Tít à, mẹ xin lỗi! Xin lỗi vì đã làm tổn thương con.
Lần đầu tiên, sau hơn 10 năm chung sống, bố mẹ có trận tranh luận 'nảy lửa'. Khi biết bố lấy hết tiền chắt chiu đi mua cổ phiếu bị thua lỗ mà không bàn qua với mẹ, mẹ đã định cố gắng nín nhịn vì không muốn gây căng thẳng trước mặt con nhưng mẹ đã thất bại! Mẹ biết lẽ ra mình không nên khơi mào 'cuộc chiến' khi con đang gần bên. Tuy nhiên, lý trí của mẹ đã không thắng nổi cơn giận đang sục sôi kia và mẹ đã phạm sai lầm! Mẹ đã thả nổi sự bực tức mà vô tình quên đi ‘khán giả’ bất đắc dĩ là con. Vậy là, dù không muốn, mẹ đã làm tổn thương đến tâm hồn non nớt của con.
Chiều nay, đón con từ lớp mẫu giáo về, mẹ thấy con rụt rè cứ đưa tay ra muốn ôm mẹ nhưng rồi lại co vào. Hình như con sợ và muốn giữ khoảng cách với mẹ? Ý nghĩ thoáng qua khiến lòng mẹ như có kim châm. Để phá vỡ bầu không khí căng thẳng, mẹ gợi chuyện: “Hôm nay ở lớp có chuyện gì không Tít?”. Con im lặng. Mẹ kiên nhẫn nhắc lại lần 2, con bâng quơ: “Không”. Qua một ngã tư, dừng đèn đỏ đến hơn 1 phút. Mẹ quay lại nhìn con. Nước mắt con lăn dài trên má. Mẹ cuống quýt: “Con sao thế? Con mệt sao?” Con nấc nghẹn, lắc đầu, ấp úng: “Con… con muốn ôm mẹ mà con… con sợ?”. Mẹ sững người: “Sao con sợ?” – “Con, con… không biết!”… nói rồi con vòng tay ôm mẹ chặt thật chặt, thổn thức: “Mẹ với bố đừng chiến tranh nữa. Con sợ…”
Tít à, mẹ xin lỗi! Xin lỗi vì đã làm tổn thương con. (Ảnh minh họa)
Đến bây giờ, dù cơn giận bố chưa nguôi ngoai nhưng nhớ lại ánh mắt sợ hãi của con tim mẹ lại nhói đau. Lần đầu tiên, con ôm ghì mẹ chặt đến thế, môi mấp máy không nói thành lời, ánh mắt nhìn mẹ như van lơn “Con xin mẹ đừng nóng”… Sự thỏa mãn cơn giận của mẹ phải trả giá bằng khuôn mặt tái nhợt, hốt hoảng của con thế sao?! Mẹ ân hận quá! Chỉ vì không kiềm chế được cảm xúc, mẹ đã để lại trong lòng con một bóng tối đáng sợ.
Tít à! Mẹ sẽ trả lại nụ cười rạng rỡ và ánh mặt trời cho con. Mẹ không 'chiến tranh' với bố nữa đâu! Con đừng lo nhé!
Tâm sự của độc giả Khánh Vân (van_khanh_nguyen...@...)
Lời bàn Trong cuộc sống vợ chồng, cãi nhau là chuyện khó tránh khỏi. Và trong những lần xung đột đó, chắc chắn con cái của bạn cũng đôi ba lần là khán giả bất đắc dĩ. Câu hỏi được đặt ra là: Cãi nhau trước mặt con gây ra hậu quả gì? Trước tiên, nếu bạn dùng những lời lẽ thô tục khi cãi nhau với vợ/chồng hoặc thể hiện một thái độ lấn át, bắt nạt chồng/vợ thì hệ quả tất yếu là trẻ sẽ bắt chước những hành động đó của bố mẹ và có khuynh hướng bạo lực với bạn bè, người thân... Thứ nữa là trẻ sẽ hình thành tâm lý sợ hãi, lo âu mỗi lần cha mẹ cãi nhau. Sau đó, chúng trở nên chán ghét điều đó. Nguy hiểm hơn, lâu dần trẻ sẽ rơi vào trạng thái chán nản, bế tắc, không muốn tiếp xúc với bạn bè và sống thu mình. Đặc biệt, tương lai khi xây dựng gia đình, trẻ thường nóng nảy, khó kiểm soát bản thân... Nếu vô tình để trẻ chứng kiến được những xung đột không hay thì bạn đừng vội lấp liếm. Hãy thẳng thắn nói chuyện và xin lỗi con. Nói với con rằng cả bố và mẹ đều rất yêu con. |