Để trẻ đón một cái tết Ất Mùi trọn vẹn nhất, phụ huynh cần lưu ý phòng bệnh một cách cẩn thận cho trẻ.
Tết là ngày lễ mà các gia đình và nhất là các bé trông đợi nhất trong năm. Bởi vì đây là dịp mà các bé được nghỉ ngơi thoải mái sau những ngày học vất vả và được bố mẹ cho về quê hoặc đi chơi xa. Tuy nhiên, dịp thời gian này chính là thời điểm xáo trộn lịch sinh hoạt, ăn uống của trẻ khiến các bé dễ mắc bệnh hơn ngày thường. Dưới đây đây là một số bệnh trẻ dễ mắc ngày tết nhất mà bố mẹ nhà mình nên để ý phòng tránh cho con.
1. Cảm cúm
Trong những Tết sắp tới, chắc hẳn nhiều bé sẽ có những chuyến du lịch xa nhà, điều này không khỏi khiến các con mắc bệnh cảm cúm, đặc biệt trong điều kiện thời tiết lạnh giá như ở miền Bắc. Không những vậy, Tết đến mọi người đều sum vầy và tụ họp rất đông khiến trẻ dễ bị lây bệnh từ những người không may bị cảm cúm.
Khi cho bé ra ngoài, người lớn nhớ chú ý mặc ấm, đeo khẩu trang, găng tay, mũ cho trẻ... (Ảnh minh họa)
Với các bé nhỏ, sức đề kháng chưa tốt rất dễ là đối tượng để các virus cúm xâm hại, do đó để phòng bệnh cho các bé, mẹ nên nhớ không nên cho trẻ đi chơi muộn, khi thời tiết quá lạnh hoặc trời mưa thì tốt nhất nên để các bé ở nhà. Trong trường hợp cho bé ra ngoài, người lớn nhớ chú ý mặc ấm, đeo khẩu trang, găng tay, mũ cho trẻ...Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn đúng bữa và đầy đủ chất dịnh dưỡng để đảm bảo trẻ có một năng lượng dồi dào chống trọi lại bệnh tật.
2. Tiêu chảy, táo bón
Đây cũng là một trong các bệnh trẻ dễ mắc ngày Tết. Dịp tết, ngộ độc thức ăn là tình trạng thường gặp ở trẻ. Ngoài nguyên do trẻ ăn nhiều đồ ăn vặt thì các món ăn ngày Tết thường là đồ ăn lại do các mâm cỗ cúng nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây bệnh. Bên cạnh đó, thời điểm Tết, bố mẹ lơ là, trẻ được thỏa sức thưởng thức các loại nước uống có gas, thức ăn nhanh mà không ăn rau quả, không chú ý về vấn đề vệ sinh cũng dễ gây tiêu chảy. thói quen ăn uống thiếu cân bằng cộng với việc trẻ nhịn đi tiêu khi đến nơi lạ hoặc phải ngồi bồn cầu không quen cũng là nguyên nhân gây táo bón.
Chính vì vậy, để đề phòng rối loạn tiêu hóa ở trẻ để các bé có một cái Tết vui vẻ, người lớn nên lưu ý kiểm soát thức ăn trẻ ăn trong dịp Tết, bảo quản thức ăn sao cho vệ sinh, đảm bảo ăn chín uống sôi, tốt nhất nấu bữa nào ăn bữa đó là biện pháp để phòng tránh cho trẻ. Bố mẹ cũng nên hạn chế trẻ ăn quá nhiều bánh kẹo trong dịp tết này. Đồng thời, phụ huynh cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ.
3. Bị hóc nghẹn dị vật
Kẹo, hạt dưa, hạt dẻ, hạt hướng dương là những món ăn vặt được nhiều gia đình Việt dùng trong dịp lễ Tết. Trẻ dễ bị sặc, hóc các nếu không biết cách ăn, ăn vội vàng hoặc cười đùa khi ăn. Do vậy, nếu trẻ muốn ăn các loại hạt này, tốt nhất cha mẹ nên bóc tách hoặc hướng dẫn các em bóc và ăn từ từ, tránh ngậm trong miệng rồi đi chơi hay chạy nhảy.
Hạt hướng dương, hạt bí...dễ khiến trẻ bị hóc nếu bé không biết ăn đúng cách
Dấu hiệu dễ thấy là trẻ tím tái mặt mày, khó thở, ho sặc sụa. Nếu chẳng may gặp trường hợp trẻ bị hóc thì bố mẹ cũng nên bình tĩnh sơ cứu và nhanh chóng đưa con đến bệnh viện gần nhất để lấy dị vật.
4. Béo phì hoặc suy dinh dưỡng
Trong dịp Tết, gia đình nào cũng thường sắm sửa rất nhiều bánh kẹo, đồ ngọt để phục vụ mọi người. Những đồ ăn đó lại thường là món khoái khẩu của trẻ nên các bé sẽ được ăn thỏa thích bởi Tết bố mẹ không cấm đoán nhiều về chuyện ăn uống của trẻ. Không những vậy, trong ngày Tết các bữa ăn thiên về nhóm bột đường, đạm và chất béo mà thiếu mất nhóm vitamin, do đó nếu trẻ ăn quá nhiều sẽ dẫn đến việc tăng cân, béo phì.
Trẻ con thường rất thích uống nước ngọt, và trong những ngày Tết là cơ hội để chúng uống thỏa thích. Nhưng loại nước này không tốt nếu uống nhiều, nhất là với trẻ con bởi nó chỉ có đường và các loại hương liệu chứ không có thành phần dinh dưỡng cần thiết. Trẻ uống nhiều nước có ga sẽ nhanh no, chán ăn. Vì thế sau Tết nhiều trẻ đã suy dinh dưỡng lại thường bị sút cân.
Do vậy, các bậc cha mẹ nên chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ để tránh xảy ra các tình trạng trên. Người lớn không nên cho trẻ ăn bánh kẹo, mứt, uống nước ngọt trước các bữa ăn sẽ làm các cháu biếng ăn sẽ không ăn được các thức ăn trong bữa chính dẫn đến suy dinh dưỡng. Đối với các bé béo phì, phụ huynh cần hạn chế cho cháu ăn nhiều đồ ngọt, đồ ăn chiên rán. Để cân bằng dinh dưỡng cho trẻ, cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn nhiều rau xanh dưới dạng luộc như su hào, bắp cải, bí xanh, susu…trong ngày tết.
Ngày tết là dịp vui đoàn tụ của cả gia đình. Các mẹ nhớ đừng để những ngày này mất vui chỉ vì một phút lơ đãng trông con. Hãy chuẩn bị những kiến thức cần thiết để cùng đón một cái tết Ất Mùi trọn vẹn nhất nhé.
Bài liên quan: Trị dứt viêm họng cho con nhờ tỏi nướng Qui tắc mặc đồ cho trẻ sơ sinh mùa đông: 'Bốn ấm một lạnh' |