Bị mất đồ không rõ lí do, đi bắt nạt lại trẻ nhỏ hơn, sợ đến trường,... là những biểu hiện cảnh báo có thể trẻ đang bị bắt nạt.
Trẻ bị bắt nạt ở trường không phải là hiện tượng hiếm gặp. Đôi khi phụ huynh nghĩ những hành vi đánh nhau, cãi nhau, bôi xấu nhau,... giữa con trẻ chỉ là chuyện nắng mưa thất thường phổ biến ở lứa tuổi học trò, sau đó các con sẽ tự dàn xếp ổn thỏa với nhau. Tuy nhiên, bị bắt nạt rất dễ khiến trẻ phải chịu tổn thương lâu dài, cả về thể chất lẫn tinh thần.
Nhiều bé không dám chia sẻ với bố mẹ, cố giấu giếm về những nỗi đau mình phải chịu đựng do sợ bị trả thù, tẩy chay hoặc không đủ tin tưởng rằng mọi người sẽ giúp đỡ bé. Do đó, bố mẹ cần hết sức tinh tế để phát hiện ra những dấu hiệu khác lạ của con, kịp thời xử lí trước khi trẻ bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng. Dưới đây là một số biểu hiện cảnh báo trẻ có thể đang bị bắt nạt:
1. Bị mất mát hoặc hư hỏng đồ chơi, dụng cụ học tập, trang phục, đồ ăn hoặc tiền mà không rõ lí do
2. Có những vết bầm tím, vết xước, cào,... mà không rõ lí do
3. Không muốn đến trường hoặc tham gia các hoạt động khác với bạn bè cùng trang lứa
4. Sợ bị bỏ lại một mình: hay bất thình lình nép chặt vào người bố mẹ, níu kéo bố mẹ ở lại khi bố mẹ đưa trẻ đến trường
5. Hay bất chợt buồn rầu, ủ rũ, rút lui, lẩn tránh những hoạt động đông người
6. Có những thay đổi đặc biệt trong hành vi ứng xử hoặc tính cách
7. Tâm trạng thất thường, hay lo lắng, giận dữ, buồn bã hoặc thất vọng và những tâm trạng này thường kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
Bố mẹ cần hết sức tinh tế để phát hiện ra những dấu hiệu khác lạ, cảnh báo trẻ đang bị bắt nạt của con. (Ảnh minh họa)
8. Thường xuyên phàn nàn về vấn đề thể chất: đau đầu, đau bụng, hay phải đến phòng y tế của trường
9. Khó ngủ, hay gặp ác mộng, thường khóc rất lâu rồi chìm vào giấc ngủ, tè dầm khi ngủ
10. Thay đổi trong thói quen ăn uống
11. Bắt đầu bắt nạt lại em nhỏ hơn trong gia đình hoặc những đứa trẻ nhỏ tuổi hơn ở bên ngoài (Một số trẻ bị bắt nạt có thể trở thành những kẻ đi bắt nạt người khác)
12. Đợi đến khi về nhà mới dám đi vệ sinh (Nhà vệ sinh nơi công cộng như trường học, công viên,... thường là nơi vắng vẻ, không người giám sát, có thể thành địa điểm lí tưởng cho việc bị bắt nạt)
13. Đột nhiên trẻ có ít bạn bè hơn hẳn hoặc không muốn tham gia vào các nhóm, hội bạn bè như trước.
14. Về nhà trong tình trạng đói ngấu nghiến (Những kẻ bắt nạt tại trường học thường có trò cướp đồ ăn của nạn nhân)
15. Bất ngờ tụt giảm điểm số ở trường (Bị bắt nạt có thể khiến trẻ bị ảnh hưởng nặng nề đến khả năng tập trung học hành)
16. Trẻ luôn tự nhận lỗi về mình trong mọi chuyện, luôn cảm thấy mình “không đủ tốt”.
17. Trẻ thường nói về cảm giác bất lực, muốn bỏ trốn hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là muốn tự tử.
Bậc làm cha làm mẹ là chỗ dựa gần gũi, thân thiết nhất của con cái, đừng tặc lưỡi bỏ qua những dấu hiệu đáng nghi cảnh báo trẻ bị bắt nạt mà để con chịu tổn thương sâu sắc. Đừng đợi đến khi biết con mình bị bắt nạt mới ra tay can thiệp mà hãy rèn luyện tính cách độc lập, mạnh mẽ cho con, dạy con những kĩ năng sống cần thiết, những cách tự bảo vệ bản thân để những trường hợp đáng tiếc không xảy ra.