Cạo trọc đầu con cho mát, ngoáy tai cho con thường xuyên,... là những thói quen mẹ vô tình làm hại con mà không biết.
Làm mẹ, ai cũng muốn chăm con được tốt nhất. Tuy nhiên có những thói quen mà mẹ tưởng là cẩn thận khi chăm con lại vô tình gây hại đến con mà mẹ không biết. Xin được điểm danh những điều tưởng nhỏ nhặt nhưng lại có ảnh hưởng không ngờ đến sức khỏe của trẻ.
Ngoáy tai thường xuyên cho bé
Từ lúc sinh Ken tôi đã được cô điều dưỡng thường đến tắm cho con tôi hướng dẫn cách ngoáy tai hàng ngày cho con sau khi tắm và tôi chăm chỉ thực hiện cho đến khi con tôi được 6 tháng tuổi. Sau một đêm sốt cao tôi cho đi khám thì bác sỹ kết luận cháu bị viêm tai giữa. Một trong những nguyên nhân chính là do tôi thường xuyên dùng bông ngoáy tai chọc vào tai cháu, điều này không giúp lấy ra được ráy tai bao nhiêu mà còn vô tình đẩy ráy tai vào sâu hơn và vô tình là tai con bị đau, bị sưng ở trong mà không biết. Đối với người lớn khi tự ngoáy tai có thể cảm nhận được độ sâu vừa phải của bông tăm khi chọc vào, nhưng khi ngoáy cho con mình có thể mẹ không cảm nhận được cụ thể độ sâu và sẽ làm đau con nhé.
Ru con bằng cách rung lắc
Rất nhiều nghiên cứu khoa học về trẻ em đã kết luận từ nhiều năm nay rằng trẻ em dưới 2 tuổi tuyệt đối không được rung lắc. Điều này đặc biệt nguy hiểm với bộ não của bé. Thời điểm này, cổ của bé rất yếu, não bộ chưa hoàn thiện và còn mềm, nếu mẹ rung lắc bé nhiều sẽ dẫn đến chấn thương não do các mạch máu nhỏ bị rách,chảy máu và gây thương não nghiêm trọng, chưa kể kéo theo bệnh khác như lồng ruột, nguy hiểm vô cùng mẹ nhé.
Trẻ em dưới 2 tuổi tuyệt đối không được ru theo kiểu rung lắc. (Ảnh minh họa)
Dùng thuốc ho cho con tùy tiện
Có lẽ đây là một trong những căn bệnh thói quen phổ biến nhất của mẹ Việt. Chỉ cần thời tiết thay đổi, con hơi ho hắng một chút là mẹ vội vã ra hiệu thuốc, tự cắt thuốc ho cho con. Dù có nhiều loại rõ ràng ghi là chế xuất từ thảo dược nhưng mẹ có biết không phải loại thảo dược nào con mình cũng hợp không? Cho con uống thuốc ho tùy tiện dễ dẫn đến suy hô hấp, dễ bị viêm phổi, lừ đừ và thậm chí tăng nguy cơ tử vong.
Cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước lọc
Tôi được một mẹ truyền tai một bí quyết giúp bé ngủ xuyên đêm. Đó là khi bé được khoảng 2 tháng tuổi, nếu bé dạy đêm lúc 2h, 3h thì thay vì cho con uống sữa hãy cho bé bú nước lọc. Chỉ khoảng hai – ba ngày thì bé sẽ chán và bỏ bú đêm. Tôi chưa từng thử phương pháp này cho Ken nhà tôi vì tôi biết làm thể chẳng khác nào hại chết con mình. Tôi cũng phản đối gay gắt phương pháp đó của bà mẹ kia vì nước lọc lại là thuốc độc với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh, có thể khiến con còi xương, chậm lớn thậm chí nhiễm độc nước gây co giật và hôn mê. Tốt nhất trong 6 tháng đầu đời nên cho bú mẹ hoàn toàn và cũng chẳng cần phải tráng miệng cho sạch lưỡi sạch lợi như nhiều mẹ tự dạy nhau đâu nhé.
Nghiện đồ công nghệ
Căn bệnh hiện đại này của bố của mẹ không chỉ gây ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh mà sau này khi con lớn cũng khó mà có thể dạy bảo con tốt được. Một bà mẹ nghiện iphone, ngoài lúc cho con bú, thay tã cho con sẽ không làm gì khác ngoài lướt điện thoại. Khi con đang giật mình khóc, mẹ đặt điện thoại ngay ở gối trên đầu con để chạy đi pha sữa, hay để bế con rồi vô tình để sóng điện thoại, sóng wifi ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ trẻ. Sau này khi bé lớn, đưa con đi chơi, đến nhà hàng ăn, mẹ không thiết gì nói chuyện với con, chỉ mải mê cầm điện thoại, lướt nét, chụp ảnh tự sướng, check in mà không nghĩ đến hậu quả sau này con sẽ bắt chước hệt mình, trở nên vô tâm, không màng đến người khác và nhất là chắc chắn sẽ không còn nhu cầu giao tiếp với mẹ.
Chửi thề, văng tục trước mặt con
Cho dù vô tình hay cố ý, chắc chắn vấn đề này sẽ ảnh hưởng đậm nét đến con cái. Cho dù đang tán gẫu vui vẻ với bạn bè hay có chuyện bực bội, mẹ nhất định không được chửi thề trước mặt con. Trong giai đoạn hình thành tính cách bé sẽ học theo rất nhanh mà không ý thức được những điều mình nói. Muốn con được lớn lên ngoan ngoãn trước hết mẹ hãy là một tấm gương tốt cho con mẹ nhé.
Cạo trọc đầu cho bé trong mùa hè
Đây không phải là thói quen nhưng lại là quan niệm của nhiều mẹ cho rằng mùa hè nóng không cần tóc cho đỡ ra mồ hôi nhiều mà tôi cũng là một ví dụ điển hình áp dụng cho bé Ken. Nhưng tôi và rất nhiều mẹ lại không biết rằng cạo trọc đầu con dễ khiên con bị sốc nhiệt khi hè tới, nhất là những ngày nhiệt độ ngoài trời quá nóng. Tóc có thể giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, ngăn ngừa sự tiếp xúc của da đầu với ánh mặt trời. Cạo trọc khiến da đầu mỏng manh của con khi tiếp xúc với ánh nắng sẽ khiến bé bị khó chịu, mẩn ngứa. Hơn nữa, do tiếp xúc trực tiếp với muối có trong mồ hôi nên da đầu của trẻ có nguy cơ bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Các bác sỹ khuyên rằng nếu tóc của con có dài và không đều thì mẹ cũng đừng cạo trọc đầu của bé mà chỉ cần cắt ngắn đi nhưng vẫn có lớp tóc để bảo vệ thóp và da đầu của trẻ.
Cạo trọc đầu con dễ khiên con bị sốc nhiệt khi hè tới (Ảnh minh họa)
Xịt, rửa mũi hàng ngày cho con
Đây là một thói quen rất tệ của mẹ. Xịt rửa mũi hàng ngày không làm cho mũi con sạch hay thông thoáng hơn mà lại làm bong nhanh hơn niêm mạc mũi mỏng manh của trẻ, nhất là với các bé sơ sinh dưới 10 tháng tuổi. Kinh nghiệm thực tế của nhiều mẹ chia sẻ cho thấy nếu ngày nào cũng xịt mũi cho con, thì nước muối xịt càng làm khô rát mũi con hơn, lại còn làm tăng nguy cơ viêm mũi họng.
Ủ ấm và chườm lạnh con khi bị sốt
Khi thân nhiệt của bé đang tăng cao, nhiều mẹ lại mắc sai lầm khi ủ ấm cơ thể con thay vì mặc quần áo thoáng mát cho dễ hạ nhiệt. Ủ ấm khiến thân nhiệt trẻ càng tăng, dễ gay sốt cao hơn dẫn đến co giật. Ngược lại lại có mẹ chườm lạnh, chườm đá cho con. Thực chất việc này không giúp cơ thể bé hạ nhiệt mà có thể gây co mạch khiến nhiệt càng thoát ra khó hơn.
Không đánh tưa lưỡi cho trẻ
Nhiều bác sỹ nhi khoa khuyên rằng ngay từ khi mới sinh mẹ nên tập một thói quen đánh tưa lưỡi cho con. Đây là một thói quen tốt nhưng nhiều mẹ lại bỏ qua vì có thể bé thuộc diện biếng ăn, dễ nôn trớ nên mẹ sợ đánh lưỡi sẽ không tốt cho trẻ. Nhưng đánh lưỡi buổi sáng sau khi ngủ dậy bằng nước muối nhạt là cách tốt để loại bỏ các chất cặn bẩn đọng lại trên lưỡi con từ sữa và thực phẩm, đồng thời hình thành dần thói quen đánh răng sau này cho bé. Có nhiều trường hợp lưỡi của bé quá trắng, vùng trắng vùng đỏ mà các mẹ hay gọi là lưỡi bản đồ, phải dùng đến thuốc đánh lưỡi trị nấm, khuẩn cũng là do mẹ không đánh lưỡi thường xuyên cho con.