Trẻ bị tay chân miệng cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ và có chế độ ăn uống đủ chất.
Bệnh tay chân miệng tuy không quá nguy hiểm nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng. Vì vậy mẹ cần có chế độ chăm sóc trẻ bị tay chân miệng phù hợp để bé nhanh khỏi bệnh.
1. Dấu hiện trẻ bị tay chân miệng
Khi bị tay chân miệng, bé có thể có một hoặc một số các triệu chứng sau đây:
- Sốt, viêm họng, mệt mỏi.
Bé bị phát ban đỏ không ngứa, đôi khi phồng rộp. (Ảnh minh họa)
- Các nốt rát đỏ hoặc lở loét xuất hiện trên lưỡi, nướu và bên trong má.
- Phát ban đỏ không ngứa, nhưng đôi khi phồng rộp ở lòng bàn tay, lòng bàn chây và mông.
- Ăn mất ngon.
Thông thường, thời kì từ lúc nhiễm bệnh cho đến khi xuất hiện dấu hiệu và triệu chứng là 3-6 ngày. Sốt thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh tay chân miệng, tiếp theo là đau họng và thỉnh thoảng bỏ ăn và khó chịu.
1 hoặc 2 ngày sau khi sốt, các vết đỏ gây đau có thể xuất hiện ở miệng và cổ họng. Các vết phát ban nổi lên ở bàn tay, bàn chân và mông trong 1 hoặc 2 ngày.
Các vết loét ở miệng và cổ họng cũng có thể là dấu hiệu của việc bé bị nhiễm vi rút herpangina. Nếu bé bị nhiễm herpangina thì sẽ thường sốt cao đột ngột và co giật. Các vết loét trên bàn tay, bàn chân hoặc các bộ phận cơ thể khác là rất hiếm. Cha mẹ cần phân biệt giữa hai loại bệnh để có cách điều trị thích hợp.
2. Cách chăm sóc trẻ mắc tay chân miệng để bé nhanh khỏi
Cách ly bé:
Khi phát hiện bé có dấu hiệu tay chân miệng, mẹ nên đưa bé đi khám bác sĩ để xác định đúng bệnh. Nếu bé được chuẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng thì ba mẹ cần cho bé cách ly ở trong phòng để phòng tránh lây lan tạo nên ổ dịch.
Chế độ dinh dưỡng đầy đủ:
Để giúp bé nhanh khỏi bệnh mẹ cần có chế độ chăm sóc phù hợp, cho bé ăn uống đầy đủ để tăng cường sức đề kháng.
- Đối với trẻ đang bú sữa mẹ cần cho bé bú như bình thường và nên tăng số lần cho bé bú.
- Nên cho bé ăn những món bé thích.
- Thức ăn cần được làm mềm mịn, lỏng để giúp bé không bị đau miệng. Một số loại thực phẩm mẹ nên cho bé ăn bao gồm cháo, súp, sữa chua, sữa, phô mai,...
- Khi bị tay chân miệng bé có thể ăn ít hơn bình thường vì vậy mẹ cần chia nhỏ bé ăn để giúp bé ăn được nhiều hơn.
- Tăng cường cho bé uống nước hoa quả và ăn rau xanh, trái cây để bổng sung vitamin.
- Nếu bé không muốn ăn nữa thì mẹ không nên ép buộc. Cho bé uống 1 ly sữa để bù vào.
- Bé cần ăn từ 3 đến 5 bữa/ ngày. Các bữa ăn cần đầy đủ chất dinh dưỡng. Thời gian ăn cách nhau từ 3 đến 4 giờ.
- Sau khi ăn cho bé súc miệng bằng nước muối.
Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ
Khi trẻ bị tay chân miệng điều quan trọng nhất là mẹ cần giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé.
- Tắm rửa cho bé mỗi ngày bằng nước sạch và xà phòng sát khuẩn. Mẹ nên nhẹ nhàng tắm cho bé để không làm tổn thương da, phòng tắm cần kín gió.
Khuyến khích bé rửa tay thường xuyên. (Ảnh minh họa)
- Bé cần rửa tay bằng xà phòng thường xuyên để giảm bớt sự lây lan.
- Vật dụng ăn uống hàng ngày của bé nên được tiệt trùng và không sử dụng chung.
- Quần áo, đồ chơi của bé cần được sát khuẩn bằng nước sôi hoặc các dung dịch sát khuẩn.
- Mẹ hoặc người chăm sóc cho bé cần rửa tay sạch sẽ trước và sau khi tiếp xúc với bé.
3. Trường hợp cần đến bác sĩ
Bệnh tay chân miệng thường là bệnh nhẹ và chỉ gây ra sốt vài ngày. Các dấu hiệu và triệu chứng tương đối nhẹ. Tuy nhiên, mẹ vẫn nên đưa bé đi khám để xác định đúng bệnh và có các lời khuyên chăm sóc phù hợp.
Trong trường hợp sốt hơn 38 độ C với trẻ dưới 3 tháng tuổi và cao hơn 39 độ C với trẻ dưới 6 tháng mẹ nên đưa bé đến bác sĩ. Trong trường hợp bé không hạ sốt trong 2 ngày bé cũng cần được đưa đi viện.
Mẹ cũng cần để ý xem bé bị mất nước không? Nếu bé bị đau họng không thể uống nước hoặc ăn uống ít hơn bình thường thì cần đưa bé đi khám.
Bệnh tay chân miệng có thể có nhiều biến chứng nguy hiểm vì vậy mẹ cần để ý đến bé thường xuyên, đặc biệt khi bé ngủ.
Theo Bs. Trần Thị Hạnh cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, với những trẻ bị tay chân miệng thể nhẹ (chỉ có mụn nước và loét miệng), có thể chăm sóc và theo dõi điều trị ở nhà. Cụ thể: - Về dinh dưỡng: Cho trẻ uống nhiều nước mát và ăn thức ăn dễ tiêu. Không làm trẻ đau họng thêm bằng cách dùng muỗng mềm cho ăn, không cho ngậm vú nhựa, không cho ăn, uống đồ có vị chua hoặc có gia vị. - Thuốc men: Chỉ dùng thuốc paracetamol để hạ sốt và giảm đau và các thuốc khác do bác sĩ kê. Bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các vị trí bị thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Có thể súc miệng bằng nước muối loãng nếu trẻ súc được. - Cách ly và thực hiện vệ sinh thân thể: Cách ly trẻ bị bệnh với các trẻ khác trong nhà. Người lớn khi tiếp xúc và chăm sóc trẻ bệnh nên mang khẩu trang y tế cho mình và cho cả trẻ bệnh, sau khi tiếp xúc nên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch ngay để hạn chế sự lây lan khi phải chăm sóc trẻ lành. Quần áo, tã lót của trẻ bệnh nên được ngâm dung dịch sát khuẩn như cloramin B 2% hoặc luộc nước sôi trước khi được giặt sạch sẽ bằng xà phòng và nước sạch. Vật dụng cá nhân ăn uống của trẻ như bình sữa, ly uống nước, chén ăn cơm, muỗng ăn... nên được luộc sôi và sử dụng riêng biệt cho từng trẻ. Tắm rửa và vệ sinh nhẹ nhàng thân thể cho bé hằng ngày bằng nước sạch để tránh nhiễm khuẩn. - Theo dõi sát tình trạng bệnh: Tốt nhất trong 7 ngày kể từ lúc bị bệnh, ngoài việc chăm sóc tại nhà và dùng thuốc theo đơn thì hằng ngày nên tái khám để phát hiện sớm những diễn biến bất thường. Chú ý, bệnh lây lan mạnh nhất trong tuần đầu nhưng virut có thể còn tồn trong phân vài tháng sau. |
>> XEM TIẾP: Trẻ bị chân tay miệng nên bôi thuốc gì để nhanh khỏi?