Tôi không hiểu sao nhiều cha mẹ rất tin vào việc nói với con “Nhà mình nghèo lắm con ạ” với lòng tin rằng con cái sẽ vì thế mà sống tiết kiệm hay biết trân trọng giá trị đồng tiền hoặc sẽ vì vậy mà nỗ lực hơn.
Tôi chỉ thấy những đứa trẻ trở nên tự ti vô cùng khi nghĩ về gia cảnh của mình mà sống thu mình lại.
Tôi chỉ thấy những đứa trẻ lúc nào cũng mắt la mày lém nhìn đồ chơi của bạn bè hay những món đồ ăn mà thèm thuồng. Rồi chưa kể lại sinh tính tắt mắt.
Tôi chỉ thấy những đứa trẻ trở nên tham lam vì cái tư tưởng nghèo kéo chúng xuống hành xử như những kẻ hèn.
Tôi chỉ thấy những đứa trẻ bé tí đã đầy toan tính trục lợi chính bạn bè của mình mỗi khi đi ăn, đi chơi. Chúng chọn chơi với những đứa trẻ có tiền để được bạn bao ăn, bao chơi.
Là những đứa trẻ nhà nghèo thật và luôn bị bố mẹ dằn vặt chuyện tiền bạc. Luôn biến chuyện tiền bạc thành mối quan tâm lớn nhất.
Không! Lũ trẻ không có lỗi. Lỗi là tại bố mẹ chúng thôi! Cái nghèo khiến họ vật vã và truyền sự vật vã đến con cái họ, bắt chính con cái họ phải tư duy, cư xử như những người nghèo. Bởi tôi vẫn thấy có những cha mẹ nghèo nhưng luôn sống rất giàu có về trách nhiệm với con cái, giàu có lòng tự trọng và giàu có cả tình yêu con.
Còn một kiểu nữa, cha mẹ dư dả về vật chất nhưng vẫn than nghèo với con “nhà mình nghèo lắm con ạ”. Nghèo đến độ mỗi lần đi nghỉ phải đi nghỉ ở những khu resort sang chảnh, nghèo đến độ mẹ mua những thỏi son hot nhất, ba đổi xe luôn xoành xoạch. Nói với con nhà mình nghèo lắm để con biết sống tiết kiệm hơn nhưng cha mẹ lại hoang phí thì dạy gì được cho con?
Ảnh minh họa
“Nhà mình nghèo lắm con ạ” để đứa trẻ đừng có mà đòi hỏi nhiều ư?
“Nhà mình nghèo lắm con ạ” để đứa trẻ chịu lao động kiếm tiền mai này đừng ỷ lại vào cha mẹ ư?
“Nhà mình nghèo lắm con ạ” để đứa trẻ biết căn cơ với mỗi đồng tiền ư?
Tôi không cho là thế!
Hoặc ít ra, việc “nhà mình nghèo lắm con ạ” vốn chẳng phải là khẩu quyết chúng ta dạy con!
Có lẽ vì tôi sợ cái nghèo luôn đi cùng sự khổ, cái nghèo luôn biến người ta thành hèn, cái nghèo hay khiến người ta trở nên túng quẫn mà làm những điều tệ hại với người khác. Thậm chí, có thời, cái nghèo được vinh danh như là lý do cứu cánh cho những việc họ làm sai mà người đời thể tất cho họ.
Nghèo vì lười lao động, nghèo vì năng lực kém nhưng không chịu nỗ lực, nghèo vì chỉ thích làm việc nhẹ nhàng để dư dả thời gian đi rượu chè than kể chuyện nghèo với nhau… thì đó là thứ tội ác chứ nghèo vậy ai thương?
Nên tôi vẫn dạy con: Nhà mình giàu lắm con ạ!
Bố mẹ sẵn đủ tiền cho các con học cao nhất có thể! Hãy tận dụng!
Bố mẹ sẵn đủ tiền để con luôn biết mời bạn bè một vài bữa đi ăn chung với nhau, đừng để bạn lúc nào cũng phải là người trả tiền cho mình. Hãy sống rộng rãi vì tình bạn thực sự là thứ bao nhiêu tiền cũng xứng đáng mà chi.
Bố mẹ cũng sẵn đủ tiền để mua cho con những thứ mà con ao ước có được nên đừng dùng đồ của người khác, đừng tham lam, đừng tắt mắt, thèm muốn thứ của người khác.
Bố mẹ sẵn đủ tiền để cùng các con trải nghiệm những ngày nghỉ chất lượng, cuộc sống chất lượng nhất trong khả năng mình, để các con thêm trân trọng giá trị của chính các con, không cho phép mình đánh đổi giá trị bản thân để lấy những vật chất khác.
Là sẵn đủ tiền chứ không phải sẵn thừa tiền. Là mỗi khoản tiền chúng ta chi ra phải đúng mục đích, đúng bản chất, đúng giá trị và đúng cả với vị trí của chúng ta trong cuộc sống này. Bố mẹ muốn các con sống đúng vị trí của mình, đừng ảo tưởng mình cao hơn vị trí mình đứng nhưng cũng đừng tự ti hạ thấp mình.
“Nhà mình giàu lắm con ạ” là giàu lòng tự trọng, sự hãnh diện, danh dự của mỗi thành viên và danh dự của gia đình. Chúng ta có nhiều thứ để sợ đánh mất nên phải trân quý, trân trọng và gìn giữ.
“Nhà mình giàu lắm con ạ” là giàu thời gian dành cho con, dành cho nhau, dành cho gia đình. Bố có thể từ chối một job hàng trăm triệu nếu như công việc đó yêu cầu bố phải rời khỏi các con nhiều ngày, nhiều tháng, nhiều năm. Mẹ có thể giảm bớt phần việc có thể mang đến cho mẹ hàng trăm triệu thêm nhưng sẽ khiến mẹ đầu tắt mặt tối không còn thời gian cùng các con tận hưởng những tràng cười rổn rảng bên bàn ăn mỗi tối.
Ảnh minh họa
Bố mẹ đủ tiền rồi dù khi các con đi học, bố mẹ vẫn đang cày mửa mật ngoài đời nhưng tuổi thơ các con luôn được bố mẹ chắt chiu, trân trọng. Và các con vẫn luôn biết bố mẹ đã lao động thế nào để có thể nói với các con câu: Bố mẹ đủ tiền rồi!
Tôi vẫn nghĩ, khẩu quyết daỵ con vốn chẳng phải là chuyện giàu nghèo. Mà là cái cách chúng ta cho con hiểu giá trị lao động, hiểu giá trị đồng tiền và với nhà tôi: Hiểu sâu về tài chính của gia đình, hiểu rõ về tình hình tài chính của gia đình. Tôi tin đó cũng chính là cách để các con tôi học về trách nhiệm với gia đình và hơn cả thế, mai này, chúng cũng sẽ muốn như cha mẹ chúng: Tự lập, tự chủ về tài chính.
Chúng sẽ không trông đợi vào việc cha mẹ sẽ để lại cho chúng tài sản gì vì tài sản của cha mẹ đã dành hết cho chúng từ bé rồi. Chúng cũng sẽ muốn tạo lập cho bản thân những khối tài sản riêng của chúng mai này. Và nhiều hơn nữa, chúng bắt đầu cùng cha mẹ học hiểu về quản lý tài chính.
Và cuối cùng, nếu phải nói với các con về tiền bạc, tôi vẫn thích dạy chúng cách chúng ta sử dụng đồng tiền chứ không phải tiền là tiên là phật, cách chúng ta kiếm được tiền từ năng lực của chúng ta, sự nỗ lực lao động của chúng ta chứ không phải tiền tự nhiên mà có. Là chính từ cách mà bố mẹ chúng đã kiếm ra tiền thế nào, những đồng tiền sạch, chứ không phải bằng những mưu mô, những lợi thế đạp người này, hạ bệ người kia, gian dối và lừa lọc. Chúng ta chứ không phải những lý thuyết sách vở hay “nhà mình nghèo lắm” chính là tấm gương rõ nhất dạy con về tiền bạc.