Ai chứng kiến cảnh tượng này cũng vừa thương vừa trách.
Ngoài bố mẹ, người gần gũi và chăm sóc trẻ từ nhỏ chính là ông bà. Có nhiều gia đình bố mẹ vì bận rộn công việc nên thường nhờ ông bà giúp đỡ, thậm chí còn để con sống cùng với ông bà và ông bà là người nuôi dưỡng cháu mọi thứ, từ ăn uống, ngủ nghỉ cho đến chuyện học hành. Được ông bà hỗ trợ là một điều may mắn, thế nhưng bố mẹ không nên phó thác hoàn toàn, bởi trong nhiều hoàn cảnh, ông bà thường quá cưng chiều cháu sẽ khiến đứa trẻ dễ sinh hư.
Bằng chứng rõ nhất là một vài bức ảnh ghi lại khoảnh khắc bà nội đến trường tiểu học đón cháu, được chia sẻ trên mạng xã hội Trung Quốc đã trở nên viral, thu hút lượt tương tác “khủng” từ cộng đồng mạng. Theo đó, 2 bức ảnh được chụp lại bởi một vị phụ huynh khác, điểm gây chú ý là hành động của bà và 4 đứa cháu trai trước cổng trường.
Thay vì để mỗi cháu tự mang cặp sách của mình trên lưng, người bà lại đem theo từ nhà một chiếc đòn gánh, sau đó treo mỗi đầu 2 chiếc cặp sách của cháu trai rồi khệ nệ gánh trên vai. Rõ ràng, cả 4 đứa cháu đều đã lớn, bé nào bé nấy phát triển khoẻ mạnh và trộm vía “có da có thịt” chứ không hề ốm yếu gì, vậy mà các nhóc tỳ vẫn mặc kệ cho bà nội gánh vác những chiếc cặp sách một cách nặng nề, còn chúng thì cười đùa chạy nhảy vui vẻ. Thậm chí, các bé còn bỏ đi trước, mặc kệ bà đang phải bước từng bước chậm chạp.
Nhìn thấy toàn bộ cảnh tượng này, dân tình bắt đầu nảy ra cuộc tranh cãi sôi nổi. Nhiều người trách những đứa trẻ 1 thì trách bố mẹ chúng 10. Họ cho rằng vì bố mẹ không quan tâm đến con, bỏ con cho ông bà mà không giáo dục cẩn thận nên trẻ mới có những hành động, tính cách hời hợt, vô tâm và thiếu trách nhiệm, không hiếu thuận như thế. Song, một số bộ phận phụ huynh khác thì lên tiếng phê bình, phản đối vì người bà đã nuông chiều các cháu một cách thái quá, tưởng là thương nhưng thực ra là đang làm hại trẻ.
Từ hành vi của người bà, sự thiếu trách nhiệm hay phụ thuộc của bố mẹ đã vô tình khiến con cháu hình thành tính ỷ lại, không có sự tự lập và chắc chắn trong tương lai, người lớn sẽ phải hối hận vì những gì bản thân làm đã dạy hư trẻ. Không phải “trẻ con không biết gì”, mà là do không được gia đình giáo dục chỉn chu từ nhỏ, thế nên trước khi trách những đứa trẻ thì chính các bậc phụ huynh cần phải nhìn lại bản thân mình trước tiên.
Quả thực, đối với những bố mẹ bận rộn công việc, nếu được ông bà hỗ trợ chăm cháu thì đây là một chuyện vô cùng tuyệt vời, vì sẽ khiến các ông bố bà mẹ cảm thấy yên tâm hơn.
Thế nhưng việc quá phụ thuộc vào ông bà và giao toàn quyền quyết định chăm sóc, nuôi dạy con cho ông bà, về lâu về dài sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển tự nhiên của trẻ. Tại sao lại như vậy?
Ảnh minh hoạ
1. Ông bà không còn đảm bảo đủ sức khỏe để chăm con
Ai đã từng nuôi con nhỏ đều biết rằng quá trình này rất mệt mỏi và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến giấc ngủ, sự nghỉ ngơi, ... của người lớn. So với người trẻ, người cao tuổi có sức chịu đựng hạn chế, việc đưa trẻ em đến có thể ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đối với người cao tuổi, họ nên được an nhàn tuổi già, không nên mệt mỏi vì chăm sóc con cái. Vì vậy, nên để người già dắt trẻ trong thời gian ngắn, các bậc cha mẹ không nên để ông bà chăm cháu trong thời gian dài.
2. Trẻ dễ bị chiều hư
Các ông bà thường có xu hướng nuông chiều cháu. Có những người dù vô cùng hà khắc với con cái nhưng ngược lại, dễ dãi với cháu. Thậm chí, khi bố mẹ đưa ra một quy định nào đó cho trẻ, ông bà có thể đi ngược lại. Sự yêu chiều này vô tình phá hỏng kỷ luật mà bố mẹ đặt ra, khiến trẻ không vâng lời.
3. Chế độ dinh dưỡng
Ông bà thường cho cháu ăn quá nhiều. Các nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng trẻ em có thể bị béo phì, vệ sinh răng miệng kém, hoặc thậm chí tiểu đường vì ông bà của chúng làm hỏng chúng bằng đồ ăn vặt, đồ ngọt, bánh kẹo và đồ ăn béo. Họ cố gắng làm cho cháu của họ hạnh phúc hơn, nhưng họ có thể gây tổn hại sức khỏe nghiêm trọng cho trẻ. Đây cũng là lý do không nên để ông bà chăm cháu quá nhiều.
4. Kỹ năng xã hội kém
Khi trẻ em dành phần lớn thời gian cho ông bà, chúng không đủ hứng thú để kết bạn với những đứa trẻ khác. Chúng có xu hướng thoải mái ở bên trong các mối quan hệ quen thuộc của mình, tránh né những người lạ. Thay vào đó, những đứa trẻ học nhà trẻ hoặc mẫu giáo, ít có nguy cơ mắc các vấn đề về hành vi hơn vì chúng phát triển các kỹ năng xã hội tốt hơn.
Có thể thấy, để trẻ phát triển tốt cả thể chất và trí tuệ đó là nghệ thuật kết hợp một cách khéo léo giữa ông bà, bố mẹ và người thân trong môi trường đầy ắp tiếng cười và sự yêu thương!