Cháo vịt cho bé không chỉ được đánh giá là món cháo đầy dinh dưỡng mà còn giúp giải nhiệt mùa hè cực tốt. Đôi khi, mẹ muốn đổi bữa cho con bằng những món cháo dễ ăn, ngon miệng thì chắc chắn cháo vịt sẽ là sự lựa chọn vô cùng hợp lý dành cho mẹ đấy.
Theo Đông y, thịt vịt là món ăn có tính mát, vị ngọt, chứa nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu và quan trọng như photpho, protein, vitamin A, B1, B2, sắt...rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những trẻ em đang trong giai đoạn ăn dặm, hoàn thiện và phát triển.
Thậm chí, nhiều nghiên cứu còn cho rừng, lượng các vi chất có trong thịt vịt còn cao hơn thịt gà. Vì thế, trong thực đơn dinh dưỡng dành cho bé, món cháo vịt là không thể thiếu.
Thịt vịt có tính mát, vị ngọt, nhiều dinh dưỡng cần thiết cho bé. (Ảnh minh họa)
Cháo vịt cho bé từ mấy tháng tuổi thì tốt nhất?
Các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng, muốn trẻ ăn dặm đúng cách thì khoảng từ 8 tháng tuổi trở lên, mẹ mới nên cho trẻ ăn các loại thịt gà, thịt vịt hay hải sản do những thực phẩm này có chứa khá nhiều chất đạm.
Trong khi đó, trẻ ở giai đoạn ăn dặm, hệ tiêu hóa vẫn chưa hoàn thiện nên thường dễ bị nhảy cảm với những đồ ăn lạ. Đồng thời, đường ruột của bé chưa hoạt động hoàn thiện nên khó có thể tiêu hóa các loại thức ăn giàu dinh dưỡng.
Cháo vịt nấu với rau gì cho bé?
Bên cạnh những tác dụng vô cùng tuyệt vời thì để món cháo vịt cho bé ăn dặm thơm ngon và bổ dưỡng nhất, mẹ nên kết hợp nấu thịt vịt với các loại rau của như rau ngót, đậu xanh, đậu que, khoai sọ, củ dền, rau cải, súp lơ, nấm rơm, cà rốt, rau chân vịt, hạt sen....
Món cháo vịt cho bé thơm ngon, giàu dinh dưỡng. (Ảnh minh họa)
4 công thức nấu cháo vịt cho bé thơm ngon
Lưu ý: Trước khi nấu cháo vịt cho bé, mẹ cần phải khử mùi hôi của vịt bằng cách ngâm thịt vịt với gừng, muối tiêu, rượu trắng. Sau đó, rửa sạch thịt với nước. Trong thời gian luộc thịt vịt thì có thể cho thêm vài lát gừng để giúp thịt thơm hơn. Ngoài cách này, mẹ cũng có thể dùng giấm hoặc chanh kết hợp với muối (lượng vừa đủ) rồi chà sát vào thịt vịt từ bên trong lẫn bên ngoài nhiều lần rồi rửa sạch.
Cách nấu cháo vịt cho bé với đậu xanh
Nguyên liệu:
- 40g vịt
- 30g gạo tẻ
- 20g đậu xanh nguyên hạt
- Vài nhánh nhỏ gừng tươi, hành lá, rau mùi
Cháo vịt cho bé nấu với đậu xanh. (Ảnh minh họa)
Cách làm:
- Thịt vịt rửa sạch (như đã hướng dẫn)
- Vo gạo và đỗ xanh cho sạch
- Gừng nướng lên cho thơm
- Cho thịt vịt, đỗ xanh, gạo và gừng đã nướng vào nồi, thêm nước vào ninh như cháo bình thường.
- Thịt vịt đã chín mềm thì vớt ra và băm nhỏ, bỏ gừng đi.
- Bắc nồi cháo lên rồi cho thịt vịt đã băm vào, nêm nếm gia vị vừa đủ (nếu như bé hơn 12 tháng).
- Cho thêm chút hành hoa, rau mùi đã thái nhỏ vào nồi cháo, đun sôi nhỏ lửa vài phút rồi tắt bếp.
- Múc ra bát và cho bé ăn khi còn nóng (mẹ hãy kiểm tra độ nóng của cháo hoặc chờ cho đến khi cháo nguội âm ấm thì cho bé ăn).
Cách nấu cháo vịt cho bé với rau ngót
Nguyên liệu:
- 50g thịt vịt sạch
- 50g rau ngót
- 1 nắm gạo tẻ
- 1 số loại gia vị thông dụng
Nấu cháo vịt cho bé với rau ngót . (Ảnh minh họa)
Cách làm:
- Sơ chế sạch thịt vịt, xát muối chanh để khử mùi hôi
- Vo gạo sạch rồi ngâm với nước ấm khoảng 30 phút
- Tuốt lá rau ngót rồi rửa sạch mang xay nhuyễn
- Gạo cho vào nồi cùng với nước rồi bắc lên bếp, nấu cháo ninh nhừ. Mẹ lưu ý, trong quá trình nấu cần phải thường xuyên khuấy cháo để cháo không bị khê hay sát nồi.
- Luộc thịt vịt trong khoảng 20-30 phút cho đến khi chín rồi vớt ra xé nhỏ, mang ra xay để giúp bé dễ ăn hơn.
- Khi cháo gạo đã chín thì mẹ cho vịt và rau ngót đã xay vào nồi, khuấy đều và đun tiếp trong khoảng 5 phút cho tất cả nguyên liệu chín hẳn. Nêm nếm gia vị vừa đủ (tùy theo độ tuổi của bé).
- Múc cháo ra bát, để cháo còn hơi ấm ấm thì cho bé ăn.
Cách nấu cháo vịt cho bé với khoai sọ
Nguyên liệu:
- 1 cái đùi vịt (hoặc cũng có thể lựa chọn phần lườn)
- 30g khoai sọ (khoảng 2 củ)
- 2 nắm gạo vừa nếp vừa tẻ
- Hành lá
Cách làm:
- Vo sạch gạo nếp gạo tẻ rồi ngâm cùng nước ấm khoảng 30-45 phút cho hạt gạo nở đều.
- Gọt vỏ khoai sọ rồi đem luộc chín, xay nhuyễn.
Cháo vịt cho bé nấu với khoai sọ. (Ảnh minh họa)
- Rửa sạch thịt vịt, khử mùi hôi và lọc thịt, bỏ ra, mang băm nhỏ hoặc xay nhuyễn để ra bát.
- Phần xương vịt cho vào ninh cùng để lấy nước ngọt trong khoảng 30 phút, lọc lấy phần nước và loại bỏ phần xương dăm.
- Cho gạo đã ngâm vào ninh cùng với nước vịt khoảng 1 giờ đồng hồ.
- Đợi cháo đã nhuyễn và quánh lại, mẹ cho thịt vịt, khoai sọ vào nồi cháo, khuấy thêm khoảng 5 phút rồi cho hành lá, nêm nếm gia vị vừa đủ rồi tắt bếp.
- Đổ cháo ra bát, chờ cháo chỉ còn ấm ấm thì cho bé ăn.
Cách nấu cháo vịt cho bé với đậu que, hạt sen
Nguyên liệu:
- 30g thịt vịt
- 30g đậu que
- 10g hạt sen
- 3ml dầu ăn
- 30g gạo nếp, gạo tẻ
Cách làm:
- Mẹ ngâm hạt sen trong nước khoảng 1h để giúp hạt sen mềm hơn khi ninh
- Gạo vo sạch rồi cho cả gạo và hạt sen đã ngâm vào nồi ninh nhừ.
- Thịt vịt rửa sạch, khử mùi hôi, bỏ da và xay nhỏ (mẹ nên cho thêm chút nước vào thịt vịt rồi xay cho đỡ bị vón cục)
Cách nấu cháo vịt cho bé với đậu que, hạt sen. (Ảnh minh họa)
- Đậu que nhặt rồi rửa sạch, mang luộc qua rồi băm hoặc xay nhỏ.
- Khi cháo gạo và hạt sen chín nhừ thì mẹ lấy hạt sen ra đánh nhuyễn.
- Lần lượt cho thịt vịt vào nấu cùng cháo khoảng 3-4 phút thì cho đậu que vào trộn đều lên, đun sôi đến khi cháo chín thì tắt bếp.
- Nêm nếm thêm chút dầu ăn, gia vị rồi múc ra bát đợi đến khi còn ấm nóng thì cho bé ăn.
Với món cháo vịt cho bé, mẹ chỉ nên cho ăn khi bé đã quen ăn cháo thịt gà. Thời gian mới bắt đầu cho bé ăn cháo vịt, mẹ chỉ nên dùng với lượng nhỏ và chú ý quan sát xem bé có xảy ra bất kì dị ứng nào không. Nếu thấy không có biểu hiện dị ứng, bữa ăn sau, mẹ có thể tăng lượng thịt vịt trong cháo hơn.