“Mẹ ơi, mẹ dựa lưng vào lưng con. Mẹ cho con mượn mái tóc mẹ một chút nhé, lâu lắm rồi con mới có tóc”.
Câu nói thỏ thẻ ấy của Nguyệt Vy (facebook Nguyet Vy) khiến vợ chồng chị Nguyệt (40 tuổi) và anh Khởi (42 tuổi, ở Hà Nội) như có thứ gì đó nghẹn lại ở cổ. Đôi mắt anh chị lại trực trào bởi thời gian, bệnh ung thư máu thật là nghiệt ngã. Mới 8 tháng thôi, nó lấy đi mái tóc, sức khỏe của con gái anh chị – cô bé 7 tuổi hồn nhiên, trong trẻo.
Thì ra Nguyệt Vy nhớ lắm mái tóc dài trước đây của mình và bố Khởi đã nhanh tay chụp một kiểu ảnh với mái tóc mới tự tạo cho con.
Trong mơ mẹ không bao giờ dám nghĩ con gái bé bỏng bị căn bệnh quái ác…ung thư máu
Đưa đôi mắt nhìn xa xăm, chị Nguyệt đang cố gắng quay lại thước phim của những ngày tháng 10 năm ngoái. Chị không nhớ chính xác ngày ấy gia đình mình làm những việc gì nhưng chị biết đó là những ngày chị hạnh phúc với tổ ấm nhỏ của mình, cả 2 vợ chồng đều có công việc ổn định, nhà cửa, xe cộ đầy đủ và 2 đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu. Thế nhưng sự đối lập của ngày này năm sau thật là nghiệt ngã, trớ trêu. Chị đang phải cùng con gái thứ 2 Nguyệt Vy 7 tuổi từng ngày, từng giờ chiến đấu với căn bệnh ung thư máu ở Hàn Quốc.
Giới hạn của hạnh phúc và nỗi đau thật quá mong manh. Nó mong manh đến đỗi chị Nguyệt không thể nào ngờ tới, chỉ một lần đau chân của con khiến gia đình chị chao đảo, sụp đổ.
Gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má, chị Nguyệt kể, suốt cuộc đời này có lẽ chị không bao giờ quên được ngày 21/2/2018. Đó là ngày tồi tệ nhất của gia đình chị khi nhận tin dữ con gái thứ 2 bị ung thư máu.
“Con khỏe mạnh, dễ nuôi hơn anh vậy mà sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán bỗng dưng con kêu đau chân. Con đau đến nỗi không thể ngủ được một giây phút nào. Linh tính của người mẹ mách bảo có chuyện chẳng lành. Hôm sau chồng mình đưa con đi khám thì kết quả giống như bản án tử chờ sẵn dành cho con - bạch cầu cấp (dòng Lympho thể L2)”, chị Nguyệt rưng rưng kể.
Nghe đến đây, chị như rụng rời bởi đến ngay cả trong giấc mơ của mình chị cũng không bao giờ dám nghĩ con gái bé bỏng lại mắc căn bệnh quái ác ấy. Chị hận căn bệnh này bởi cách đây 10 năm, nó cũng cướp đi em gái ruột của chị khi ấy vừa tròn 24 tuổi. Và giờ đây nó đã quay trở lại trên cơ thể nhỏ bé của con gái chị, hành hạ những người thân yêu nhất của chị.
Cũng từ ngày đó, nỗi sợ hãi bủa vây trong lòng chị, chị sợ khi nghĩ đến khoảng thời gian được bên con. Bao lâu như thế này nữa chị được nhìn con cười, bao lâu như này nữa chị được nhìn con khóc và bao nhiêu lần như này nữa chị được nghe con nói rằng “con yêu mẹ”. Chị cũng không biết còn bao lâu nữa nhưng chị biết tim chị nhói đau, chị sợ một ngày nào đó thức dậy không còn con bên cạnh giống như một ngày nào đó của những năm về trước thức dậy không còn em gái bên cạnh nữa.
8 tháng chiến đấu, dù chỉ còn 1% hy vọng mẹ cũng sẽ nắm lấy
Chị Nguyệt tâm sự, trong lúc bóng tối bủa vây ngôi nhà nhỏ của chị, sự ngây thơ, hồn nhiên, không hề biết bệnh của con đã tiếp thêm sức mạnh để vợ chồng chị quyết chiến đấu giữ con bên mình. Vậy là vợ chồng chị cùng con điều trị ở bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung Ương 4 tháng trời.
Suốt 4 tháng ấy và đến tận bây giờ, Nguyệt Vy vẫn không hề biết mình mang căn bệnh quái ác, em đều đối diện với những lần điều trị bằng sự hồn nhiên, trong trẻo nhất của mình.
Chị Nguyệt kể, những ngày đầu nằm viện Vy sợ lắm, sợ bị tiêm, sợ bị lấy máu, sợ bị chọc tủy, trong khi những điều ấy em phải đối diện hàng ngày, hàng giờ. Mỗi lần nhìn thấy cô y tá hay bác sĩ, Vy lại trùm chăn kín mít để trốn, rồi vùng vẫy, khóc lóc, đòi về nhà…. Nhưng rồi mọi thứ cũng qua, Vy cũng phải dần thích nghi với cuộc sống đó thay vì sách vở, bạn bè, trường lớp.
Khoảng thời gian Vy nằm viện Huyết học Truyền máu Trung Ương là những ngày tháng chị Nguyệt lo nhất. Hàng ngày chứng kiến cảnh các bé khác ra đi như nỗi ám ảnh trong lòng chị rồi những giọt nước mắt không ngừng rơi tưởng chừng như tuyệt vọng khi bác sĩ nói trường hợp của Vy là trường hợp hiếm gặp, không đáp ứng với phác đồ điều trị.
Lúc đó, mọi cánh cửa cứu sống con đóng sập trước mặt chị, nỗi sợ hãi, thất vọng bao trùm lấy chị bởi chị chỉ còn đếm từng ngày ngắn ngủi để được ở bên con. Thế nhưng, trong lúc rơi vào hố sâu tuyệt vọng ấy, chị tìm được ánh sáng, ánh sáng của 1% hy vọng.
“Dù chỉ còn 1% hy vọng mình cũng sẽ nắm lấy. May mắn, trong lúc tăm tối nhất mình thấy được ánh sáng le lói khi gặp giáo sư Kim Chul Soo – người đã hai lần ghép tủy thành công cho hai bệnh nhân Việt Nam và cứu họ thoát khỏi bàn tay tử thần. Vậy là 2 mẹ con khăn gói ra đi trong chuyến bay vội vàng đến Hàn Quốc để tìm kiếm cơ hội mới”, chị Nguyệt tâm sự.
Nguyệt Vy luôn lạc quan, vui vẻ, em không hề biết mình bị căn bệnh quái ác.
Kể từ khi con nằm viện, chị nghỉ hết việc cơ quan để chăm sóc con. Gia đình chị cũng bán hết xe hơi, nhà, rút tiền tiết kiệm rồi vay mượn để có 2 tỷ cho con sang Hàn điều trị. Ở Hàn chỉ có 2 mẹ con, không người thân, không hiểu ngôn ngữ, một mình chị luôn phải mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho con.
“Ban đầu con vào viện Incheon Medical Center nơi bác sĩ Kim Chul Soo làm viện trưởng nhưng do kết quả xét nghiệm của bé không tốt, tế bào ác tính chiếm 50% tủy xương, nên chuyển sang Bệnh viện Đại học INHA.
Con trải qua hết cuộc chọc tủy này đến lần tiêm tủy khác và tiều tụy vì đau đớn, phải đặt buồng tiêm trong ngực bởi các mũi tiêm hóa chất khiến ven ở hai cánh tay vỡ hết. Kết thúc ba tuần nhưng bệnh của con không thuyên giảm mà phát triển theo chiều hướng xấu nên con tiếp tục được điều chuyển sang Bệnh viện Samsung Medical Center.
May mắn, 2 tháng chữa bệnh tại đây, con đáp ứng tốt phác đồ điều trị và có được kết quả như ý. Bác sĩ cũng đã tìm được tủy phù hợp cho con, theo dự tính 25 ngày nữa con được ghép tủy nhưng chi phí quá lớn, mình không biết phải làm sao. Hiện con đang được chuẩn bị sức khỏe chuẩn bị các khâu cuối trước khi bước vào ca ghép tủy với tỷ lệ thành công khoảng 70%”, chị Nguyệt cho hay.
Mẹ ơi, ước gì con không được sinh ra trên cõi đời này
Được biết, chi phí điều trị, ghép tủy sắp tới của Nguyệt Vy lên tới 300 nghìn USD (khoảng 7 tỷ đồng). Số tiền ấy lớn gấp 3 lần chi phí dự kiến ban đầu, gia đình chị phải bán nốt căn nhà – tài sản cuối cùng nhưng cũng không đủ. Chị vừa chăm con lại vừa tranh thủ làm việc online, còn chồng chị cũng phải cố gắng nỗ lực nhưng cũng không được. Những lúc như vậy, chị Nguyệt lại cảm thấy bất lực bởi con đường đến với phép màu sao mà gian nan quá.
Đã nhiều lúc chị định ôm con trở về Việt Nam nhưng mỗi lúc như vậy bên tai chị lại vang lên những câu nói ngây thơ của con “Mẹ ơi mấy tháng nữa thì con khỏi bệnh? Mấy tháng nữa con được về Việt Nam đi học”; “Con nhớ đi học lắm mẹ ạ! Con chán nằm viện lắm rồi!” hay “Mẹ ơi, ở dưới địa ngục có đáng sợ không mẹ?”, "Mẹ ơi, người ta chết đi rồi có sống lại được lần nữa không?; “Mẹ ơi, ước gì con không được sinh ra trên cõi đời này”, rồi ''Sao con đau mỗi cái chân mà chữa gì mà lâu thế''; “Mẹ ơi, may con không bị bệnh ung thư. Con sợ bệnh ung thư lắm!” và hàng ngàn câu nói "Mẹ ơi" khác nữa khiến lồng ngực chị căng nghẹn, ruột gan đau xé.
Nhiều lúc chị đã cố vực dậy để làm chỗ dựa cho con nhưng không ngày nào chị không rơi nước mắt khi nhìn thấy sự hồn nhiên, thấy gương mặt thánh thiện đang say giấc ngủ và cả những lúc con đau đớn, kiệt sức khi chọc tủy, truyền hóa chất.
“Con điều trị bị rụng hết tóc. Hôm rồi con bảo mình "Mẹ dựa lưng vào lưng con đi. Mẹ cho con mượn tóc của mẹ một chút nhé!" Bố con nhanh tay chụp cho con kiểu ảnh đưa con xem, con cười bảo “Lâu lắm rồi con mới có tóc”. Thì ra con nhớ mái tóc dài trước đây của mình. Con bị bệnh nằm viện lâu nên bảo rằng sau này sẽ không lấy chồng nữa vì lấy chồng sinh con chẳng may con ốm lại vất vả như bố mẹ bây giờ đang chăm con”, chị Nguyệt nghẹn lại.
Chị Nguyệt tâm sự, chị sẽ chấp nhận đánh đổi tất cả và đánh cược số phận để giúp con chạm lấy ánh nắng của sự sống. Dù biết khoảng cách đó còn rất gian nan bởi chi phí quá lớn nhưng còn 1% hy vọng thì chị còn niềm tin.
“Con nhất định phải sống để mẹ còn được nhìn con trưởng thành, được nhìn con vào Đại học rồi con đi làm và sau này con chăm sóc bố mẹ nữa. Mẹ chỉ mong sao gia đình mình ở bên nhau và sống một cuộc đời bình dị!”, chị Nguyệt nhắn nhủ.