Bà mẹ hai con khuyên các bậc cha mẹ đừng bao giờ nói yêu các con như nhau bởi nó chỉ khiến các con để ý và tự so sánh, cạnh tranh lẫn nhau.
Abbie Schiller là người sáng lập và giám đốc điều hành của một công ty. Đồng thời, cô cũng là chủ của một studio và có xuất bản những cuốn sách dành cho các bé. Hiện cô là mẹ của hai đứa con, bé gái 11 tuổi và bé trai mới 4 tuổi.
Trong những cuộc nói chuyện với các con, Abbie luôn có một nguyên tắc, đó là không bao giờ nói "Mẹ yêu các con như nhau". Cô yêu chúng theo những cách riêng bởi các con có những cá tính, sở thích khác nhau.
Abbie Schiller là người sáng lập và giám đốc điều hành của một công ty. Đồng thời, cô cũng là chủ của một studio và có xuất bản những cuốn sách dành cho các bé.
Dưới đây là bài viết chia sẻ của cô Abbie Schiller trong việc nuôi dạy 2 con được nhiều người hưởng ứng:
Lớn lên trong một gia đình mà mẹ tôi từng tuyên bố (với mục đích tốt) là bà yêu tôi và em gái bằng nhau. Chính vì thế, trong nhiều năm, tôi luôn tìm kiếm các dấu hiệu để chứng minh rằng mẹ yêu em gái nhiều hơn hoặc ít hơn tôi.
Mẹ cho em ly nước quả nhiều hơn tôi. Bữa tiệc sinh nhật của em cũng được tổ chức linh đình hơn. Cô bé được mua thêm quần áo trong những lần đi mua sắm cùng mẹ. Tuy nhiên, cũng có những lần khác, tôi nhận thấy mẹ ôm hôn tôi lâu hơn em gái và tôi được khen ngợi nhiều hơn về một hành vi nào đó. Tôi luôn luôn để ý đến mọi hành động của mẹ với tôi và em gái để đưa ra so sánh. Sự cạnh tranh này không bao giờ kết thúc.
Em gái tôi và tôi rất khác nhau. Làm thế nào để yêu hai con người khác nhau như vậy bằng nhau được. Nếu chúng tôi giống nhau, mọi chuyện sẽ càng tệ hơn.
Abbie Schiller và hai con
Khi tôi trở thành mẹ, tôi biết rằng tôi phải loại bỏ sự "bằng nhau" này. Thay vào đó, tôi nói với con tôi rằng tôi yêu chúng theo những cách khác nhau. Bởi rốt cuộc, chúng là những cá thể khác nhau, tôi yêu chúng vì chúng là bản thân chúng, hoàn toàn độc lập và khác biệt nhau.
Cho đến nay, cách tiếp cận của tôi đã cho kết quả vô cùng tốt. Dưới đây là những gì tôi học được qua nhiều năm thông qua nhiệm vụ tăng cường sự hòa hợp giữa các con.
1. Không so sánh thành tích
Các bậc phụ huynh nên tránh nói những điều như: "Em của con đã ăn hết bữa tối, tại sao con lại không?" và đừng bao giờ vội vàng gán cho con cái mác là "Một đứa trẻ hư". Thay vào đó, người lớn hãy tiếp nhận sự khác biệt của chúng mà không cần phán quyết.
Trẻ em, giống như tất cả mọi người, thích được người khác đánh giá cao nhưng phải là lời khen thật lòng và xứng đáng chứ không phải là một lời khen ngợi sáo rỗng.
Đừng bao giờ so sánh thành tích giữa các con.
2. Khuyến khích sự riêng biệt của các con trong sở thích, hoạt động, ngoại hình
Tôi thường cho phép các con tự trang trí phòng khách, tự chọn lựa quần áo mà mình muốn mặc và được quyền biểu lộ thái độ với một điều gì đó. Tôi hạn chế tối đa việc đưa ra quyết định thay các con, thay vào đó tôi thường tìm nhiều cách thú vị để thay đổi con theo chiều hướng tích cực. Thật tuyệt khi trẻ có thể tìm thấy "điều của riêng mình" – điều hoàn toàn khác so với những đứa trẻ bên cạnh.
Chúng tôi luôn muốn con cái biết rằng điều quan trọng mà các con cần có đó chính là sự tự tin để con biết rằng chúng xứng đáng, quan trọng và đặc biệt, bất kể trong trường hợp chúng làm tốt hay cần cố gắng hơn.
3. Hướng dẫn và bước sang một bên
Khi giữa những đứa trẻ xảy ra xích mích, bố mẹ đừng vội vàng nhảy vào can thiệp mà hãy dành cơ hội cho các con tự giải quyết vấn đề với nhau. Khi nhận đến lúc cần tham gia, bạn có thể hướng dẫn chúng bằng lời nhắc nhở (bắt đầu với: "Mẹ cảm thấy..." hoặc "Chờ đến khi anh nói xong rồi đến lượt con") và sau đó hãy đứng sang một bên để chúng giải quyết xung đột.
Nên nhớ, điều này cần được thực hành nhiều lần cho đến khi trẻ hình thành được thói quen tốt như bạn mong muốn.
Mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt (Ảnh minh họa)
4. Dán nhãn
Khi nói chuyện với con, bố mẹ hãy tránh càng nhiều càng tốt những câu như: "Thằng bé trông như một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp" hoặc "Con bé luôn là học sinh giỏi", “Đứa trẻ đó thật kiên cường và dũng cảm”...
Những câu nói kiểu như trên tạo ra một môi trường cạnh tranh và gửi đi thông điệp rằng những vai trò đó đã được thực hiện và đã có người nắm giữ vì thế những đứa trẻ khác phải cố gắng để thay thế được người kia. Thay vào đó, bạn chỉ cần "dán nhãn" cho các con đơn giản là: "Con bé là chị cả" và "Thằng bé là người anh chu đáo". Từ đó, trẻ sẽ nhận thức được vấn đề và tích cực hành động theo vai trò mình có được.
5. Dành một khoảng "thời gian đặc biệt" cho các con
Bố mẹ hãy cố gắng dành một khoảnh "thời gian đặc biệt" mỗi ngày 10-15 phút để trò chuyện với từng đứa trẻ. Điều đó giúp chúng cảm thấy tự tin là bố mẹ luôn yêu thương và quan tâm tới chúng, từ đó chúng sẽ vượt qua được những điều tiêu cực.
Trong khoảng "thời gian đặc biệt" đó, trẻ được tự chọn hoạt động để bố mẹ tham gia cùng. Khi đó các con hoàn toàn là người chỉ huy và bố mẹ phải làm theo “chỉ thị” của con.
Không màn hình tivi, không có yếu tố gây phiền nhiễu, hãy thể hiện cho các con thấy bố mẹ đã dành 100% sự tập trung cho chúng. Nhưng bố mẹ cũng cần thiết lập bộ đếm thời gian để biết lúc cần dừng lại. Sau khoảng thời gian này, bố mẹ hãy nhớ quan tâm hơn về sở thích, cá tính khác biệt của mỗi con.
Sự ghen tị, oán hận, cạnh tranh giữa các anh chị em trong nhà có thể khiến bố mẹ đau đầu và nhiều khi dẫn đến to tiếng. Vì thế, bố mẹ đừng bao giờ đánh đồng hai cá thể là một, hãy để mỗi bé được phát triển theo sở thích, cá tính riêng biệt của mỗi người.