Ho ở trẻ em rất thường gặp bởi nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó phổ biến nhất là rối loạn tiết dịch trong đường thở, nhiễm virus hợp bào hô hấp. Chính vì vậy, phụ huynh cần nắm rõ các nguyên nhân để có biện pháp tránh ho cho trẻ sơ sinh thích hợp.
Ho không phải là một căn bệnh mà là một phản ứng tự bảo vệ của cơ thể, là cách để cơ thể làm sạch đường thở, đẩy các chất đờm, dính, vi khuẩn, bụi khỏi đường thở. Tuy nhiên nó cũng là triệu chứng của một trong số các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm lạnh, ho gà, viêm phổi, viêm xoang...
Có hai loại ho thông thường, đó là:
- Ho khan: Thường xảy ra khi trẻ bị cảm lạnh hoặc dị ứng. Kiểu ho này giúp làm sạch nước mũi hoặc những chất kích ứng khó chịu ở trong cổ họng.
- Ho có đờm: Kiểu ho này thường do bệnh về đường hô hấp cùng với sự viêm nhiễm do vi khuẩn gây ra, tạo nên những cục đờm, chất nhầy.
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất kém, bố mẹ nên chủ động phòng ngừa để bé không nhiễm các vi khuẩn và virus gây ho. (Ảnh minh họa)
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh rất kém vì vậy khả năng mắc bệnh lý nhiễm trùng, ho có nhiều đờm cao. Bộ Y tế New Zealand cảnh báo, cha mẹ cần phát hiện và điều trị ho cho trẻ từ sớm để tránh dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Sử dụng thuốc ho có nguồn gốc dược liệu là biện pháp hiệu quả để trị ho cho bé. Tuy nhiên, cha mẹ nên chủ động phòng ngừa để bé không nhiễm các vi khuẩn và virus gây ho. Để phòng tránh những con ho cho trẻ sơ sinh, bố mẹ cần nhớ thực hiện nghiêm túc những điều dưới đây:
1. Cho trẻ bú sữa mẹ
Với trẻ sơ sinh, sức đề kháng còn kém nên khả năng bị ho thường sẽ rất cao. Do đó, việc tăng cường hệ miễn dịch, sức đề kháng cho trẻ là một điều hết sức quan trọng. Để làm được điều đó, trước tiên, các mẹ cần cho con bú sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu.
Đây là một bước cần thiết cho sự phát triển và tăng cường khả năng miễn dịch tự nhiên của bé ngay từ những ngày đầu tiên sau khi bé được sinh ra. Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh hình thành hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể nhanh hơn.
Đặc biệt là giai đoạn sáu tháng đầu, nếu được uống sữa mẹ hoàn toàn, bé sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng tai, nhiễm trùng dạ dày. Vì tất cả các kháng thể tuyệt vời trong sữa mẹ giúp bé chống chọi lại với môi trường xung quanh nên bé sẽ ít bệnh vặt hơn.
Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh hình thành hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể nhanh hơn. (Ảnh minh họa)
2. Hạn chế cho trẻ đến những chỗ đông người
Để phòng tránh ho hiệu quả cho trẻ sơ sinh, bố mẹ nên hạn chế đưa bé đến những chỗ đồng người, chẳng hạn như công viên, trung tâm mua sắm... bởi ở đó có những mầm mống gây bệnh có thể truyền nhiễm cho bé.
3. Tiêm phòng đầy đủ cho trẻ sơ sinh
Trẻ sơ sinh với sức đề kháng kém rất dễ mắc các bệnh truyền nhiễm và tiêm chủng là cách an toàn nhất để bảo vệ bé. Chủng ngừa giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh và giúp bảo vệ trẻ em và trẻ sơ sinh khỏi những biến chứng nguy hiểm.
4. Chăm sóc tốt cho trẻ vào những thời điểm giao mùa
Sức đề kháng của trẻ sơ sinh tương đối thấp do đó khi thời tiết thay đổi các tác nhân gây bệnh sẽ càng phát triển mạnh làm cho bé dễ bị ho. Vì thế, ở những thời điểm giao mùa, bố mẹ cần lưu ý chăm sóc bé cẩn thận hơn.
Vào mùa đông trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến tình trạng ho, hắt hơi, sổ mũi, nóng sốt… vì thế bố mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ nhưng tuyệt đối không ủ ấm quá mức.
Vào mùa đông trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến tình trạng ho, hắt hơi, sổ mũi, nóng sốt… vì thế bố mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ nhưng tuyệt đối không ủ ấm quá mức. (Ảnh minh họa)
5. Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho trẻ
Đây là biện pháp đơn giản để phòng tránh sự lây lan của các loại vi khuẩn và virus gây bệnh truyền nhiễm và triệu chứng ho ở trẻ sơ sinh. Nhất là trong thời gian trẻ tập bò, tập đi, bé thích tự mình khám phá mọi thứ xung quanh, mẹ càng cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ. Vệ sinh mũi họng thường xuyên cho trẻ, vệ sinh răng lợi tốt cho bé cũng là một biện pháp hạn chế nhiễm trùng hô hấp.
6. Tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ
Các chất bụi bẩn, độc hại chứa rất nhiều vi khuẩn có hại và chúng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bé thông qua đường hô hấp. Theo đó, phổi và khí quản sẽ bị tổn thương nghiêm trọng khiến cho trẻ sơ sinh bị ho.
Chính vì thế, mẹ nên tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ. Mẹ không cần phun thuốc khử trùng cho ngôi nhà mỗi ngày nhưng cần nhớ vệ sinh nhà cửa thường xuyên, lau sạch những món đồ bé hay tiếp xúc.
Mẹ nên tạo môi trường sống sạch sẽ cho trẻ để tránh vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể bé (Ảnh minh họa)
Thành viên bị bệnh nên cách ly trong phòng riêng và tránh các cử chỉ âu yếm bé như ôm hôn, bồng bế hay nằm chung. Bé cũng cần hạn chế tiếp xúc với người bị ho hoặc cảm cúm. Việc cách ly phải thực hiện tế nhị để bé không hiểu lầm hoặc kỳ thị người ốm.
Lưu ý khi chăm sóc trẻ sơ sinh bị ho
- Không tự ý cho con dùng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh.
- Ho thường khiến cho đường thở của bé gặp khó khăn do đó mẹ nên vệ sinh mũi bằng cách nhỏ nước muối sinh lý.
- Không cho trẻ ăn thức ăn lạnh vì như vậy sẽ khiến bé bị ho nhiều hơn.
- Một số loại thảo dược có tác dụng giảm ho do kích ứng, giảm ho nhờ khả năng làm loãng dịch đờm nhầy đường hô hấp và tăng miễn dịch hô hấp. Tuy nhiên, khi sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nhất thiết phải dùng những chế phẩm chứa dịch chiết thảo dược chuẩn hóa để đảm bảo an toàn và có hiệu quả cho bé.