Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nhiều cha mẹ thấy con bị táo bón cho ăn nhiều rau, giảm chất đạm, protein xuống khiến con không nạp đủ năng lượng là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ biếng ăn.
Biếng ăn ảnh hưởng đến thể lực, trí tuệ của trẻ và là nỗi lao tâm khổ tứ của tất các bà mẹ trẻ em.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng. |
Với những kinh nghiệm chuyên khoa Nhi lâu năm, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai sẽ chỉ ra những sai lầm của cha mẹ và cách khắc phục trẻ biếng ăn.
Cha mẹ bắt trẻ ăn nhanh dễ gây chán ăn
Biếng ăn có nhiều mức độ, trong đó, đa số trẻ từ 2 tuổi trở lên biếng ăn do yếu tố tâm lý mà không ảnh hưởng nhiều đến dinh dưỡng.
Các bà mẹ thường lo lắng quá khi con ăn chậm. Thế nhưng, cách ăn của trẻ khác với cách ăn của người lớn, ăn chậm, vừa ăn vừa chơi. Bởi vậy, cha mẹ không nên lấy cách ăn của người lớn áp đặt vào cho con. Việc cha mẹ ăn nhanh, thấy con ăn 30 phút -1 giờ nghĩ con ăn chậm là không phải. Tôi cho rằng con ăn từ 30-45 phút là chuyện bình thường trong bữa ăn.
Cha mẹ nên để con vừa ăn vừa thưởng thức, không nên ép con ăn thật nhanh sẽ dẫn đến tâm lý chán ăn.
Trẻ ăn từ 30-45 phút là chuyện bình thường trong bữa ăn. (Ảnh minh họa)
Ép con ăn theo khẩu vị của cha mẹ
Hiện nay, các mẹ thường ép con ăn thức ăn theo ý mình mà không để ý con thích ăn theo khẩu vị nào. Mỗi đứa trẻ đều có sở thích và khẩu vị riêng của mình.
Cha mẹ không nên ép con ăn theo khẩu vị của mình và áp đặt khẩu vị với trẻ con. Điều đó cũng là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, hãy để con ăn theo khẩu vị, sở thích của mình.
Luôn xúc cho con ăn
Trẻ từ 2 tuổi trở lên có thể tự xúc được nhưng cha mẹ thường hay xúc để con ăn nhanh. Và việc con chưa ăn hết đã giục, xúc tiếp cho con là điều không tốt bởi ăn nhanh sẽ dẫn đến việc chóng no.
Nếu chúng ta vừa ăn, vừa nói chuyện nhẹ nhàng vui vẻ, trẻ sẽ ăn rất nhiều. Khẩu phần ăn của người Việt không bằng người nước ngoài vì người Việt ăn nhanh, no nhanh nên dẫn đến toàn bộ khẩu phần không đủ năng lượng, dễ nhanh đói.
Bật tivi, ipad khi cho con ăn
Hiện nay, cha mẹ thường cho con vừa ăn vừa xem tivi, iphone, ipad, bật nhạc vì dễ cho con ăn. Điều này không tốt bởi con không có cảm giác khi ăn và không thưởng thức được. Con vui và ăn vì tivi mà thôi. Những thiết bị thông minh này khiến con bị vùi đầu vào, càng nguy hiểm hơn.
Cho trẻ em chơi iPhone, iPad khi ăn là một trong những nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn và gây ra nhiều hậu quả sau này. (Ảnh minh họa)
Công thức hóa bữa ăn cho con
Việc công thức hóa bữa ăn, ép con ăn nhiều hoặc ăn ngày 4-5 bữa đều không tốt cho trẻ. Cha mẹ không nên máy móc, rập khuôn ngày nào con cũng phải ăn khẩu phần ăn như nhau. Việc ép con ăn hết khẩu phần là không nên, có thể con mệt nên con ăn ít, hôm sau con khỏe ăn nhiều hơn, không phải bữa nào cũng như nhau.
Sợ con táo bón cho ăn quá nhiều rau
Trẻ biếng ăn đến mức sụt cân theo bảng Suy dinh dưỡng của Tổ chức Y tế Thế giới hay gặp chủ yếu do yếu tố trẻ ăn không đủ chất.
Nhiều gia đình thắc mắc rằng con ăn đầy đủ tôm, thịt, cá nhưng vẫn không lên cân, thậm chí sụt cân. Nhưng nguyên nhân thực tế là do gia đình thấy con bị táo bón cho ăn nhiều rau, giảm chất đạm, protein xuống khiến con không đủ năng lượng.
Theo đó, hiện tại trong đồ ăn của trẻ bây giờ cha mẹ chế biến quá nhiều rau. Cha mẹ nên phân bổ, cho con ăn hợp lý, đầy đủ thành phần dinh dưỡng trong một bữa ăn.
Cha mẹ không nên cho con ăn nhiều rau và giảm chất đạm trong khẩu phần ăn mỗi ngày của con chỉ vì sợ con bị táo bón. (Ảnh minh họa)
Cách nấu ăn không đúng
Trẻ biếng ăn cộng suy dinh dưỡng còn do một phần cách nấu của cha mẹ. Về mặt dinh dưỡng, cha mẹ xay đồ ăn nhỏ hoặc trộn tất cả đồ ăn vào chung một bát cho con ăn có thể đủ nhưng về văn hóa, điều đó không tốt.
Khi con có răng rồi, con cần phải được nhai, đặc biệt những bé 2 tuổi trở lên cha mẹ nên cho con ăn tự xúc, tự nhai, không nên xay đồ ăn nhỏ hết cho con. Cách ăn nuốt chửng không tốt, thậm chí còn có hại cho trẻ.
Bố mẹ đừng để những bữa ăn của con trở thành cơn ác mộng, hãy để con được thưởng thức và để con thích thú với bữa ăn.
>> XEM TIẾP: 5 thực phẩm trị chứng biếng ăn ở trẻ, bé ăn ngon miệng mẹ không cần dỗ