Ngộ độc thuốc ở trẻ em đa số là do sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của người lớn, nhất là với những mẹ không cẩn thận khi cho con uống thuốc chữa bệnh.
Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ và cảnh báo của Thạc sĩ – Dược sĩ Đặng Thanh Hoan, 37 tuổi, hiện đang công tác tại Công ty Dược Đại Bắc với DECA để tránh tuyệt đối tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ em.
Thạc sĩ – Dược sĩ Đặng Thanh Hoan
Xin dược sĩ cho biết những nguyên nhân thường gặp nhất dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ?
Ngộ độc thuốc ở trẻ em đa số là do sự bất cẩn và thiếu hiểu biết của người lớn. Sự việc đáng tiếc này thường xảy ra trong các trường hợp sau:
Lưu giữ thuốc không cẩn thận
Một số gia đình không có chỗ lưu trữ thuốc cẩn thận, đôi khi còn để trong hộp đựng bánh, kẹo, lại trong tầm với của trẻ. Trẻ con với bản tính thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn dẫn đến ngộ độc là điều khó tránh.
Dùng không đúng thuốc, không đúng liều
– Khi trẻ bị bệnh nhiều cha mẹ không cho con đi khám mà tự ý mua thuốc về nhà điều trị, mua thuốc theo kinh nghiệm hoặc lời mách bảo của những người xung quanh mà chưa có chỉ định của bác sĩ đã dẫn tới tình trạng dùng không đúng thuốc, không đúng liều. Một số trường hợp còn tự ý tăng liều với mong muốn trẻ mau khỏi hay sử dụng lại toa thuốc cũ cho con uống cũng vô tình gây hại cho trẻ.
– Bên cạnh đó, hiệu thuốc nhiều nơi bán tùy tiện thuốc kê đơn và không có tư vấn sử dụng thuốc, nhất là với trẻ em, trong khi việc dùng thuốc theo lứa tuổi và cân nặng là vô cùng quan trọng.
Dùng thuốc không rõ tác dụng, không rõ nguồn gốc
Một số phụ huynh khi thấy con biếng ăn, người gầy (ốm) nghe bất cứ ai mách có thuốc giúp trẻ hay ăn chóng lớn là tìm mua bằng được cho trẻ uống. Vì dùng những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần nên rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ dẫn tới tình trạng ngộ độc thuốc.
Vậy, trẻ bị ngộ độc thuốc có thể dẫn tới hậu quả như thế nào, thưa dược sĩ?
Tùy theo từng loại thuốc mà mức độ nguy hiểm, hậu quả khác nhau. Ngộ độc thuốc thường khiến trẻ bị dị ứng, nặng hơn nữa là tổn thương gan, thận, sốc phản vệ.
Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ nguy hiểm tới tính mạng hoặc để lại những di chứng lâu dài cho trẻ.
Sau khi uống thuốc, những dấu hiệu nào chứng tỏ trẻ có thể đã bị ngộ độc thuốc mà cha mẹ cần lưu ý để có biện pháp xử lý ngay?
Trẻ bị ngộ độc thuốc thường có những biểu hiện sau:
Biểu hiện ở đường tiêu hóa: thường xuất hiện sớm nhất, trẻ kêu đau bụng nhiều, buồn nôn, nôn ói nhiều, một số trẻ bị tiêu chảy.
Biểu hiện ở đường hô hấp: trẻ đột ngột ho sặc sụa nhất là trẻ nhỏ vì tâm lý hoảng sợ, nặng hơn trẻ có biểu hiện thở nhanh, tím môi, khó thở.
Biểu hiện ở hệ thần kinh: với nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau như trẻ bị hôn mê hoặc co giật toàn thân, run tay chân, run giật cơ (ở mặt, ngực, đùi, cánh tay), yếu cơ sau đó là liệt cơ. Nặng hơn có thể gây liệt hô hấp, rối loạn nhịp tim.
Biểu hiện tăng tiết: trẻ bị tăng tiết đờm nhớt ở cổ họng hay đường hô hấp, chảy nước miếng nhiều, dịch tiêu hóa tăng bất thường, tay chân lạnh vì vã mồ hôi.
Sự bất cẩn hoặc thiếu hiểu biết của người lớn là một trong những nguyên nhân gây ngộ độc thuốc ở trẻ em. (Ảnh minh họa)
Xin dược sĩ chia sẻ một số phương pháp sơ cứu khẩn cấp khi thấy trẻ có biểu hiện ngộ độc thuốc?
– Trước tiên cha mẹ để ý xung quanh trẻ có những vỉ thuốc dở dang, những bao đựng thuốc bị xé hoặc những chai đựng thuốc của người lớn… Cần mang theo mẫu thuốc hoặc chai/lọ đựng thuốc mà nghi trẻ đã uống báo cho bác sĩ biết để có những biện pháp giải độc thích hợp nhất.
– Khi biết trẻ bị ngộ độc thuốc, cha mẹ hãy giữ trẻ ở tư thế ngồi hoặc đứng, tuyệt đối không đặt trẻ ở tư thế nằm để tránh các chất trong dạ dày khi trẻ đang bị nôn ói trào lên thực quản, rồi vào khí phế quản, vào phổi sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
– Nếu thấy trẻ tỉnh táo, chưa bị nôn, cha mẹ hãy giúp trẻ nôn để loại bớt chất độc hại, cha mẹ có thể dùng ngón tay của mình kích thích nhẹ nhàng vào họng trẻ giúp trẻ có thể nôn bớt thuốc đã uống. Tuyệt đối không được gây nôn trong trường hợp trẻ đã bị hôn mê, trẻ đang lên cơn co giật, đặc biệt là những trường hợp nghi ngờ trẻ vừa bị ngộ độc chất gây ăn mòn mạnh như axít, bazơ. Nếu trẻ kêu đau rát vùng họng cha mẹ có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc sạch hoặc nước sôi nguội để làm dịu cơn đau.
Sau sơ cứu ban đầu, người nhà cần nhanh chóng đưa trẻ tới ngay bệnh viện gần nhất để được các bác sĩ tiếp tục cấp cứu, giải độc cho trẻ.
Trẻ con với bản tính thích khám phá nên nguy cơ uống nhầm thuốc của người lớn dẫn đến ngộ độc là điều khó tránh.(Ảnh minh họa)
Hiện nay có nhiều bậc phụ huynh thường sử dụng một số loại thuốc Nam, thuốc Bắc theo kinh nghiệm truyền miệng trị một số biểu hiện khó nuôi ở trẻ như biếng ăn, quấy khóc. Xin dược sĩ cho biết cách làm này có nên hay không?
Thuốc Đông y (thuốc bắc, thuốc nam) cũng có những tác dụng không mong muốn như trong thuốc Tây y. Vì vậy phải thật cẩn trọng khi sử dụng, không nên dùng thuốc theo kinh nghiệm, nghe lời truyền miệng về một toa thuốc, vị thuốc nào đó rồi tự tiện sử dụng.
Cũng không nên cho trẻ khám và uống thuốc của những người không được đào tạo chuyên môn hay hành nghề không theo sự quản lý của nhà nước.
Việc điều trị thuốc Đông y cần phải có chỉ định của bác sĩ y học cổ truyền. Dù điều trị Đông y hay Tây y thì cũng cần có liều lượng, sự kiểm soát của bác sỹ chứ không nên tự mua về dùng tránh những nguy cơ đáng tiếc cho sức khỏe của con.
Xin cảm ơn dược sĩ về cuộc trò chuyện rất thiết thực này!