Theo Tiến sĩ Bùi Phương Thảo - Phó khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi TW): Trẻ dậy thì sớm có thể bị ảnh hưởng cả về tâm sinh lý lẫn sức khỏe.
Lo lắng về tình trạng của con gái 4 tuổi mà đã có dấu hiệu dậy thì, một độc giả tâm sự:
"Đợt này bé Nhím con em bỗng cao vổng lên và "có da có thịt" hơn. Để ý mới thấy, dạo này con cũng duyên dáng hơn rất nhiều. Nhím còn chau chuốt đầu tóc và biết ăn mặc gọn gàng sạch sẽ hơn. Chưa kịp vui mừng thì hôm trước, lúc thay cho Nhím cái váy để đi sinh nhật bạn, em tá hỏa phát hiện ra một bên ngực bé đã to hơn rất nhiều. Em chạm tay vào thì con còn ré lên kêu đau nữa.
Rồi sáng nay, khi giặt quần áo cho bé, em còn phát hiện ra trên quần chíp của con dính thứ gì đó giống như khí hư ở người lớn vậy. Dù trước đó chưa bao giờ em thấy quần nhỏ của con bị như thế. Em lo lắng quá! Cứ nghĩ đến là người em run lên. Em đã nghe nhiều về các trường hợp bé dậy thì sớm, chẳng lẽ con em cũng nằm trong số đó sao - khi bé mới có 4 tuổi? Em phải phải đưa con đi kiểm tra ở đâu, và nếu bé dậy thì sớm thật thì phải điều trị như thế nào?"
Trả lời những thắc mắc của mẹ Nhím, Tiến sĩ Bùi Phương Thảo - Phó khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: "Bé gái 4 tuổi mà có tuyến vú phát triển, có dịch âm đạo và tâm lý thay đổi là những biểu hiện bất thường. Bố mẹ cần đưa bé đến bệnh viện để khám với bác sĩ nội tiết, đặc biệt là bác sĩ nội tiết nhi để kiểm tra xem có phải dậy thì sớm hay không".
Tiến sĩ Bùi Phương Thảo - Phó khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi Trung ương)
Cũng theo Tiến sĩ - bác sĩ Thảo, trong những trường hợp như vậy, bệnh nhi sẽ được chụp X-quang tuổi xương. Vì nếu là dậy thì sớm, bé sẽ luôn luôn có hoóc môn sinh dục cao khiến cốt xương đóng sớm, dẫn đến tuổi xương tăng nhanh và cao hơn so với tuổi thực.
Đó là xét nghiệm sàng lọc xem tuổi xương có gì bất thường hay không. Nếu có, trẻ sẽ được làm tiếp xét nghiệm máu xem hoóc môn sinh dục của bé cao đến mức nào; siêu âm bụng xem có khối u bất thường trong ổ bụng hay không; thậm chí, bé phải được chụp não xem có khối u ở não hay không nữa,...
Dậy thì sớm có ảnh hưởng nặng nề tới trẻ
Tiến sĩ Bùi Phương Thảo cho biết: "Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ dậy thì sớm có thể bị ảnh hưởng cả về tâm sinh lý lẫn sức khỏe:
- Về tâm sinh lý: Dậy thì sớm khiến bé sợ hãi, lo lắng khi ngực/ dương vật to hơn bình thường, khiến con cảm thấy lạc lõng so với bạn bè. Hơn nữa, trẻ dậy thì sớm còn dễ đối mặt với nguy cơ bị lạm dụng. Ngoài ra, trẻ bị dậy thì sớm cũng khiến bố mẹ lo lắng, sợ hãi,…
- Về sức khỏe: Gây tăng tiết hoóc môn sinh dục liên tục, làm đóng cốt xương sớm. Do đó, so với các bạn khác, trẻ có ít thời gian hơn để phát triển chiều cao. Đến khi trưởng thành, chiều cao của trẻ sẽ thấp hơn so với trẻ khác. Chưa kể những trường hợp dậy thì sớm gây tổn thương đến sức khỏe (ví dụ dậy thì sớm do u não), gây mãn kinh sớm về sau này,…"
Điều trị dậy thì sớm
Tiến sĩ Bùi Phương Thảo lưu ý thêm: "Khi trẻ có những dấu hiệu nghi ngờ là dậy thì sớm, bố mẹ nên đưa con đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng nặng nề tới tương lai của con. Điều trị dậy thì sớm ở trẻ được tiến hành như sau:
Trẻ dậy thì sớm có thể khiến chiều cao giảm đi tới 10cm. (Ảnh minh họa)
Trong trường hợp trẻ bị dậy thì sớm trung ương (dậy thì sớm do kích hoạt của vùng dưới đồi tuyến yên hoặc tuyến sinh dục, hoặc có thể là vô căn (chủ yếu hay gặp ở bé gái), hay các trường hợp u não đặc biệt ở trẻ nam gây dậy thì sớm): Điều trị bằng biệt dược Dipherelin - Dẫn xuất của GnRH để ức chế dậy thì sớm.
Trẻ sẽ được tiêm bắp 4 tuần 1 lần từ khi phát hiện ra đến khi trẻ được 11 tuổi, hoặc đến khi gia đình và bản thân trẻ muốn dừng lại. Nếu không được điều trị thì khi trưởng thành, trẻ có thể bị giảm chiều cao tới 10cm. Chẳng hạn, nếu không được điều trị dậy thì sớm, sau này trẻ chỉ cao 150cm, nhưng trường hợp được điều trị, trẻ có thể cao tới 160cm. Vì vậy, nếu thấy bé có biểu hiện bất thường, bố mẹ cần đưa con đến viện để được khám và điều trị kịp thời.
Đối với dậy thì sớm ngoại biên: Nếu siêu âm thấy có khối u ổ bụng thì cần định vị xem khối u đó nằm ở đâu, và phải cắt. Một số trường hợp khác thì tùy theo bệnh lý, ví dụ tăng sản thượng thận bẩm sinh gây dậy thì sớm ở trẻ trai thì dùng thuốc uống để ức chế dậy thì.
Với trường hợp trẻ có tuyến vú phát triển sớm: Khi xét nghiệm không thấy có dấu hiệu gì đặc biệt: Tuổi xương không tăng, siêu âm ổ bụng không thấy gì bất thường,… mà chỉ có vú to hơn bình thường, thì gọi là tuyến vú phát triển sớm. Trường hợp này không phải dùng thuốc ức chế dậy thì. Bố mẹ chỉ cần theo dõi biểu hiện của con từ 3 đến 6 tháng, sau đó khám lại".