Ngay cả con nít đi xe ba bánh ở Đức cũng đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.
Người Việt ta đi ra nước ngoài về thì khen đủ thứ, khen khí hậu, khen môi trường, khen đồ ăn, khen phong cảnh đẹp...mỗi người một ý. Tuy nhiên, có một đặc điểm chung mà tất cả mọi người ai cũng phải trầm trồ suýt xoa, đó chính là hệ thống giao thông ở "bển" quá tuyệt vời.
Tôi biết, khi nhắc đến vấn đề này, rất nhiều người sẽ chẹp miệng bảo "Tây thì đường sá tốt rồi", sau đó lắc đầu rồi chê bai rằng giao thông ở Việt Nam quá kém, đường bé, lộn xộn, hay tắc đường.... Tuy nhiên theo tôi, điều đó chỉ là một phần. Vấn đề quan trọng cốt lõi chính là ở ý thức của mỗi người dân, ý thức của người tham gia giao thông khi đi trên đường. Thế hệ chúng ta ý thức kém, lại không chịu khó làm gương cho con trẻ. Người lớn đi đường không đội mũ bảo hiểm, cố tình vượt đèn đỏ tùm lum...bảo sao càng ngày, ý thức tham gia giao thông của các thế hệ càng kém và giao thông Việt Nam thì mãi vẫn không ...hết tắc.
Bản thân tôi sống ở nước Đức - một trong những quốc gia có hệ thống giao thông vào loại tốt nhất châu Âu. Theo như tôi được biết, trong vòng 20 năm từ 1991 đến 2011, số vụ tai nạn giao thông gây thương tích ở Đức giảm 20%, số vụ tai nạn gây chết người tại Đức giảm trên 60%. Có nhiều yếu tố dẫn đến kết quả trên, trong đó, theo quan sát của tôi, giáo dục gia đình đóng vai trò quan trọng. Tôi thấy tại Đức các gia đình đã làm tốt vai trò là trường học đầu tiên và đặc biệt quan trọng cho các bé về việc tham gia giao thông, về ý thức chấp hành tốt an toàn giao thông. Vậy các gia đình người Đức giáo dục cho con cái họ ý thức tham gia giao thông thế nào? Đó chính là điều tôi ngưỡng mộ và muốn chia sẻ với các bậc cha mẹ Việt hiện đại và cầu thị.
Từ trong nôi?
Quả đúng như vậy, khi sinh con ra thì các ông bố bà mẹ cũng phải sắm nôi để đặt trong xe nếu di chuyển bằng ô tô hay phương tiện giao thông công cộng. Không có chuyện mẹ ngồi trong xe mà bế bé, cho bé bú đâu nhé. Mẹ và bé đều phải thắt dây an toàn, nôi của bé cũng được thắt dây an toàn. Nếu muốn cho bé ăn, bé uống thì phải đỗ xe đàng hoàng, chứ không chạy xe, tránh nguy hiểm.
Khi các bé biết ngồi thì bé sẽ phải ngồi ghế riêng của em bé, cao hơn ghế của người lớn một chút, để việc thắt dây an toàn đem lại cho bé sự thoải mái. Trên các phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu, xe điện… đều bố trí chỗ để xe nôi, xe đẩy của em bé. Các bố các mẹ cũng rất nghiêm túc chấp hành việc này. Do vậy có thể nói không ngoa, từ khi còn nằm trong nôi bé đã phải chấp hành đúng luật giao thông và học ý thức chấp hành luật giao thông rồi.
Trẻ chấp hành qui định giao thông ngay "từ trong nôi"
Trong mỗi lần tham gia giao thông?
Ngay từ những ngày đầu tiên tham gia giao thông, các bé luôn được bố mẹ hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ từng li, từng tí. Việc chấp hành đúng tín hiệu đèn giao thông khi sang đường, đội mũ bảo hiểm, đi đúng làn đường, phần đường, nhường đường cho người khác, giảm tốc độ để tránh phương tiện giao thông hoặc người đi cùng chiều - ngược chiều… là những điều có thể dễ dàng nhận thấy nhất khi bạn quan sát các bé cùng với người lớn thực hiện khi tham gia giao thông. Còn khi bé tập đi xe đẩy hoặc xe đạp, bé nào cũng phải đội mũ bảo hiểm. Một hình ảnh tôi rất hay được chứng kiến trên đường là các bé 2-3 tuổi, ngồi trên chiếc xe bé tự đẩy bằng hai chân, (trông giống như cái xe đạp thu nhỏ nhưng không hề có bàn đạp), có tốc độ chậm như tốc độ đi bộ, mà vẫn đội mũ bảo hiểm, đi một cách cẩn trọng, và luôn có bố mẹ nhắc nhở bên cạnh. Các bé tự cảm thấy ‘người lớn’ và có trách nhiệm hơn rất nhiều khi tham gia giao thông, và cũng thường xuyên được khích lệ nếu thực hiện tốt việc tham gia giao thông an toàn.
Ngay cả em bé đi chiếc xe đẩy với tốc độ ‘rùa bò’ này cũng phải đội mũ bảo hiểm
Điều gì xảy ra nếu người lớn vi phạm quy tắc giao thông trước mặt con trẻ?
Anh ta sẽ bị nhìn nhận như công dân hạng bét, một kẻ không ra gì. Hầu hết những người nhìn thấy việc đó sẽ lên án anh ta, các ông bố bà mẹ có con đi cùng sẽ nói thẳng vào mặt anh ta, những người cùng có mặt lúc đó sẽ nhìn anh ta bằng ánh mắt phẫn nộ. Người lớn phải luôn làm gương cho con trẻ và ai cũng được trông đợi sẽ chấp hành nghiêm túc nhất khi tham gia giao thông.
Anh bạn tôi kể trong một lần do đang cực kì vội vã vì trễ giờ tàu, anh ta vượt đèn đỏ trước mặt một ông bố đang dẫn một cậu con trai chuẩn bị sang đường. Anh ta bị ông bố gọi lại mắng cho một trận té tát. Có lần tôi dẫn bé nhà tôi từ lớp học về, đi cùng có ba cậu thanh niên đang vừa đi vừa miết mải nói chuyện, đèn đỏ, họ định bước sang đường. Đi được hai bước thì họ nhận ra là đang đèn đỏ, họ dừng lại, quay lại, thấy tôi và con gái đứng đó, họ xin lỗi rối rít, rằng chúng tôi không cố ý. Và tôi cũng để ý nhiều lần người lớn phải nói lời xin lỗi đối với bố mẹ các bé nếu vì lý do không thực sự chú ý mà họ suýt nữa thì vượt đèn đỏ hoặc sang đường không đúng quy định. Không cần đến cảnh sát giao thông, các ông bố, bà mẹ là những người giám sát cực kì quan trọng ý thức tham gia giao thông của tất cả mọi người. Và cũng từ đó các bé tự rút ra bài học cho mình khi tham gia giao thông.
Học theo người lớn, trẻ nhỏ cũng rất có ý thức khi tham gia giao thông
Tôi và con gái cũng được nghe một câu chuyện mang tính răn đe về việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, mà tôi nghĩ nhiều người cũng được nghe chuyện này ít nhất một lần. Ở Đức, nếu anh không tuân thủ luật giao thông mà chẳng may bị đâm chết, người ta sẽ gọi điện cho gia đình anh, mời gia đình đến rửa xe trả họ, đền bù thiệt hại cho họ nếu có, rồi nhặt xác người nhà mang về. Có lẽ câu chuyện hơi quá, nhưng nó để lại bài học nằm lòng cho cả người lớn và trẻ em là bất cứ khi nào tham gia giao thông cũng phải chấp hành thật nghiêm chỉnh.
Tại sao lại nhấn mạnh vai trò giáo dục ý thức tham gia giao thông cho trẻ của gia đình?
Gia đình là trường học đầu tiên và cực kỳ quan trọng cho trẻ về việc tham gia giao thông, những kiến thức bé học được từ bố mẹ trong những năm đầu đời sẽ hằn sâu và theo suốt cuộc đời bé. Việc giáo dục con cái khi tham gia giao thông một cách cẩn thận, tỉ mỉ từng li từng tí một, cùng với con trên mọi chặng đường, sửa sang, uốn nắn các bé trong những năm đầu tiên tham gia giao thông được các gia đình Đức cực kỳ coi trọng, bởi theo họ an toàn giao thông không chỉ liên quan đến tính mạng và tài sản của bản thân mình mà còn liên quan đến nhiều người khác. Khi lớn lên các bé cũng sẽ được học Luật giao thông trong nhà trường, nhưng việc hình thành ý thức - có thể nói là ‘ăn vào máu’ mỗi người - về việc chấp hành nghiêm túc các quy tắc giao thông, tham gia giao thông một cách an toàn mà các bé có được do gia đình truyền đạt trong suốt những năm đầu đời là vô cùng cần thiết.
Nếu ra đường ở Đức có thể bạn thấy hơi chóng mặt, vì tốc độ lái xe của các ‘bác tài’ nhanh quá. Nhưng bạn cũng sẽ được trấn an rằng ra đường cứ yên tâm, miễn là chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, thì sẽ không có vấn đề gì cả, vì hầu hết những người tham gia giao thông đều chấp hành đúng luật, do họ được giáo dục rất cẩn thận, tỉ mỉ về ý thức tham gia giao thông từ tấm bé trong gia đình rồi.
Theo chia sẻ của độc giả ở địa chỉ mail thuonghien.........@gmail.com (Duisburg, Đức)