Mẹ sẽ yên tâm ngủ ngon, bé không còn quấy khóc lúc nửa đêm nhờ những cách xử lý thông minh này.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường quấy khóc về đêm với nhiều nguyên nhân khác nhau có thể bắt nguồn từ việc bé cảm thấy đau đớn, khó chịu hoặc không thoải mái trong người… Khi trẻ quấy khóc, mẹ đừng vội vàng nổi cáu và phạt con mà cần phải bình tĩnh tìm hiểu lý do để nắm được cách giải quyết hiệu quả nhất.
Nguyên nhân khiến trẻ hay quấy khóc về đêm
- Bé bị căng thẳng thần kinh: Đối với trẻ nhỏ, hệ thần kinh của bé rất non nớt, rất dễ bị căng thẳng bởi các yếu tố bất lợi của môi trường xung quanh. Khi bé bị căng thẳng thần kinh, biểu hiện đầu tiên mà cha mẹ thường gặp nhất đó là trẻ quấy khóc dai dẳng.
Trẻ sơ sinh học hỏi từ việc tiếp nhận các kích thích từ thế giới xung quanh. Tuy nhiên đôi khi bé gặp khó khăn trong việc tiếp nhận tất cả những kích thích ấy – từ ánh sáng, tiếng ồn, đến việc được người này người khác ẵm bồng. Lúc này, khóc chính là cách để bé nhắn nhủ rằng: “Như vậy là đủ rồi”.
Có nhiều nguyên nhân khiến trẻ quấy khóc vào ban đêm. (Ảnh minh họa)
- Bé bị rối loạn tiêu hóa: Các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đau quặn bụng có thể khiến bé khóc rất nhiều, đặc biệt vào ban đêm và không có cách nào để dỗ dành được. Nếu bé thường xuyên cáu kỉnh và khóc ngay sau khi được cho ăn, có thể bé đang khó chịu đường tiêu hóa.
Đối với trường hợp này, mẹ cần lưu ý không nên cho con ăn quá no và nếu tình trạng này kéo dài, mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời nhé.
- Bé không khỏe trong người: Đây là một trong những nguyên nhân khá phổ biến khiến trẻ quấy khóc về đêm mà mẹ ít chú ý tới. Mẹ nên kiểm tra thân nhiệt của bé xem có bị sốt không, bé có khặc khừ mắc đờm trong đường thở không và lắng nghe tiếng khóc của con để nhận biết xem con có đang mắc bệnh gì hay không, chẳng hạn như đau bụng, đau đầu, côn trùng cắn,...
- Con đói: Nếu quá đói, trẻ cũng có thể khóc để thông báo cho cha mẹ biết. Tuy nhiên khi cho con ăn, mẹ nên nhớ rằng trẻ sẽ nín khóc từ từ khi dần no mà không ngưng khóc ngay lập tức như nhiều cha mẹ vẫn tưởng. Ngoài ra, nếu bé từ chối bú mẹ khi khóc, các mẹ nên nghĩ tới một nguyên nhân khác.
- Quần áo, tã lót bị ướt bẩn hoặc ngứa ngáy: Mẹ đừng nghĩ rằng bé còn nhỏ thì không cảm nhận được việc tã lót đã bị bẩn hay có vật gì làm bé ngứa ngáy. Bé thích sự khô ráo, sạch sẽ, thoáng mát nên mẹ đừng quên thay tã lót cho bé nếu bị bẩn nhé.
Không khí trong phòng quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến cho trẻ khó chịu, quấy khóc. Ảnh minh họa
- Không khí trong phòng quá lạnh hoặc quá nóng: Không chỉ riêng người lớn mà trẻ nhỏ cũng nhận biết được nhiệt độ có đang nóng quá hay lạnh quá không? Khi cảm thấy lạnh hoặc nóng bức, trẻ sẽ cau có và khóc lên để mẹ chú ý xem nên thay tã, cởi bớt đồ hay mặc thêm quần áo.
- Trẻ bị giật mình: Đôi khi chỉ cần nghe một tiếng động lạ bất ngờ hay cử động đột ngột, bé cũng có thể thức dậy và quấy khóc. Lúc này, mẹ nên ôm bé dỗ dành và ru bé ngủ trở lại.
Mẹ làm gì để con bớt quấy khóc?
Như đã nói, khi trẻ quấy khóc nhiều lần, cha mẹ thường sốt ruột và nổi cáu với trẻ vì dỗ mãi mà không nín. Tuy nhiên, cách dọa nạt, quát trẻ như vậy sẽ không mang lại hiệu quả, cha mẹ nên bình tĩnh tìm hiểu xem nguyên nhân trẻ khóc là gì, do đâu, có tại ai khác không,...
Cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng một số mẹo dỗ trẻ hay dùng và nên duy trì phương pháp đó vài ngày để trẻ quen trước khi muốn chuyển sang cách dỗ khác, từ đó xác định rõ phương pháp thích hợp.
Dưới đây là một số cách giúp làm dịu cơn quấy khóc ở con, mẹ có thể tham khảo:
- Đưa món đồ chơi mà trẻ rất thích: Cha mẹ có thể cho con ôm chú gấu bông mềm mại mà trẻ hay chơi đùa, chiếc gối ôm yêu thích, hay cho trẻ ngậm núm vú giả (ngậm tạm thời), trẻ sẽ quên đi cơn khóc.
Đưa con một món đồ chơi mà con yêu thích cũng là một cách để bé nhanh quên đi cơn khóc. (Ảnh minh họa)
- Trò chuyện: Khi con khóc, mẹ hãy tìm cách làm bé quên cơn khóc, trấn an hoặc thủ thỉ giúp trẻ trấn tĩnh lại.
- Cho bé bú: Cho trẻ bú thêm một bình sữa hoặc cho bú mẹ thêm. Cũng có thể cho bé uống thêm nước, hoặc thay đổi núm vú bình sữa, giúp quên đi cơn khóc.
- Thay tã lót cho khi cần: Mẹ hãy giữ cơ thể bé luôn được vệ sinh sạch sẽ, nhất là khi “tè” ướt tã lót hoặc quần áo bị ẩm ướt. Làn da được thoáng mát sẽ làm trẻ luôn cảm thấy dễ chịu thoải mái và ít quấy khóc.
- Sử dụng trà thảo mộc: Nếu mẹ đang cho con bú, mỗi ngày mẹ nên uống khoảng 3 tách trà thảo mộc. Với các bé lớn hơn, mẹ có thể cân nhắc cho bé uống 1-2 thìa/ lần và 3 lần/ ngày. Hoặc pha 1-2 tách trà vào nước tắm cho bé. Công thức trà: 50g hoa cúc khô, 50g lá bạc hà, 50g lá tía tô đất, 50g hạt thì là.
- Sử dụng thảo dược: Một số loại thảo dược được phép cho sử dụng trên trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với liều lượng nhất định theo tiêu chuẩn và khuyến cáo giúp trẻ ngủ sâu giấc hơn như dịch chiết lá tía tô đất, hoa lạc tiên tây và hoa đoạn lá bạc giúp bé ngủ sâu giấc tự nhiên, hết quấy khóc đêm và hoàn toàn an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Nếu mẹ đã dỗ dành đủ cách mà bé vẫn không bớt quấy khóc, mẹ nên cho trẻ đi khám bác sĩ để xác định rõ nguyên nhân làm con quấy khóc và chọn lựa cách trị liệu phù hợp nhất.
Một số lưu ý cho mẹ giúp trẻ ngủ ngon, không khóc đêm
Ngoài những cách dỗ trẻ, mẹ cũng đừng quên những lưu ý về các hoạt động ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ. (Ảnh minh họa)
Không chỉ chú ý đến chính nhu cầu của trẻ, mẹ cũng cần lưu ý đến không gian xung quanh và những hoạt động ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Mẹ nên vệ sinh phòng ngủ của trẻ sạch sẽ thoáng đãng.
- Cho trẻ ăn uống khoa học. Không cho ăn quá no trước giờ đi ngủ.
- Không cho trẻ vận động, nô đùa quá nhiều vào buổi tối trước giờ đi ngủ.
- Cho trẻ tắm nắng thường xuyên nếu có thể, bổ sung đủ canxi và vitamin D.
- Không để trẻ ngủ quá nhiều vào ban ngày. Rèn cho trẻ thói quen ngủ sớm, dậy sớm và hoạt động nhiều vào buổi sáng (từ 9h đến 12h).