Khi con gái 11 tháng tuổi bỗng lên cơn co giật, ngưng thở, anh Sam liền vận dụng ngay những kĩ thuật hồi sức tim phổi để chờ đội cấp cứu đến.
Khoảnh khắc đối diện với tử thần sắp cướp mất đi tính mạng của mình và tính mạng của người thân chắc chắn là giây phút đáng sợ nhất đối với mỗi người. Cảm giác đó còn nhân lên gấp bội đối với những bậc cha mẹ. Một cặp vợ chồng người Úc vừa trải qua những giây phút vô cùng đáng sợ như thế.
Theo chia sẻ từ phía bà mẹ 2 con - Giaan Rooney (35 tuổi), vào tối ngày 22/5 vừa qua, con gái chị - bé Lexi (11 tháng tuổi) bỗng lên cơn co giật, ngưng thở và tím tái người. Vợ chồng chị vô cùng sợ hãi trước những biểu hiện của con.
Vợ chồng chị Giaan vừa trải qua những giờ phút tưởng chừng như sắp mất con.
Tuy nhiên, nhờ được học trước những kĩ thuật ứng phó trong một lần tham gia khóa học cách đó vài năm, chồng chị - anh Sam Levett, đã bình tĩnh tiến hành các bước hồi sức tim phổi (CPR) cho con gái, còn chị Giaan thì gọi xe cấp cứu khẩn cấp.
Sau khi được chuyển đến bệnh viện Đại học Gold Coast, các bác sĩ chẩn đoán cô bé Lexi bị nhiễm một loại virus nên thân nhiệt đột ngột tăng cao dẫn đến co giật. Rất may rằng bé đã qua nguy hiểm sau 15 giờ trong bệnh viện và bố mẹ em đã theo dõi thân nhiệt cho em 48 tiếng sau đó.
Cũng theo cặp vợ chồng, sự may mắn qua cơn nguy kịch của Lexi một phần cũng nhờ vào những kĩ thuật cấp cứu tạm thời của anh Sam trước khi xe cấp cứu đến. Những kĩ thuật đó được anh học tại một khóa học trong những ngày đầu làm cha.
Chính vì thế, chị Giaan một lần nữa lên tiếng kêu gọi tất cả những ông bố bà mẹ và những người sắp làm cha mẹ hãy trang bị cho mình thật nhiều kiến thức xử lý các tình huống cấp bách có thể xảy đến với con nhỏ để các bé không gặp phải những tai nạn đáng tiếng nhất.
Kỹ thuật hồi sức tim phổi thực hiện như thế nào?
Trên thực tế, trường hợp trẻ nhỏ gặp nạn dẫn đến ngưng thở là rất phổ biến. Thậm chí cũng có bé không may mắn qua khỏi và tử vong. Vì thế, trong trường hợp xảy ra tương tự như cô bé Lexi, các bậc cha mẹ cũng có thể áp dụng kỹ thuật hồi sức tim phổi.
Theo thông tin được chia sẻ trên báo Sức khỏe và Đời sống, hồi sức tim phổi là một kỹ thuật cứu sinh hữu ích trong nhiều tình huống cấp cứu, bao gồm đau tim hoặc đuối nước, trong đó nạn nhân bị ngừng thở hoặc ngừng tim.
Khi tim ngừng đập, tình trạng thiếu máu có oxy trong vòng vài phút có thể gây tổn thương não không hồi phục. Tử vong sẽ xảy ra trong vòng 8 - 10 phút. Thời gian là rất cấp bách khi bạn phải giúp một người đang bất tỉnh và bị ngừng thở.
Trước khi bắt đầu hồi sức tim phổi hãy đánh giá tình hình xem người bệnh tỉnh hay không rồi mới tiến hành hồi sức.
1. Đường thở: Làm thông đường thở
- Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng vững chắc.
- Quỳ xuống cạnh cổ và vai nạn nhân.
- Mở thông đường thở của nạn nhân bằng cách đẩy cằm lên: Đặt lòng bàn tay bạn lên trán của nạn nhân và đẩy nhẹ xuống. Sau đó dùng tay kia đẩy nhẹ cằm ra trước để mở thông đường thở.
- Kiểm tra nhịp thở bình thường, tiến hành nhanh, không quá 10 giây: Tìm cử động của ngực, nghe tiếng thở, và cảm nhận hơi thở của nạn nhân vào má hoặc tai bạn. Đừng coi tiếng thở hổn hển là bình thường. Nếu nạn nhân không thở bình thường hoặc bạn không dám chắc, hãy bắt đầu hà hơi thổi ngạt kiểu miệng-miệng.
2. Thổi ngạt: Thở cho nạn nhân
- Hà hơi thổi ngạt có thể thực hiện theo kiểu miệng-miệng hoặc miệng-mũi nếu miệng bị tổn thương nặng hoặc không thể mở được.
- Khi đường thở đã thông (bằng cách đẩy cằm ngửa lên trên), hãy kẹp chặt mũi nạn nhân để hà hơi thổi ngạt miệng-miệng và áp miệng bạn vào miệng nạn nhân.
- Chuẩn bị thổi ngạt hai hơi. Thổi ngạt hơi thứ nhất - kéo dài một giây - và nhìn xem lồng ngực có nâng lên không. Nếu không, thổi ngạt hơi thứ hai. Nếu lồng ngực không nâng lên, đẩy cằm ngửa lên trên lại và thổi ngạt lần thứ hai.
3. Bóp tim ngoài lồng ngực: Phục hồi tuần hoàn máu
- Đặt gốc cổ tay lên giữa ngực nạn nhân, giữa các xương sườn. Đặt tay kia lên trên tay này. Giữ cho bả vai thẳng góc với bàn tay.
- Dùng sức nặng của thân trên khi bạn ấn thẳng lồng ngực xuống khoảng 3,5-5cm. Ấn mạnh và nhanh: ấn 2 lần mỗi giây, hoặc khoảng 100 lần/phút.
- Sau khi ấn 30 cái, đẩy đầu ngửa ra sau và nâng cằm lên để mở đường thở. Chuẩn bị thổi ngạt hai hơi. Kẹp chặt mũi và thổi vào miệng nạn nhân trong một giây. Nếu lồng ngực phồng lên, thổi ngạt hơi thứ hai. Nếu lồng ngực không phồng lên, đẩy cằm ngửa lại và thổi ngạt lần thứ hai. Đó là một chu kỳ.
- Nếu nạn nhân chưa cử động sau 5 chu kỳ (khoảng 2 phút) và có sẵn máy khử rung tim ngoài tự động, hãy mở máy và làm theo hướng dẫn. Nếu bạn chưa được đào tạo về cách sử dụng máy khử rung hãy đợi sự trợ giúp của nhân viên y tế. Trong lúc đó tiếp tục hồi sức tim phổi cho đến khi có dấu hiệu cử động.