3 câu truyện cổ tích dưới đây nằm trong kho tàng truyện kể phong phú của Việt Nam, rất giàu tính giáo dục. Mẹ có thể kể cho các con trước giờ đi ngủ, không chỉ giúp bé ngủ ngon mà còn mang đến ý nghĩa dạy con tính chăm học, chịu khó, thật thà, hình thành nhân cách tốt cho con.
Câu chuyện thứ nhất: Chú chim nhỏ lười biếng
Xưa kia, trong một khu rừng nọ, có một chú chim nhỏ được bố mẹ cưng chiều nên rất lười biếng. Hàng ngày, ngoài việc ăn chơi và ngủ, chú chẳng làm gì cả. Một hôm các bạn chim rủ rê:
- Chim nhỏ ơi, hãy học bay cùng với tụi mình đi.
- Học bay làm gì? Tớ có bố mẹ chăm sóc, bảo vệ rồi nên không cần học nữa đâu.
Nói rồi chim nhỏ bỏ đi chỗ khác, lấy bánh trái ra ăn. Các bạn chim chỉ biết lắc đầu rồi kéo nhau đi học bay. Chim nhỏ vừa thưởng thức đồ ăn vừa lẩm bẩm:
- Mình không ngốc khi có đồ ăn ngon mà không ăn, lại đi học những thứ vô bổ.
Một tháng qua đi, các bạn chim đều đã biết bay. Chúng rủ nhau đến thăm chim nhỏ và ngạc nhiên khi thấy nó rất béo ú. Chim nhỏ thì chẳng quan tâm gì đến các bạn mà quay lưng lại tiếp tục ngủ.
Thấy vậy, các bạn chim lần lượt bay đi. Lúc đó, một con rắn núp trong tán cây hiện ra, thè cái lưỡi gớm ghiếc và bò từ từ đến chỗ chim nhỏ đang nằm.
Chim nhỏ vẫn đang ngủ say nên không biết nguy hiểm đang rình rập mình. May sao, các bạn chim đang bay lượn gần đó đã nhìn thấy cảnh tượng này liền sà nhanh xuống la toáng lên, báo động cho chim nhỏ:
- Chim nhỏ dậy đi, mau bay đi thôi, có rắn kìa.
Chim nhỏ giật mình tỉnh dậy, định vỗ cánh bay, nhưng do không biết bay nên đã rơi từ trên cây xuống. Các bạn của chim nhỏ nhanh trí cắp hai cái cánh của nó rồi bay đến nơi an toàn. Bị mất con mồi, rắn vô cùng tức giận.
Sau khi hoàn hồn, chim nhỏ rất cảm kích ơn cứu mạng của các bạn, nhưng chợt nghĩ tới thái độ lúc trước của mình, nó đỏ mặt hổ thẹn, nói lí nhí:
- Các cậu cho tớ xin lỗi nha. Cảm ơn các cậu đã cứu tớ. Tớ biết lỗi rồi, tớ sẽ học bay như các cậu, các cậu dạy cho tớ bay nhé.
Các bạn chim đồng thanh:
- Tất nhiên là được, nhưng mà…
- Nhưng mà sao? - Chim nhỏ hỏi.
- Cậu phải giảm béo đã, nếu không thì với cái bụng tròn vo, cậu làm sao bay?
Cả bọn cùng cười vui vẻ, một bạn chim tiếp lời:
- Bọn tớ đùa thôi, tụi mình cùng tập cho chim nhỏ bay nào.
Vậy là chim nhỏ đã bỏ thói quen lười biếng của mình, tập bay cùng các bạn.
Bài học rút ra cho bé: Dù trong hoàn cảnh nào, con cũng cần phải chịu khó học hỏi, không được lười biếng, ỷ lại, trông chờ vào vào bất cứ ai.
Câu chuyện thứ hai: Trí khôn của ta đây
Ngày xửa ngày xưa, có một bác nông dân ngày ngày đều dắt trâu đi cày, trâu đi trước kéo một cái cày thật nặng theo sau, công việc rất cực nhưng trâu vẫn vui vẻ. Một lần trong lúc nghỉ ngơi, bác nông dân đi uống nước, thì có một con cọp đến hỏi trâu tại sao trâu to xác mà để một người bé xíu đánh đập. Trâu trả lời:
" Tuy người bé nhỏ, nhưng họ có trí khôn".
Lúc đó bác nông dân cũng đi ra, thì cọp bèn hỏi:
" Nghe trâu nói người tuy bé nhỏ nhưng có trí khôn, vậy trí khôn ở đâu, lấy ra cho ta xem".
Bác nông dân đáp lại:
" Trí khôn tôi để ở nhà".
Thì cọp bảo về nhà lấy trí khôn cho xem, bác nông dân đồng ý và phải có điều kiện là trói cọp lại vào gốc cây để cọp không ăn thịt trâu của bác nông dân. Sau khi trói cọp vào gốc cây, bác nông dân đã châm lửa đốt và nói với cọp:
" Trí khôn của ta đây"
Trâu thấy vậy không nhịn được cười, cười đến mức đập cả hàm vào mặt đất gãy mất hàm răng trên. Nên loài trâu sau này không có răng trên và cọp có sọc trên trên người do dấu tích của loài người đốt.
Bài học rút ra cho bé: Mỗi người đều có sự thông minh riêng của mình nhưng cần phải học hỏi, quan sát. Ở trong mỗi hoàn cảnh cũng sẽ có cách thể hiện khác nhau. Nếu chê cười người khác kém thông minh, không chịu học hành đến nơi đến chốn, chắc chắn ta sẽ phải trả giá cho điều đó.
Câu chuyện cuối cùng: Chú chồn lười học
Ngày xưa, Chồn mướp sống ở khu rừng thông, vì là con một nên cậu được cha mẹ cưng chiều vô cùng. Tới tuổi đi học rồi, nhưng chồn mướp vẫn không chịu đến trường, chỉ rong chơi mà thôi. Vì được nuông chiều quá, chồn mướp đâm ra bướng bỉnh, không chịu nghe lời ai. Ai khuyên gì cậu cũng không nghe mà còn cãi bướng.
Một hôm, Chồn mải chơi, bị lạc vào sâu trong rừng mà không biết đường ra. Cậu ta lang thang mãi mới tìm được bảng chỉ đường. Nhưng khổ nỗi, không biết chữ nên chồn không đọc được.
Cậu ngồi xuống vừa khóc vừa hối hận, nếu chịu khó đi học biết chữ thì bây giờ đâu phải như thế này. Đúng lúc đó thì bác Sư Tử xuất hiện, chồn tưởng mình sắp bị ăn thịt nên quỳ lạy xin tha mạng. Bác Sư Tử bảo:“Ta chỉ muốn giúp cháu thôi, vì cháu không biết chữ chứ gì?” Chồn gật đầu. Được bác Sư Tử khuyên răn và chỉ đường, chồn đã tìm về được ngôi nhà của mình. Chú mừng lắm và nhất quyết từ nay phải đi học.
Bài học rút ra cho bé: Thông qua câu chuyện về chú chồn, cha mẹ có thể rút ra bài học để dạy trẻ hiểu hơn về sự quan trọng của việc học tập như thế nào.