Hàng ngàn chị em đã ủng hộ và cảm ơn chị Phan Hồ Điệp, mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam về bài viết nói lên nỗi lòng băn khoăn và trăn trở của những bà mẹ khi nuôi dạy con.
Sách bảo không được ép con ăn, nhưng có mẹ nào thấy con bỏ bữa, lười ăn mà không xót ruột, lo lắng?
Sách bảo phải dành tối đa thời gian cho con, nhưng mẹ cũng cần phải đi làm kiếm tiền, mẹ ngừng làm việc thì cũng không còn tiền để nuôi dạy con nữa...
Sách bảo phải cho con bầm dập, đau đớn để trải nghiệm, nhưng có mẹ nào không thót tim khi để con cầm con dao hay băng qua đường một mình?
...
Trong thời buổi hiện đại, khi mọi nguồn tài liệu, thông tin về chăm sóc, nuôi dạy con cái đều sẵn có và dễ tìm kiếm, các bà mẹ rất dễ hoang mang trước một “rừng kiến thức”, không biết phải áp dụng kiểu nào cho con mình. Rất nhiều khi, sách viết một đằng nhưng trái tim người mẹ lại lý lẽ theo hướng khác. Đọc sách, sẽ có lúc mẹ thấy hoang mang bất lực vì mình không thể làm theo những gì hướng dẫn trong đó, lí trí của sách đã được chứng minh, được phân tích rõ ràng nhưng tình cảm, cảm xúc của mẹ lại có linh cảm mách bảo riêng.
Chị Phan Hồ Điệp - mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam.
Nhân dịp cuối năm, bà mẹ thần đồng Đỗ Nhật Nam – chị Phan Hồ Điệp – đã có một bài viết thể hiện những tâm tư, trăn trở ấy. Chia sẻ của chị đã được hàng nghìn bà mẹ khác ủng hộ và chia sẻ rộng rãi. Đọc bài viết, chắc hẳn người mẹ nào cũng sẽ thấy bóng hình của mình trong đó và cảm thấy nhẹ lòng, yên tâm hơn:
SÁCH VÀ MẸ Sách dạy là khi cho con ăn, hễ con không muốn ăn thì đừng có ép. Ăn uống là bản năng, nếu con thấy đói sẽ tự khắc ăn. Nhưng mẹ mỗi lần thấy con ăn ít lại lo lắng khôn nguôi, lại băn khoăn tự hỏi: Con có mệt không? Con ăn ít thế rồi có “còm” đi không? Liệu đã đủ chất chưa nhỉ? Sách dạy là không nên cho con xem ti vi nhiều. Rồi xem ti vi có thể hại mắt. Xem ti vi có thể ảnh hưởng đến hành vi của con. Hãy thay xem ti vi bằng các hoạt động khác. Nhưng mà thi thoảng, có những chương trình ti vi hay lắm. Mẹ cũng còn muốn sà vào ngồi xem cùng với con để được cùng nhau bình luận, cùng nhau cười rúc rích. Vì “sách” không hiểu được niềm vui khi ngồi cạnh, cấu cho con một cái hoặc nhìn vào khuôn mặt con bừng sáng khi xem đến đoạn hay. Sách dạy hãy dành tối đa thời gian cho con. Khi chơi cùng con chính là khi con học. Con sẽ gắn kết hơn với mẹ. Mẹ và con sẽ hiểu nhau hơn. Nhưng mẹ thì phải đi làm đến tối muộn. Về đến nhà lại cơm cơm nước nước. Đến khi mẹ xong việc thì cũng là khi mắt con gập gờ buồn ngủ. Vì “sách” không biết, nếu mẹ ngừng làm việc, cũng có nghĩa là nhà mình chẳng có đủ tiền trang trải hàng ngày. Sách dạy phải để cho con trải nghiệm, đau đớn cũng được, bầm dập xây xước cũng được. Có qua trải nghiệm con mới lớn khôn lên, mới không sợ khó khăn, không sợ thất bại. Con sẽ mạnh mẽ và chắc chắn con sẽ làm được. Nhưng mẹ thót ruột mỗi lần con cầm dao. Cái bàn tay non nớt thế, cứa vào một cái thì sẽ đau mất mấy ngày và có vẻ như người đau hơn là... mẹ. Rồi đường sá đông thế, con đi ra ngoài có an toàn không? Rồi tình hình an ninh bất an thế, nhỡ mà ai “lừa”, ai “bắt” thì sao. Sách dạy đừng ép con học nhiều. Hãy để con tận hưởng tuổi thơ, để con được chơi thỏa sức, có như thế con mới được là chính con, được vùng vẫy trong sự sáng tạo, trong khao khát và đam mê. Nhưng con không có bảng điểm tốt, con khó mà thi được vào cấp hai, cấp ba, riêng điểm ưu tiên cho bạn có học lực giỏi đã chiếm phần nhiều... Sách....Và mẹ.... Có nhiều điều mẹ chưa làm được theo sách. Có nhiều điều khác biệt giữa mẹ và sách. Nhưng mẹ vẫn tin, không vì thế mà con thôi lớn lên mạnh khỏe, lành lẽ, có đam mê, có chí khí. Mẹ sẽ xem sách bằng lý trí và nuôi con bằng cả trái tim mẹ. Mẹ sẽ không ngừng đọc sách, đôi khi chỉ để thấy, mình đã “sai” thế nào và dặn lòng cố gắng đổi thay. Mẹ mang tinh thần của “sách” vào trong từng bữa ăn, giấc ngủ để biết mình đã yêu con đến nhường nào. Và con rồi hiểu mẹ, đúng không con. Chiều nay, mẹ đọc một cuốn sách nói rằng, khi nuôi con đừng đặt kì vọng nhiều lên con. Nhưng mà mẹ, mẹ vẫn không ngừng âm thầm nuôi hy vọng về một tương lai đẹp đẽ của con. Bởi nếu không thế, ai sẽ dắt mẹ qua những ngày dài thăm thẳm và những đêm sâu thật sâu... (Tặng những bà mẹ, trong suốt năm qua đã nhiều lần nói chuyện qua tin nhắn với mình. Yêu thương và đồng cảm...) Phan Hồ Điệp |