Sặc sữa hay ọc sữa là hiện tượng hay xảy ra ở trẻ sơ sinh những năm tháng đầu đời. Nếu bé nhà bạn hay gặp tình trạng này thì có thể tham khảo các cách xử lý dưới đây.
Trẻ sơ sinh từ 1-2 tháng tuổi có hệ thống tiêu hóa thường non yếu, hoạt động chưa đồng bộ nên khó tiếp nhận cũng như phản hồi lại lượng thức ăn tiếp nạp vào cơ thể. Thậm chí bé còn hay nuốt hơi vào trong dạ dày. Đó là lý do vì sao nhiều bé bú mẹ hay bị sặc sữa.
Hiện tượng này thậm chí còn xảy ra đối với những bé lớn hơn khi được bú bổ sung sữa công thức, mẹ vỗ lưng ợ hơi rồi đặt bé nằm xuống nhưng vẫn ọc hết sữa ra ngoài.
Ọc sữa hay sặc sữa là hiện tượng phổ biến thường xảy ra ở những tháng đầu sau sinh. Ảnh minh họa
Cách đây ít giờ, trên một diễn đàn có nhiều bà mẹ bỉm sữa tham gia, một bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ và bổ sung thêm sữa công thức băn khoăn đặt ra câu hỏi nhờ mọi người giúp đó là con trai chị sau khi ăn hay bị ọc sữa ra ngoài.
Thậm chí: "Có hôm mặc dù bú đã no căng bụng ra rồi nhưng vì ham quá nên cu cậu cứ cố ngậm ti đòi bú tiếp, nhất định không chịu nhả ra. Đang bú say sưa thì cu cậu bị sặc, ho lên một tiếng rồi phun hết sữa ra thành vòi, sữa trào ra cả mũi", mẹ trẻ chia sẻ.
Trước câu hỏi đầy lo lắng của bà mẹ trẻ, rất nhiều mẹ bỉm sữa khác lên tiếng đồng cảnh ngộ và đưa ra một số kinh nghiệm xử lý như sau:
- Bé nhà mình cũng có một lần bị sặc sữa, sau khi đưa đến bệnh viện thăm khám, bác sĩ chỉ cho mình cách sơ cứu con như sau:
Vỗ lưng, ấn ngực: Một tay đỡ ngực bé, dùng lòng bàn tay còn lại vỗ mạnh 5 cái vào lưng trẻ (chỗ giữa hai xương bả vai) nhằm tăng áp lực trong lồng ngực để tống dị vật ra ngoài.
Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại đến 10 lần cho đến khi trẻ có dấu hiệu hồi phục.
Thông đường thở: Dùng miệng hút mạnh vào mũi, miệng trẻ, hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp.
Đối với trẻ có biểu hiện ngưng thở, có thể kết hợp các biện pháp trên với thổi ngạt: Ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Theo Quang9292
Theo mình, mẹ nên kiểm tra lại núm bú của con. Núm bú cho bé sơ sinh thì phải dùng loại dưới 3 tháng lỗ nhỏ bé bú từ từ. Núm này sử dụng đến khi bé 6 tháng luôn đấy ạ, vì nếu dùng núm trên 3 tháng lỗ sẽ to hơn, bé bú nhanh hơn và 100% bé nào cũng trớ.
Sau đó là: khi bé bú xong chị nên bế theo kiểu vác vai (đầu bé dựa vào vai, 1 tay đỡ bé 1 tay xoa lưng vừa để bé ợ vừa giúp bé thoải mái) tầm 10 phút.
Nếu thấy con hay bị sặc sữa mẹ nên kiểm tra núm vú bình sữa của con. Ảnh minh họa
Theo Tuantuyen20
Có thể là bé bị bất dung nạp lactose, bạn thử qua sữa lactose free xem. Nếu dung lactose free mà vẫn ọc thì có khả năng là bé bị dị ứng đạm bò.
Theo Cafe_au_lait
Cơ địa của mỗi bé khác nhau, có bé nhanh hấp thu, có bé chậm. Nếu bé chỉ ọc sữa 2 lần/ ngày thì bạn thử cho bé bú ít lại, đã ti mẹ rồi thì đừng cho bé bú bình thêm (trừ khi sữa mẹ quá ít).
Bạn cũng xem lại thức ăn của bạn. Đôi khi thức ăn của mẹ cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa làm bé khó tiêu hóa.
Nếu bú ít lại mà bé vẫn ọc thì hãy đưa bé đi khám, cần để ý đến số và lượng, màu sắc lần bé đi tiêu đi tiểu trong ngày để bác sĩ dễ đánh giá tình trạng của bé.
Theo C.kieuoanh
Ths. BS Hoàng Thị Minh Thu (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Xanh Pôn) cho biết, trẻ bị sặc nói chung (cụ thể sặc sữa) thường có dấu hiệu đặc trưng ban đầu gồm: Ho sặc sụa, ngừng ăn, nặng hơn thì có thể xuất hiện những cơn tím tái. Trong trường hợp có sữa trào ra mũi, miệng thì đó là những dấu hiệu rõ ràng chứng tỏ trẻ bị sặc. Nếu không được sơ cứu kịp thời trẻ có thể ngừng thở, ngừng tim dẫn đến tử vong chỉ trong chốc lát. Vì vậy, khi trẻ có dấu hiệu ho sặc sụa, theo BS Thu, cha mẹ hoặc người giữ trẻ cần phải ngay lập tức phải làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút hoặc không có thì dùng miệng của mẹ/ người trông trẻ hút. Lưu ý cần hút kỹ những sữa còn đọng ở họng và mũi càng nhanh càng tốt. Hút miệng trước, mũi sau. Nếu để chậm, sữa sẽ vào trong khí quản gây tắc nghẽn đường hô hấp trực tiếp vào mũi bé. Tiếp sau đó, đặt trẻ nằm sấp đầu thấp trên cánh tay. Dùng lòng bàn tay vỗ mạnh liên tiếp vào lưng trẻ, ở giữa hai xương bả vai. Sau đó, lật bé lại quan sát. Nếu trẻ vẫn khó thở, tím tái thì đặt trẻ nằm ngửa trên một mặt phẳng cứng, dùng hai ngón tay trỏ và giữa đột ngột ấn mạnh xuống nửa dưới của xương ức. Lặp lại đến 10 lần cho đến khi trẻ không còn dấu hiệu tím tái. BS Thu cũng nhấn mạnh, sau khi sử dụng tất cả các phương pháp trên mà trẻ vẫn có biểu hiện ngưng thở, các bậc phụ huynh có thể kết áp dụng phương pháp thổi ngạt bằng cách ngậm mũi và miệng trẻ thổi vào cho đến khi thấy lồng ngực hơi nhô lên. Sau đó phải đưa ngay đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời. Theo Ngô Châu Anh (Infonet) |