bỏ đồ trang điểm. Bắt đầu từ năm 12 tuổi, cô đã tỉ mỉ sử dụng mỹ phẩm, xem các video hướng dẫn trang điểm trên YouTube, chi 100000 won (hơn 2 triệu đồng) mỗi tháng cho đồ làm đẹp. Nhưng cô cảm thấy quá gò bó, cô không muốn lo lắng về việc đẹp và từ bỏ tất cả. Sự giải thoát này khiến cô có cảm giác được sinh ra một lần nữa.
Nhiều phụ nữ đã đăng tải video đập vỡ đồ trang điểm như minh chứng cho khao khát được thay đổi. Họ từng không dám bước ra khỏi nhà nếu không tô son đánh phấn, giờ những người phụ nữ này cảm thấy điều trên không còn bó buộc họ được nữa. Xu hướng này đang trở thành làn sóng mới trong xã hội Hàn Quốc, mở ra phong trào phụ nữ tự giải thoát chính mình.
Cha Ji Won không trang điểm, cắt tóc ngắn, ăn mặc thoải mái theo ý thích.
Suy cho cùng con người muốn đẹp lên cũng chỉ mong mưu cầu hạnh phúc nhưng khi cái đẹp trở thành nỗi ám ảnh thì nó đã đi ngược ước muốn ban đầu.