Cháu bà nội, tội bà ngoại... thảm bại hôn nhân

Ngày 27/02/2019 16:26 PM (GMT+7)

Đừng đẩy cuộc hôn nhân vào cuộc chiến nội- ngoại. Và càng không nên bắt con thơ yêu nhà nội hơn nhà ngoại hay ngược lại.

Cháu bà nội, tội bà ngoại... thảm bại hôn nhân - 1

Trong kho tàng những câu nói truyền miệng dân gian, luôn có những câu nói định kiến đến đau lòng. Như cái câu: “Rổ rá cạp lại”. Như cái câu: Mấy đời bánh đúc có xương/ Mấy đời mẹ ghẻ biết thương con chồng. Mà, đến năm 2019 rồi, nhiều người vẫn dùng nó như một quán tính nhiều hơn là hiểu đúng bản chất sự việc. Thậm chí nhiều lúc nó thành câu trôi tuột từ miệng ra không cần qua… não bộ.

Cháu bà nội, tội bà ngoại... thảm bại hôn nhân - 2

Tôi nghĩ về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu, về hai bên nội- ngoại của rất nhiều những câu chuyện được nghe trên mạng. Như bà ngoại chăm con gái lúc đẻ, chăm cháu ngoại, thương “mẹ con nhà nó” trong khi nhà nội thì mặc nhiên coi đó là cháu mình rồi, dòng dõi nhà mình rồi chẳng phải chăm. Có nhiều câu chuyện lưu truyền trên mạng nhận được hàng ngàn like về sự vất vả của bà ngoại và sự vô tư đến vô tâm của nhà nội. Nhưng tôi đã dừng lại một chút. Nghĩ lại một chút về câu nói này, một cách công tâm hơn.

Tôi nghĩ lại và nhận ra rằng trong hàng trăm, hàng vạn bài viết trên mạng kia, sống chung với mẹ chồng luôn là câu chuyện kinh khủng nhất của các nàng dâu. Hiếm hoi lắm mới thấy dăm bài người ta nói về mối quan hệ này êm đẹp. Mà nếu nó hạnh phúc, nó sẽ trở thành hiện tượng hiếm có cỡ phát hiện ra một chòm sao mới. Mà mẹ chồng thì chính là bà nội của con mình chứ ai? Thế là bên cạnh 1001 chuyện mẹ chồng tác quái là 999 chuyện bà nội tác oai. Tôi vẫn luôn tự hỏi trong số những người đọc các bài viết kia, bao nhiêu người sẽ vì thế mà lây lan nỗi sợ??? 

Khoan! Khoan đã, thưa các nàng dâu đang bị mẹ chồng hành hạ hoặc những nàng dâu đang cơn ấm ức với mẹ chồng. Tôi không cho rằng chuyện đó là do các chị “tưởng tượng” ra hay bị “ảnh hưởng”. Tôi cũng đã được chứng kiến vài người mẹ chồng như thế. Thậm chí tôi còn được vài vị mẹ chồng như thế nhắn tin đầy giận dữ vào FB của tôi, comment những lời chì chiết trong các bài viết kêu gọi chị em nên biết yêu lấy bản thân của mình. Tôi biết nhiều mẹ chồng coi con trai họ là ngọc ngà châu báu mà vợ họ may mắn lắm mới cưới được. Cơ mà tôi vẫn bảo lưu quan điểm của mình rằng luôn có người này người kia chứ mẹ chồng không phải tuyền một đám tác oai tác quái hay con dâu nào cũng là nạn nhân.

Tôi không bênh vực cho các mẹ chồng hay các bà nội dù tôi là đàn ông, tôi cũng yêu mẹ của mình như các chị em đang yêu mẹ đẻ của các chị em. Tôi chỉ mong rằng chúng ta đừng cau mày nữa, giãn khuôn mặt ra một chút, bớt đau đớn đi khi nói về mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu. Hãy nhìn nó như tính cách xấu xí của bà A chứ không phải “chức danh” của bà A: Mẹ chồng cô B. Để rồi lại có những bình luận kiểu: Mẹ chồng đấy, haizz…

Tôi hiểu chứ! Phụ nữ sinh con ra rồi, làm mẹ rồi nhiều khi mới thấy thương mẹ mình. Hồi còn là con gái nhiều cô cãi mẹ nhem nhẻm, giận mẹ không hiểu mình hay thậm chí thất vọng vì mẹ cổ hủ. Cho đến khi làm mẹ rồi, có con rồi mới thấu được tình mẹ, mới xót mẹ. Và ngược lại, nhiều người mẹ cũng thế, khi con còn ở nhà với mình thì hơi chút là mắng mỏ, đe nẹt thậm chí đôi người còn lo lắng thái quá vì con gái mình chẳng nên thân.

Nhưng khi con gái đi lấy chồng rồi, núm ruột của mẹ đã rời khỏi vòng tay mình, tầm mắt mình rồi thì bắt đầu xót con. Chưa kể lo lắng cho hạnh phúc đời con khi phải sống trong một môi trường xa lạ, không biết nhà bên kia có chăm sóc con mình tử tế hay không hay lại suốt ngày hành hạ con bé. Là còn chưa tính đến những “bài báo chết chóc” kể chuyện mẹ chồng hành hạ nàng dâu khiến nhiều mẹ lo sốt vó. Mẹ với con gái nhiều khi da liền da, thịt liền thịt trong tâm tưởng. Con đau một- mẹ xót mười. Yêu lắm, thương lắm nên lo lắm, xót lắm.

Cháu bà nội, tội bà ngoại... thảm bại hôn nhân - 3

Ngày con bầu bì đi lại khó khăn là nhiều bà ngoại nuốt nước mắt vào trong, xót con, vẫn nhìn nó như hồi nó mới lên 5 lên 3 lẫm chẫm ngày xưa. Ngày con sinh đẻ, thấy nó đau là mẹ nào cũng buốt ruột. Rồi chăm cháu, nhìn đứa trẻ do chính con mình đẻ ra, sợi dây rốn nối 3 thế hệ lại với nhau trong tiềm thức. Thiêng liêng ấy vì thế dễ rưng rưng.

Nhưng nếu vì xót mẹ đẻ mà bãi miễn bà nội, đem nội ngoại ra phân bì đo đếm thì cuộc hôn nhân này ô hô ai tai rồi. Đừng đẩy chồng mình vào cuộc chiến 50% quá khứ đời anh với 50% tương lai đời anh, anh chọn đi! Đừng bắt chồng phải lựa chọn mẹ của anh hay mẹ của các con anh. Đừng đẩy cuộc hôn nhân vào cuộc chiến nội- ngoại. Và càng không nên bắt con thơ yêu nhà nội hơn nhà ngoại hay ngược lại. Ái tình thì làm gì phân theo khẩu phần kiểu yêu bà nội 50%, yêu bà ngoại 50% để mà cán cân cứ lệch đi. Ái tình vốn là không khí, là ánh sáng. Có thể bị tối chỗ này, bị thừa sáng chỗ kia nhưng lúc nào cũng chan hoà tuỳ theo dung lượng của trái tim vậy.

Cháu bà nội- tội bà ngoại sẽ thành thảm bại của hôn nhân là vậy. Chúng ta không ép được trái tim phải yêu một ai đấy nhưng sự tử tế lại là một lựa chọn chứ không phải tự nhiên sinh ra đã có. Sống tử tế với người thân trong gia đình là một lựa chọn. Kể cả việc bạn lựa chọn ai mới là người thân của bạn. Tôi nghĩ thế!

Cháu bà nội, tội bà ngoại... thảm bại hôn nhân - 4

Nhà mình... giàu lắm con ơi!
Tôi không hiểu sao nhiều cha mẹ rất tin vào việc nói với con "Nhà mình nghèo lắm con ạ" với lòng tin rằng con cái sẽ vì thế mà sống tiết kiệm hay biết...
Hoàng Anh Tú
Nguồn: [Tên nguồn]

Tin liên quan

Tin bài cùng chủ đề Cùng con lớn lên