Trẻ em Pháp thường được đi nhà trẻ từ rất sớm, có quyền tự quyết và luôn được dạy cư xử tốt.
Có một thực tế nhiều người phải công nhận rằng trẻ em Pháp rất ngoan ngoãn, thông minh và năng động. Các bé hiếm khi nghịch ngợm hoặc kén chọn đồ ăn và đều rất lịch sự với mọi người xung quanh. Vậy, có những bí mật nào trong phương pháp nuôi dạy con của các bà mẹ Pháp để hình thành nên những đứa trẻ ngoan ngoãn như thế?
1. Đi nhà trẻ sớm
Theo luật pháp tại Pháp, phụ nữ sau khi sinh con có thể ở nhà chăm sóc con cái mà vẫn được đảm bảo công việc sau khi đi làm lại. Tuy nhiên hầu hết các bà mẹ ở Pháp thường đi làm sớm hơn, sau khi sinh khoảng 10 tuần vì ở nhà lâu có thể tốn thêm một khoản chi phí lớn. Vì thế, lúc này các em bé Pháp sẽ được đưa đến nhà trẻ. Việc được tiếp xúc với nhiều người từ khi còn nhỏ sẽ giúp bé thích nghi nhanh hơn và trở nên độc lập hơn trong cuộc sống.
Trẻ em Pháp được đi nhà trẻ từ rất sớm. (Ảnh minh họa)
2. Ngủ riêng giường
Trẻ em ở Pháp được dạy ngủ giường riêng, thậm chí là ngủ riêng phòng với ba mẹ. Nếu bé tỉnh dậy vào ban đêm và khóc, người mẹ sẽ thường đợi vài giây để chắc chắn rằng sự xuất hiện của mình là cần thiết. Còn không, theo thông lệ các bé vẫn sẽ ngủ một mình.
3. Quyền tự quyết
Các bậc cha mẹ Pháp cho con cái quyền tự do quyết định các công việc trong cuộc sống trong tầm xử lý của các bé. Rất hiếm khi cha mẹ ở trên sân chơi với con. Họ thường không can thiệp vào xung đột giữa các bé mà để các bé tự giải quyết. Một lời khuyên tốt dành cho cha mẹ là nên đặt ra một ranh giới rõ ràng giữa những trò đùa vui với những hành vi không xấu. Và chỉ nên xử phạt hành vi xấu để bé hiểu được sự khác biệt.
4. Ông bà chỉ hỗ trợ nuôi dạy con cái
Trong gia đình, ông bà sẽ đóng vai trò hỗ trợ nuôi dạy trẻ. Các cuộc họp gia đình thường diễn ra vào cuối tuần hoặc ngày lễ. Ở Pháp, bạn sẽ thấy những người già ngồi thư giãn bên tách cà phê trong một nhà hàng thơ mộng nhiều hơn là quẩn quanh chăm sóc con cháu.
5. Không phân biệt đồ ăn người lớn và trẻ con
Ở Pháp, thực phẩm đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống. Giờ nghỉ trưa có thể kéo dài đến 2 giờ. Người Pháp cố gắng sắp xếp để cả nhà sẽ cùng nhau ăn, ít nhất 1 lần/ ngày. Trẻ em và người lớn cùng ăn những món ăn giống nhau và không phân biệt đồ ăn trẻ con với đồ ăn người lớn. Cha mẹ không ép con cái ăn những thứ bé không thích, nhưng họ sẽ đòi hỏi ít nhất bé phải nếm thử món ăn đó.
6. Cư xử tốt là yếu tố quan trọng
Ngay từ bé, trẻ đã được dạy nói "Cảm ơn" mọi lúc. (Ảnh minh họa)
Trẻ em Pháp được dạy rằng cư xử tốt là một điều rất cần thiết trong cuộc sống và nó là một hành trình rèn luyện lâu dài. Các bé sẽ luôn cởi mở và chào đón những vị khách, hàng xóm đến thăm nhà hoặc giữ bình tĩnh khi xếp hàng và biết nhường chỗ cho người lớn tuổi trên xe buýt. Từ khi còn bé, các bé đã được dạy 4 câu quan trọng là “Cảm ơn”, “Chúc một ngày tốt lành”, “Bạn luôn được chào đón” và “Tạm biệt”.
7. Thơ ấu là thời gian để khám phá thế giới
Ở Pháp các bé thường không biết đọc ở độ tuổi lên 5. Tuổi thơ của các bé là thời gian để vui chơi, mơ ước, khám phá thế giới, học cách lịch sự và có trách nhiệm. Đến khi 6 tuổi các bé mới học cách đọc và đếm chữ số.
8. Chủ nhật là ngày gia đình
Chủ nhật là thời gian tốt nhất để đi dã ngoại tại công viên, tổ chức tiệc BBQ, hay đi xe đạp. Người Pháp rất ý thức về các hoạt động vào ngày chủ nhật. Đây là thời gian để cả gia đình quây quần bên nhau.
9. Có tiền tiêu vặt sớm
Khi đi mua sắm, trẻ em Pháp thường bình tĩnh và không mè nheo nếu ba mẹ từ chối mua kẹo. Các bé bắt đầu nhận tiền tiêu vặt từ lúc 7 tuổi và được phép chi tiêu trong số tiền đó. Số tiền tiêu vặt mỗi tháng tùy thuộc vào độ tuổi của bé.
>> XEM TIẾP: Nói 'Không' với trẻ khéo như mẹ Pháp
Chuyên mục Làm mẹ - Nơi cung cấp những thông tin, kiến thức hữu ích về chăm, nuôi và dạy con, các căn bệnh liên quan đến trẻ nhỏ. Mời độc giả gửi những thắc mắc, tâm sự, chia sẻ liên quan đến chủ đề này về địa chỉ lamme@eva.vn để được sẻ chia, nhận tư vấn từ chuyên gia uy tín. Những thắc mắc của quý độc giả về Sức khỏe trẻ em sẽ được các chuyên gia giải đáp vào 15h30 thứ 2 và thứ 5 hàng tuần trên chuyên mục Làm mẹ - Eva.vn. |